Là cán bộ Trường hạ sĩ quan xe tăng 1 (ở xã An Phước, huyện Long Thành), vào năm 1980 Thượng sĩ Phạm Công Điền (quê tỉnh Bắc Ninh) được đơn vị điều động về ấp Phước Hòa (xã Long Phước, huyện Long Thành) tăng gia sản xuất. Tại đây, Thượng sĩ Điền gặp gỡ và nên duyên vợ chồng với cô gái gốc Huế Lê Thị Cảnh.
Là cán bộ Trường hạ sĩ quan xe tăng 1 (ở xã An Phước, huyện Long Thành), vào năm 1980 Thượng sĩ Phạm Công Điền (quê tỉnh Bắc Ninh) được đơn vị điều động về ấp Phước Hòa (xã Long Phước, huyện Long Thành) tăng gia sản xuất. Tại đây, Thượng sĩ Điền gặp gỡ và nên duyên vợ chồng với cô gái gốc Huế Lê Thị Cảnh.
Ông Phạm Công Điền trang trí nhà văn hóa ấp khi chuẩn bị tổ chức hội nghị. |
Năm 1981, Thượng sĩ Điền được đơn vị cho xuất ngũ. Về với cuộc sống nhà nông, ông Điền luôn chứng tỏ bản chất anh “bộ đội Cụ Hồ” giỏi việc nhà và công tác xã hội. 15 năm giữ nhiệm vụ Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Phước Hòa, ông Điền đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng dân và được các cấp tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen.
* Tậu ruộng từ tiền ra quân
Ngày xuất ngũ được lãnh gần 60 ngàn đồng, ông Điền mua 2 hécta đất ruộng và thuê máy cày khai hoang thêm 8 sào đất khác. Nhờ vậy, cuộc sống của vợ chồng ông từng bước ổn định.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Long Phước Nguyễn Anh Đài cho biết sự nhiệt tình với công tác và tích cực cùng địa phương lo cho dân ấp Phước Hòa của Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Phạm Công Điền thể hiện qua các phong trào của ấp, như: xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư; ấp văn hóa, nông thôn mới... Những đóng góp của ông Điền được địa phương và MTTQ ghi nhận, kịp thời đề nghị cấp trên khen thưởng, tuyên dương. Riêng với người dân ấp Phước Hòa, bà con quý, tin ông ở chỗ biết lắng nghe dân và truyền đạt ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của dân với các cấp chính quyền kịp thời, hiệu quả. |
Làm ruộng được 2 năm, ông Điền bàn với vợ nếu chỉ chăm bẵm vào 2,8 hécta đất thì kinh tế gia đình rất khó phát triển. Do đó, vợ chồng ông quyết định bán 2 hécta ruộng để lấy vốn đi thu mua lúa của nông dân trong xã đem về xay xát bán gạo kiếm lời.
Để gom được mấy chục bao lúa về nhà, ông Điền phải cật lực đi mua và thồ bằng xe đạp trong nhiều ngày. Sau đó, ông thuê xe bò chở ra quốc lộ 51 ngồi canh, đón xe tải đưa về Bà Rịa - Vũng Tàu xay xát, ra gạo bán cho các mối lái.
Ông Điền kể thời điểm đó một ngày công lao động chỉ được 10 ngàn đồng, nhưng tiền buôn lúa gạo ông lãi được cả 100 ngàn đồng/chuyến nên dù làm cật lực vẫn không thấy mệt.
Từ những chuyến buôn lúa gạo, ông Điền nảy ra ý tưởng mở đại lý phân bón, thuốc trừ sâu tại nhà. Ông Điền cho hay do nguồn phân bón và thuốc trừ sâu thời điểm đó khan hiếm và nông dân không có tiền mua phân, thuốc trừ sâu về bón, phun xịt lúa nên ông giao kèo với nhà nông sẽ bán thiếu phân, thuốc trừ sâu cho họ; đến khi thu hoạch thì họ lại bán lúa, nông sản cho ông.
Từ ngày có thêm đại lý phân bón, thuốc trừ sâu, việc làm ăn của vợ chồng ông Điền thêm thuận lợi. Lúc này, vợ chồng ông đã sắm được máy cày chở lúa, nông sản và hợp đồng xe tải chở lúa đến Bà Rịa - Vùng Tàu xay xát, chứ không còn canh những chuyến xe tải chở hàng nơi quốc lộ 51 như trước.
