Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Long Khánh bất khuất

07:01, 25/01/2018

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở mặt trận Bà Rịa - Long Khánh chậm hơn 1 ngày so với mặt trận Biên Hòa U1 và Phân khu 4, nhưng không vì vậy mà kém sự ác liệt. Quân và dân Long Khánh đã chớp nhoáng giáng cho địch những đòn tấn công mạnh mẽ trong đô thị và tại các đồn điền cao su.

[links()]Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở mặt trận Bà Rịa - Long Khánh chậm hơn 1 ngày so với mặt trận Biên Hòa U1 và Phân khu 4, nhưng không vì vậy mà kém sự ác liệt. Quân và dân Long Khánh đã chớp nhoáng giáng cho địch những đòn tấn công mạnh mẽ trong đô thị và tại các đồn điền cao su.

Một góc TX.Long Khánh năm 1968.
Một góc TX.Long Khánh năm 1968.

Chuẩn bị cho đợt tổng công kích, Bộ Tư lệnh Miền tăng cường thêm quân cho tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, trong đó có 1 tiểu đoàn do quân - dân tỉnh Thái Bình xây dựng và tổ chức để chi viện cho chiến trường miền Nam.

* Ráo riết chuẩn bị trong bí mật

Ông Nguyễn Hồng Châu (Tư Châu, ngụ phường Xuân Thanh, TX.Long Khánh) cho biết: “Ngày đó, tôi là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 440. Đơn vị tôi mới từ miền Bắc vào, khí thế hừng hực nhưng nhiệm vụ bí mật tuyệt đối nên tất cả đều giữ yên vị trí. Tất cả quân trang, vũ khí, lương thực, đường đi nước bước đều có du kích, đội biệt động và cơ sở mật trong nội thành hỗ trợ”.

Trước đó, vào cuối năm 1967, các đơn vị du kích, biệt động ở TX.Long Khánh đã tiến hành tiêu diệt các đối tượng hoạt động mật của địch nhằm đảm bảo giữ bí mật, tránh bị lộ các hành động tăng quân, điều quân để địch phán đoán được ý đồ của ta trong năm 1968.

Ông Nguyễn Hồng Châu (TX.Long Khánh) chia sẻ: “Có một điều đáng tiếc là sau ngày giải phóng, các di tích căn cứ cũ của địch, các trận địa pháo năm xưa đã phá bỏ nhiều nên bây giờ thế hệ trẻ ít được thấy tận mắt những di tích đó, khó hiểu được cuộc đấu tranh ngày xưa ác liệt đến mức nào”.

Ngày 15-12-1967, Ban chỉ huy Đội du kích xã Bình Lộc đã làm rõ chân tướng thanh niên tên Trần Văn Tiều xin gia nhập đội, nhưng thực chất là cộng tác viên của chi nhánh Phủ Đặc ủy trung ương tình báo tại tỉnh Long Khánh cài vào lực lượng du kích Bình Lộc để báo thông tin cho địch.

Các đơn vị an ninh mật cũng bắt được lái xe tiếp phẩm cho Sở cao su Suối Tre Nguyễn Văn Siêu làm mật báo viên của Ty Cảnh sát quốc gia Long Khánh, và tên Nguyễn Văn Na là người đứng đầu một mạng lưới tình báo địch với 77 mật báo viên rải từ Long Khánh đến tận Suối Cát, Gia Ray, Hàng Gòn…

Đồng thời, chi bộ tại các đồn điền cao su, như: Suối Tre, Ông Quế, Hàng Gòn, Dầu Giây, Bình Lộc đều giữ vững và phát triển. Nhân dân được cơ sở Đảng lãnh đạo đã tổ chức nhiều đợt đấu tranh chính trị chống Mỹ. Khởi đầu là cuộc đấu tranh nhỏ lẻ của nhiều tầng lớp chống Mỹ ủi đất rẫy và phá rẫy làm đường, về sau tiếp tục các cuộc đấu tranh chống Mỹ bắn pháo liên tục. Nhiều đoàn phụ nữ đội khăn tang, khiêng người bị thương kéo đến trụ sở chính quyền chế độ cũ, căn cứ Mỹ đòi bồi thường thiệt hại và tài sản.

Lực lượng thanh niên - học sinh của TX.Long Khánh cũng đấu tranh khá sôi nổi; các phong trào chống quân sự hóa học đường, chống luyện tập quân sự... được nhiều học sinh các trường tham gia. Tại một số trường, học sinh lấy truyền đơn thấm nước để lên mái nhà, khi nắng lên, truyền đơn khô và được gió cuốn đi khắp đường phố, vào nhà dân nhưng cảnh sát địch không biết truyền đơn từ đâu đến.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh (Năm Thanh, ngụ xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh) nhớ lại: “Lúc đó tôi làm cơ sở mật, thường đi khắp nơi trong thị xã nắm tình hình địch và dò đường đi nước bước. Khi quay vào rừng, tôi lại giúp các đơn vị chủ lực mua gạo, tìm lương thực. Nhờ người dân xung quanh khu vực Bảo Vinh đều có thiện cảm với cách mạng nên giúp đỡ cách mạng rất nhiệt tình và giữ kín cho chúng tôi. Đến khi bắt đầu đánh, tôi dẫn đường cho một nhánh quân tiến vào trung tâm Long Khánh. Tình hình lúc đó ác liệt lắm, tuy biết quân địch mạnh hơn nhưng trong lòng ai nấy đều không sợ hãi, mà lại dâng lên niềm tin quyết thắng”.

