Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Ngăn ngừa cám dỗ từ ma túy

08:05, 21/05/2018

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các đối tượng sử dụng, mua bán, tàng trữ trái phép ma túy nhưng để giải quyết căn cơ vấn nạn nghiện ma túy, nhất là trong giới trẻ, cần có sự chung tay của toàn xã hội.

[links()]Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các đối tượng sử dụng, mua bán, tàng trữ trái phép ma túy nhưng để giải quyết căn cơ vấn nạn nghiện ma túy, nhất là trong giới trẻ, cần có sự chung tay của toàn xã hội.

Việc tham gia điều trị methadone giúp nhiều người nghiện từ bỏ được ma túy. Trong ảnh: Một bệnh nhân uống methadone tại cơ sở điều trị methadone huyện Trảng Bom.
Việc tham gia điều trị methadone giúp nhiều người nghiện từ bỏ được ma túy. Trong ảnh: Một bệnh nhân uống methadone tại cơ sở điều trị methadone huyện Trảng Bom.

Trong đó, gia đình và nhà trường đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục, tuyên truyền thanh, thiếu niên hiểu rõ hiểm họa khôn lường của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội. Từ đó nêu cao tinh thần cảnh giác, rèn luyện bản lĩnh vững vàng để nói không với ma túy.

* Chú trọng giáo dục, tuyên truyền

Là người lập hồ sơ xử lý nhiều đối tượng liên quan đến ma túy, Trung tá Lê Thông Thái, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy Công an TP.Biên Hòa, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giới trẻ sử dụng ma túy, trong đó nổi lên là do xuất phát từ hoàn cảnh gia đình đổ vỡ, cha mẹ ly hôn hoặc quá lo làm ăn thiếu sự quan tâm, chăm sóc con. Từ đó khiến một số thanh, thiếu niên rơi vào tâm trạng chán nản, dễ nghe theo lời dụ dỗ của bạn không tốt và cả người xấu.

Chính vì vậy, theo Trung tá Lê Thông Thái, để ngăn chặn tình trạng thanh, thiếu niên dính vào ma túy trước hết phải từ phía gia đình. Những người làm cha, làm mẹ phải dành thời gian quan tâm con, đặc biệt là những em đang trong độ tuổi mới lớn. Khi các em chưa đủ lớn để nhận biết những gì là cạm bẫy cho bản thân mình thì người lớn phải sát cánh để chỉ ra những nguy hiểm, lường trước những nguy cơ để giúp các em có lối sống tích cực, tránh xa các tệ nạn xã hội, trong đó có ma túy.

Hiện toàn tỉnh có 6 cơ sở điều trị methadone gồm: Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai và 5 trung tâm y tế tại TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh, huyện Long Thành, Trảng Bom và Định Quán. Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức điều trị cai nghiện bằng thuốc methadone cho 1.264 bệnh nhân. Trong năm 2018, Đồng Nai sẽ mở thêm 2 cơ sở ở 2 huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ. Việc điều trị bằng methadone đã giúp người nghiện ngừng hoặc giảm lượng heroin phải sử dụng hàng ngày.

Thượng tá Nguyễn Văn Hoàn, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh, cho rằng để ngăn ngừa ma túy xâm nhập giới trẻ phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trong các trường học.

“Công tác tuyên truyền phải chọn đúng nhóm đối tượng có nguy cơ cao (lứa tuổi thanh, thiếu niên) để tiếp cận. Việc tuyên truyền phải dùng biện pháp trực quan, sinh động, không hình thức. Qua đó tạo ấn tượng cho các em thấy được sự nguy hiểm của ma túy để mà tránh” - Thượng tá Hoàn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Hoàn, điều quan trọng nhất là mỗi cá nhân phải luôn nhận thức ma túy gây ra những hệ lụy xấu cho bản thân, gia đình và xã hội. Ma túy không chỉ có tác hại xấu đến sức khỏe mà còn hủy hoại tương lai, suy đồi nhân phẩm, thậm chí có những hành vi mất nhân tính như ra tay sát hại người thân. Do đó, mỗi người phải luôn rèn luyện bản lĩnh vững vàng, không nghe theo bạn bè rủ rê sử dụng ma túy dù chỉ một lần.

* Quan tâm giải pháp chống tái nghiện

Một trong những giải pháp ngăn chặn ma túy phải kể đến công tác quản lý người nghiện, cai nghiện và chống tái nghiện của các cơ quan chức năng. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, thời gian vừa qua công tác quản lý người nghiện được các cấp chính quyền và các ngành liên quan thực hiện liên tục, nhưng trong thực tế số người nghiện còn ở ngoài xã hội cũng rất nhiều. Chính vì vậy đã có không ít vụ vi phạm pháp luật, gây rối... liên quan đến số người nghiện.

Trao đổi về vấn đề này, một cán bộ điều tra Công an TP.Biên Hòa cho rằng trên thực tế do “bệnh” thành tích nên một số địa phương thường lập báo cáo mang tính hình thức về số người nghiện do mình quản lý. Nếu cứ để đối tượng nghiện lang thang ngoài xã hội, không quản lý sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh trật tự. Do đó, địa phương phải nhìn nhận đúng thực tế để đưa ra giải pháp phù hợp. Tránh tình trạng báo cáo “đẹp” để lấy thành tích nhưng thực tế lại khác.

Bên cạnh đó, công tác quản lý người nghiện cũng phải được chú trọng hơn nữa. Một cán bộ Công an phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cho biết sau khi lập hồ sơ cho đối tượng cai nghiện tại nhà, lực lượng cảnh sát khu vực sẽ thường xuyên rà soát để nắm tình hình để động viên đối tượng điều trị cai nghiện đúng phác đồ của bác sĩ cũng như kịp thời giáo dục, răn đe khi đối tượng có biểu hiện tái nghiện.

Ngoài ra, ngành y tế cũng nỗ lực triển khai mở rộng nhiều cơ sở điều trị cai nghiện ma túy bằng methadone ở các địa phương trong tỉnh để thuận tiện cho bệnh nhân đi điều trị mỗi ngày, hạn chế tình trạng bỏ trị, tái nghiện ma túy. Hiện tại, toàn tỉnh đã có 6 cơ sở điều trị methadone. Xu hướng sắp tới, tỉnh sẽ mở thêm cơ sở điều trị ở các địa phương còn lại.

 Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh Đinh Quốc Thái đề nghị các ngành chức năng và chính quyền các địa phương phải nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của tệ nạn ma túy để có giải pháp đấu tranh, phòng ngừa.

 “Để đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy không chỉ có lực lượng công an mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Trong đó, gia đình, nhà trường và các ban, ngành, đoàn thể đều phải chung tay để đẩy lùi tệ nạn này. Đối với trách nhiệm của chính quyền địa phương, những địa phương nào để tội phạm và tệ nạn ma túy lộng hành thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nhấn mạnh.

Trần Danh

Tin xem nhiều