Cũng nhờ việc làm ăn mua bán thuận lợi nên vợ chồng ông Điền không phải lo lắng nhiều đến chuyện nuôi các con ăn học.
Năm 2003, ông Điền được bầu làm Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Phước Hòa. Thời điểm này, việc buôn bán không còn lãi nhiều như trước nên vợ chồng ông chuyển sang làm đại lý bia, nước ngọt cho phù hợp với sức khỏe và ông có thời gian lo việc xã hội nhiều hơn trước kia.
* Trách nhiệm với vùng đất Phước Hòa
Năm 2003, dân ấp Phước Hòa vẫn còn thưa thớt, nhà ở còn tạm bợ, đường dân sinh toàn là đường đất... Với trọng trách Trưởng ban công tác Mặt trận ấp, ông Điền kết hợp với Ban ấp và các chi hội, đoàn thể ấp đi vận động dân ở các xóm, tổ dân cư sửa chữa, thắp sáng đường làng. “Do dân lúc đó còn khó khăn nên chúng tôi chủ yếu vận động mọi người góp công, tiền tu sửa và mở rộng đường là chính. Còn việc đổ xi măng hay trải nhựa các tuyến đường, đến năm 2011 ấp Phước Hòa mới bắt đầu triển khai” - ông Điền nói.
Vốn là lính nên việc gì của ấp, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Phước Hòa Phạm Công Điền (phải) cũng cố gắng làm cho giỏi, xông xáo. |
Ấp Phước Hòa có 38 tổ nhân dân, hình thành 2 khu vực dân cư đặc thù: khu dịch vụ - thương mại tập trung dọc theo quốc lộ 51(gồm các tổ: tổ 3-5; tổ 7-19 và tổ 22); khu vực còn lại chuyên về nông nghiệp với thế mạnh cây lúa, hoa màu các loại.
Ông Điền cho biết dân cư ấp Phước Hòa phần lớn là dân nhập cư từ nhiều vùng miền, ngày mới về đây ai cũng khó khăn. Theo thời gian, nhờ chịu khó làm ăn, tích lũy nên đời sống người dân trong ấp dần ổn định và phát triển.
Năm 2010, các khu công nghiệp được hình thành và đi vào hoạt động nhiều trên địa bàn xã Long Phước và các xã lân cận nên lao động trên lĩnh vực nông nghiệp dịch chuyển mạnh sang dịch vụ, công nhân. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân và bộ mặt ấp Phước Hòa thay đổi rất rõ nét vào giai đoạn này. “Chúng tôi tận dụng cơ hội phát triển của ấp và đời sống của người dân để kêu gọi mọi người chung tay, góp sức với địa phương trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới khu dân cư và nông thôn mới” - ông Điền cho hay.
Điểm bứt phá đầu tiên của ông Điền khi ông cùng Ban ấp Phước Hòa vận động người dân các tổ 16-18 trải nhựa được 2 tuyến đường dài trên 400m, kinh phí trên 600 triệu đồng. Các tuyến đường nội bộ trong ấp thì ông cùng Ban ấp vận động dân cứng hóa bằng vật liệu đất, đá với kinh phí từ 20-30 triệu đồng/tuyến đường. Ngày công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, người dân hớn hở, cán bộ ấp Phước Hòa thì hãnh diện khi được xã đánh giá cao.
Ông Điền cho hay dân ấp Phước Hòa quen mặt, biết tên, hiểu tính cách ông từ khi ông còn là tay buôn lúa, bán phân và thuốc trừ sâu. Cũng vì quen biết, thân tình với dân ấp Phước Hòa nên ông chẳng cần đợi lúc gặp dân ở hội trường mới tuyên truyền, mà ông có thể gặp họ trên cánh đồng, ở quán cà phê hay tại đám cưới để phổ biến các chủ trương, chính sách của xã, kế hoạch vận động của ấp.
15 năm nay, dân ấp Phước Hòa đã quen với cách làm việc, tuyên truyền của Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Phạm Công Điền. Vì vậy, mỗi khi có tâm sự, điều bức xúc hoặc sáng kiến cho cộng đồng, người dân trong ấp có thể gặp ông ở bất cứ nơi nào để mạnh dạn đề xuất, bộc bạch, trao đổi. Thấy ý kiến đóng góp của dân hay, ông Điền liền đem ra cuộc họp của ấp trình bày, đề xuất để ấp có kế hoạch thực hiện đúng tâm tư, nguyện vọng dân. “Bà con quý tôi ở chỗ đó…” - ông Điền tâm sự.
Đoàn Phú