* Tiếng súng chậm

Đúng đêm giao thừa Tết Mậu Thân1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy nổ ra toàn miền Nam, nhưng tại tỉnh Bà Rịa - Long Khánh diễn ra chậm hơn 1 ngày so với Biên Hòa, Sài Gòn vì bộ phận vô tuyến điện làm mất mật mã. Ngay tại khu vực TX.Long Khánh, pháo binh địch từ Căn cứ Sư đoàn 18 đã nã pháo đúng vào điểm tập kết của Ban Chỉ huy mặt trận ở xã Bảo Vinh khiến ông Năm Cư (Nguyễn Văn Cư, Tỉnh ủy viên Bà Rịa - Long Khánh) hy sinh trong lúc chỉ đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy.

Ông Nguyễn Hồng Châu kể, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, đơn vị ông âm thầm tiến công vào thị xã. Khi đó, kèn báo động của địch vang lên khắp nơi, chứng tỏ chúng đã có sự chuẩn bị từ trước. Tiểu đoàn 440 và Đội biệt động Long Khánh chia làm 3 mũi tiến công 3 mục tiêu: Sở chỉ huy Khu 33 chiến thuật, Trụ sở CIA tại Long Khánh và Tòa hành chính tỉnh Long Khánh. “Lúc ấy, tôi chỉ huy mũi thứ 2 tiến vào từ phía Bắc, gồm: Đại đội 3 của Tiểu đoàn 440 và Đại đội địa phương huyện Xuân Lộc. Cánh quân chúng tôi tiến công sâu vào thị xã chiếm chợ, phá hủy khu thông tin của địch, đánh vào nhà Tỉnh trưởng Long Khánh, chiếm các căn cứ dọc đường Hùng Vương ngày nay và nhà của Tư lệnh Sư đoàn 18” - ông Châu kể.

Tuy nhiên, trận địa pháo của địch tại Căn cứ Hoàng Diệu, Núi Thị, Suối Râm nã liên tục vào các hướng tấn công, cản đường tiến công của quân giải phóng. Nhờ có biệt động dẫn đường, Đại đội cối của tỉnh Bà Rịa - Long Khánh đã đánh vào Căn cứ Hoàng Diệu, diệt 2 đại đội, phá 6 khẩu pháo, đồng thời pháo kích vào khu thiết giáp, cản xe cơ giới của địch.

Trong ngày mùng 2 và mùng 3 tết, các lực lượng ẩn trong các đồn điền cao su cũng nổ súng chiếm các sở cao su. Ngay trong đêm đầu tiên, các Sở cao su: Ông Quế, Hàng Gòn, Suối Tre… đã bị quân ta chiếm. Lực lượng hoạt động mật đã bắc loa tuyên truyền cho nhân dân, kêu gọi binh lính địch đầu hàng. Sáng mùng 3 Tết Mậu Thân, hơn 100 xe tăng của Mỹ từ Căn cứ Suối Râm tiến vào phản kích, giải tỏa trung tâm TX.Long Khánh.

Theo lời ông Châu, các tín hiệu đèn quy ước từ trước cuộc tiến công đã bị địch nắm bắt và tái sử dụng khiến quân giải phóng bất ngờ, nhưng sau đó đã ổn định và tiêu diệt 12 xe tăng trong suốt 1 ngày bám trụ trong thị xã.

“Tại khu vực xã Bảo Vinh, một trung đội dân vệ ở ấp Bảo Vinh A đã theo cách mạng, nộp 10 khẩu súng và 10 ngàn viên đạn. Trung đội dân vệ này đã cùng người dân làm tan rã một đại đội bảo an của địch” - ông Nguyễn Ngọc Thanh kể.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân dân Long Khánh đã chia lửa cùng các chiến trường, góp phần làm lung lay ý chí của kẻ địch.

Tiếp sau mùng 4 tết, tuy đã rút lui nhưng các đơn vị biệt động, cơ sở mật, du kích tiếp tục tổ chức các trận đánh nhỏ khiến đối phương mất ăn mất ngủ và kéo giãn sự tập trung, qua đó ta bảo vệ được nhiều cơ sở mật, tiếp tục bám địa bàn, chuẩn bị cho các đợt tấn công sau này.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều