Báo Đồng Nai điện tử
En

Mưu sinh giữa nắng nóng

07:03, 22/03/2018

Trong những ngày qua, nhiệt độ nhiều nơi trong tỉnh tăng cao, nắng nóng khiến cuộc sống của nhiều người dân bị đảo lộn. Tuy vậy, những người có lao động đặc thù ở ngoài trời vẫn phải oằn lưng làm việc bất chấp cái nắng như đổ lửa.

Trong những ngày qua, nhiệt độ nhiều nơi trong tỉnh tăng cao, nắng nóng khiến cuộc sống của nhiều người dân bị đảo lộn. Tuy vậy, những người có lao động đặc thù ở ngoài trời vẫn phải oằn lưng làm việc bất chấp cái nắng như đổ lửa.

Trời nắng nóng, những người làm nghề phơi nông sản rất vất vả, ai cũng phải che chắn cẩn thận để tránh nắng.
Trời nắng nóng, những người làm nghề phơi nông sản rất vất vả, ai cũng phải che chắn cẩn thận để tránh nắng.

Đồng Nai những ngày này trời nắng như đổ lửa. Buổi trưa, nhiệt độ ngoài trời lên đến 39-400C, trời ít gió khiến không khí trở nên ngột ngạt, khó chịu.

* Không ngại phơi nắng

Để né cái nắng, nhiều người hạn chế ra đường, chỉ làm việc trong chỗ râm mát để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, những người quen làm việc ngoài trời vẫn lầm lũi, oằn mình chịu nắng mưu sinh.

Theo dự báo, thời tiết nắng nóng còn kéo dài từ nay cho đến hết tháng 5-2018. Vào buổi trưa, nhiệt độ có thể lên cao 36-380C, người dân cần hạn chế ra đường trong khoảng 12-15 giờ hàng ngày. Nhiệt độ cao cộng với bức xạ nhiệt, hơi nóng từ mặt đường tạo cảm giác khó chịu, ngột ngạt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Các huyện nông thôn mùa này đang bước vào đợt thu hoạch nông sản như: điều, tiêu, khoai mì, lúa... Ở các bãi đất trống, nhiều người hối hả căng bạt, dọn đất để tiến hành phơi nông sản. Những mẻ nông sản được đổ đống trên đất, rồi cả chục người xúm vào chia nhau san bằng để nông sản kịp khô trong ngày.

Chị Cao Thị Liên (ngụ xã An Viễn, huyện Trảng Bom) cho hay từ tháng này trở đi công việc luôn bận rộn, hết phơi điều chuyển sang khoai mì, tiêu... Mùa này, mấy chục nhân công ở đây đều tất bật với những mẻ điều vừa thu hoạch xong.

Với chị Liên, không có công việc nào cực hơn nghề phơi điều, nghề mà người làm phải đứng ngoài trời cả ngày, sàng sẩy luôn tay để chọn hạt nào cũng chắc. Khi chủ rẫy chở điều về sân phơi, mọi người tiến hành rải đều trên nền sân bê tông. Rồi chị Liên và những người khác “canh nắng”, cứ vài chục phút lại ra đảo một lần cho đến khi điều khô giòn, đạt chất lượng.

Phơi điều phải dùng những chiếc cào răng to và thưa. 2 hoặc 3 người dàn hàng ngang kéo thành một đường dài để những hạt điều tươi nằm bên dưới được hong khô bởi ánh nắng mặt trời. Công việc cứ lặp đi lặp lại cả ngày đến lúc nào hạt điều khô thì thôi.

“Phơi hạt điều ở sân bê tông dễ hơn phơi trên tấm bạt trải. Tuy vậy sức nóng ghê gớm từ mặt trời và nền bê tông bốc lên ngột ngạt chịu không nổi. Nếu nhiệt độ ngoài trời khoảng 380C, cộng với hơi nóng của xi măng thì có khi lên đến 40-410C” - chị Liên bộc bạch.

Các sân phơi nông sản thường khá rộng và trống trải. Để có thể tạm thời tránh cái nóng như thiêu như đốt, những người làm công việc phơi nông sản phải dựng những cái lán tạm, che đậy bằng các tấm bạt, cành cây đơn sơ. Đây là nơi trú nắng cho những người làm nghề phơi nông sản. Vào những hôm trời nắng gay gắt, nhiều người không chịu được, thỉnh thoảng lại chui vào chiếc lều dựng giữa sân lánh tạm.

