11 giờ 30 ngày 30-4-1975, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Quân và dân cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đều vỡ òa trong niềm vui đại thắng.
11 giờ 30 ngày 30-4-1975, sau khi Dinh Độc Lập thất thủ, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng. Quân và dân cả nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng đều vỡ òa trong niềm vui đại thắng.
Xe tăng quân giải phóng tiến vào chiếm giữ cơ quan đầu não của địch tại Biên Hòa. Ảnh tư liệu |
43 năm đã qua nhưng ký ức những ngày tháng 4 lịch sử, nhất là ngày 30-4-1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước luôn sống mãi trong tâm trí những người lính giải phóng năm xưa.
* Thời khắc không quên
Có mặt tại thời khắc lịch sử ấy, cựu chiến binh Nguyễn Quang Thự (quê ở huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng) kể lại ngày 29-4-1975, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 của ông (đóng quân tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành) được lệnh chiếm giữ một số căn cứ ở TX.Biên Hòa mà địch vừa tháo chạy.
“Cuối tháng 4, những cơn mưa đầu mùa rớt xuống gột rửa phần nào những bụi đường đất đỏ còn bết dính trên quần áo trong những ngày truy kích quân địch. Ở phía Sài Gòn, tiếng trọng pháo 120 ly của đại quân giải phóng ầm ì như tiếng sấm vang mãi không ngớt” - ông Thự nhớ lại.
Khác với Chiến dịch Mậu Thân 1968, Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam có quy mô rất lớn. Các binh chủng tăng thiết giáp, tên lửa, phòng không, pháo hạng nặng 120 ly, lực lượng quân đội chính quy hùng mạnh. Hàng đoàn xe ô tô chở quân nườm nượp đổ về hướng Sài Gòn. Các cửa xe đều có dòng chữ “thần tốc, quyết thắng”.
10 giờ sáng 30-4, ở nội ô TX.Biên Hòa, tiếng súng đã thưa thớt, thỉnh thoảng chỉ còn những tràng liên thanh của tàn quân. Khoảng 10 giờ 30, TX.Biên Hòa được giải phóng hoàn toàn, tiếng súng ngưng bặt. Lúc này, đại quân giải phóng đã áp sát Sài Gòn, chiếm được cầu Rạch Chiếc, xe tăng vào được thành phố. Thời điểm đó, cả trung đội quân y của cựu chiến binh Nguyễn Quang Thự tràn hết ra đường chờ tin chiến thắng.
Bất ngờ từ chiếc radio xách tay của đơn vị vang lên những âm thanh nhốn nháo, ồn ào, vội vã của các nhân viên đài phát thanh, hình như có việc trọng đại gì xắp xảy ra trong đài phát thanh. Và chỉ vài phút sau đó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng. Ngay lập tức, ở TX.Biên Hòa, mọi người tràn hết ra đường, không kìm nén được cảm xúc nhiều chiến sĩ đã bắn hàng loạt đạn lên trời mừng chiến thắng” - ông Thự kể lại.
Đối với cựu chiến binh Nguyễn Quang Thự ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước là ngày hạnh phúc nhất đời ông. Sau hơn 9 năm biền biệt vào miền Nam chiến đấu, ông sắp được trở về với mẹ già, với quê hương. Dù là con trai duy nhất trong gia đình nhưng ông Thự vẫn quyết tâm tình nguyện nhập ngũ để đánh Mỹ. Bởi hơn ai hết, ông cảm nhận được nỗi đau, mất mát quá lớn của chiến tranh vì bà nội và cha ruột của ông đều là nạn nhân của trận thảm sát tại đảo Cát Hải (TP.Hải Phòng) vào năm 1947 khi ông mới vừa tròn 2 tháng tuổi.
* Nín thở chờ tin từ radio
Đại tá Phùng Duy Tường (nguyên chiến sĩ Đội đặc công Biên Hòa, TX.Biên Hòa) nhớ lại để chuẩn bị cho ngày 30-4-1975, đơn vị ông được lệnh đánh bót An Hòa, đột nhập sâu vào TX.Biên Hòa, đánh chiếm khu kỹ nghệ, tiếp quản kho tàng của địch... Trong quá trình tấn công, đơn vị của ông và các cánh quân khác với thế tiến như chẻ tre, Quân đội Việt Nam Cộng hòa hoang mang nên kháng cự yếu ớt.
Các cựu chiến binh thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) ôn lại ký ức ngày 30-4-1975. Ảnh: Đ.Phú. |
Khi đơn vị của Đại tá Tường làm chủ được các mục tiêu thì giao lại cho các lực lượng tự vệ, địa phương. Sau đó, đơn vị phát triển lực lượng về Tam Hiệp đánh chi khu Đức Tu để truy kích, kêu gọi tàn quân Việt Nam Cộng hòa đóng tại chi khu đầu hàng và tiếp nhận các kho tàng, chiến lợi phẩm.
“Dù được giao nhiệm vụ tấn công vào các xào huyệt của quân địch nhưng các chiến sĩ vẫn không sợ nguy hiểm. Mỗi khi chiếm giữ được các mục tiêu, anh em trong đơn vị lại có thêm động lực để tiếp tục chiến đấu. Chỉ tiếc là trong trận đánh cuối cùng này có 2 đồng đội của tôi hy sinh trước lúc nước nhà độc lập, non sông thu về một mối” - Đại tá Tường ngậm ngùi nhớ lại.
Đối với cựu chiến binh Nguyễn Thị Hồng (Bí thư Chi bộ khu Phước Thuận, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, nguyên y tá Đại đội 240 Long Thành) kể lại khi đơn vị nhận lệnh công kích địch, bà và hơn 10 y tá, bác sĩ được lệnh ở lại hầm để lo cứu chữa thương binh.
Bà Hồng kể: “Vừa lo cấp cứu, chăm sóc cho thương binh, mọi người vừa nghe tin tức chiến sự từ Đài Tiếng nói Việt Nam qua chiếc radio. Khi biết tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, anh em chiến sĩ ai nấy đều hớn hở, tay bắt mặt mừng. Các thương binh nói với nhau “Chúng ta sống rồi”. Sau đó mọi người cùng nhau làm gà, lấy lương thực dự trữ ra ăn mừng. Ai cũng hồi hộp chờ đơn vị quay lại đón về thành sum họp với gia đình sau nhiều năm thoát ly theo cách mạng, nếm mật nằm gai, gian nan, vất vả”.
Không chỉ ở Đồng Nai mà nhân dân cả nước cũng nín thở chờ tin đại thắng từ chiếc radio. Cựu chiến binh Lê Thanh Mai (quê xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, từng là lính của Tiểu đoàn 800, Trung đoàn Đồng Nai) tâm sự ông không có cơ hội cùng đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn trong giờ phút lịch sử 30-4 -1975 (lúc đó ông được an dưỡng tại Nam Định sau khi bị thương trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968). Dù cách xa bước tiến quân của đồng đội vạn dặm, ông Mai và các thương binh vẫn theo dõi chiến sự qua chiếc radio.
Cựu chiến binh Lê Thanh Mai tâm sự từ ngày 18-4 trở đi, tin chiến thắng ở các mặt trận Phan Rang, Xuân Lộc... liên tục được cập nhật trên radio, ai cũng hồi hộp chờ tin chiến thắng. Khi nghe tin trực tiếp Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng, ông đã không kìm được nước mắt. Thời khắc trọng đại này cờ đỏ sao vàng được vẫy chào ở khắp mọi nơi, cả dân tộc Việt Nam vỡ òa trong hạnh phúc.
Đoàn Phú