Làm công việc phơi nông sản đã nhiều năm, ông Phạm Văn Tài (ngụ xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) chia sẻ cánh đàn ông được xem là chịu nắng giỏi, nhưng với nhiệt độ lên cao như những ngày vừa qua, ai cũng phải chịu thua. Do luôn đứng nắng nên làn da của ai cũng đen giòn.

Hớp vội ngụm nước, ông Tài khẩn trương quay ra sân phơi cào khoai mì đang nằm phủ trắng dưới ánh nắng chói chang để kịp khô vào buổi chiều. Với ông, nghề này tuy cực nhưng càng nắng nóng lại càng có việc để làm, chứ gặp trời mưa chẳng phơi phóng được gì. Muốn bớt nóng, tay chân phải làm việc liên tục và cào phải nhanh lẹ.

“Nếu trời cứ nắng kiểu này, khoảng 2 ngày là khoai mì khô giòn; mì phơi được nắng nên đạt chất lượng. Tranh thủ mấy tháng nắng, sân phơi luôn chật kín nông sản, vừa phơi mì vừa “sấy” người luôn. Đôi lúc, mồ hôi túa ra như tắm, chưa kịp ướt áo thì mấy phút sau đã khô ran, nên người làm rất hao sức” - ông Tài vui vẻ nói.

* Vất vả kiếm tiền

Những ngày này, có đi lại trên đường lúc giữa trưa mới cảm nhận rõ cái nắng khó chịu đến mức nào. Nhưng trên các công trình xây dựng, công nhân lao động vẫn cặm cụi làm việc bất chấp nắng nóng phả liên tục vào mặt. Với nhiều người chuyên làm việc ngoài trời, nắng mà không có gió cộng với hơi nóng của bê tông, khói bụi sẽ hết sức mệt mỏi.

Người làm nghề xây dựng thường vất vả khi trời nắng nóng, nhiệt độ tăng cao.
Người làm nghề xây dựng thường vất vả khi trời nắng nóng, nhiệt độ tăng cao.

Làm nghề xây dựng gần chục năm, ông Nguyễn Quang Hùng (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết việc đứng cheo leo giữa giàn giáo chênh vênh trên cao, nếu không quen khó có thể trụ nổi. Điều lo sợ lớn nhất đối với ông và những bạn nghề vẫn là cơn say nắng bất chợt khiến cơ thể mất sức. Nhiều trường hợp đứng 4-5 giờ liền giữa trời dẫn đến say nắng, rơi từ trên cao xuống đất; nặng có thể mất mạng, nhẹ cũng bị thương tật suốt đời.

Vất vả nhưng tiền công những ngày này được tăng thêm vài chục ngàn đồng, cao hơn ngày thường, như ông Hùng cuối ngày được chủ thầu trả 400 ngàn đồng. So với nghề khác, làm xây dựng tiền công cao nhưng tốn sức và lắm rủi ro.

Mặc cho hơi nóng và bụi đường, khói xe cuốn theo những cơn gió phả vào da người, những người bán vé số vẫn đi dọc các con đường ở TP.Biên Hòa mưu sinh mà gồng mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chia sẻ thấy bà đi bán vé số giữa trời nắng nóng, khách thương tình hào phóng rút tiền mua vé số. Gặp những khách quen, có khi họ mua vài chục tờ vé số một lúc nên dù vất vả cũng dễ làm ăn so với ngày mưa.

Mùa nắng, mỗi ngày bà Nguyệt đi dọc các con đường, lân la khắp quán xá, tiệm cà phê mời chào khách nên có thể bán được gần 200 tờ vé số. Vì vậy, vào buổi chiều, trước giờ đài xổ, bà không phải tất tả chạy đi mời khách mua vé vét.

“Trời nắng như muốn vắt kiệt sức người, nhưng vé số vẫn phải bán. Hôm nào nghỉ bán một ngày là mất khách quen, họ chuyển qua mua của người khác. Với thời tiết khắc nghiệt, tôi chỉ mong có nhiều sức khỏe và người ta ủng hộ mua vé số nhiều hơn” - bà Nguyệt hồ hởi nói.

Dương Ngọc

Tin xem nhiều