6 năm qua, với tình yêu sâu nặng đối với vùng đất Long Khánh, ông Lê Văn Thành (58 tuổi, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh TX.Long Khánh) đã không quản ngại khó khăn để tìm tòi, gặp gỡ những nhân chứng lịch sử, lấy tư liệu biên soạn lịch sử Đảng bộ của 9 xã, phường của TX.Long Khánh và 2 xã của huyện Xuân Lộc.
6 năm qua, với tình yêu sâu nặng đối với vùng đất Long Khánh, ông Lê Văn Thành (58 tuổi, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh TX.Long Khánh) đã không quản ngại khó khăn để tìm tòi, gặp gỡ những nhân chứng lịch sử, lấy tư liệu biên soạn lịch sử Đảng bộ của 9 xã, phường của TX.Long Khánh và 2 xã của huyện Xuân Lộc.
Ông Lê Văn Thành (trái), Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh TX.Long Khánh, được ông Nguyễn Hồng Châu chia sẻ những tấm ảnh về Tiểu đoàn 440 chiến đấu ở Long Khánh năm xưa. |
Tháng 6, mưa đầu mùa bắt đầu phủ lên những vườn chôm chôm trĩu quả của TX.Long Khánh. Vì đã hẹn trước nên ông Lê Văn Thành vẫn phải đội mưa tìm đến nhà ông Nguyễn Hồng Châu (nguyên Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 440, ngụ phường Xuân Thanh, TX.Long Khánh) để tìm hiểu thêm những hoạt động của Tiểu đoàn 440 ở Long Khánh thời kháng chiến chống Mỹ.
* Ghi lại những ký ức
Tỉ mỉ ghi chép những điều ông Châu kể lại, thỉnh thoảng ông Lê Văn Thành hỏi thêm để tường tận những chi tiết “đắt giá” mà ông muốn tìm hiểu sâu hơn. Khi quyển sổ đã dày đặc chữ viết tay, lấm tấm vài chỗ bị nhòe vì vết mồ hôi của người viết, ông Thành mới chịu nghỉ.
Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Long Khánh Phạm Văn Hoàng cho biết, ông Lê Văn Thành, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã là người rất tích cực trong việc tìm hiểu lịch sử, truyền thống của địa phương. Những cuốn lịch sử Đảng bộ của các xã, phường do ông Thành viết đã góp phần giúp lưu giữ quá trình đấu tranh của quân dân Long Khánh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như những năm xây dựng đất nước sau ngày thống nhất. |
Ông Thành tâm sự, quê ông ở tỉnh Quảng Trị nhưng ông sống cùng gia đình ở TX.Long Khánh từ năm 1978 và lập gia đình tại đây nên ông đã xem Long Khánh là quê hương thứ hai của mình. Cuốn lịch sử địa phương đầu tiên ông viết là về Đảng bộ xã Hàng Gòn vào năm 2012, lúc đó ông đang điều trị bệnh nên tạm ngưng công tác ở Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh.
Để viết cuốn lịch sử Đảng bộ xã Hàng Gòn, vào những ngày không phải đi khám bệnh, ông sắp xếp đi gặp gỡ các nhân chứng, nghe kể lại các sự kiện, ghi chép cẩn thận rồi mới viết. Ban ngày thì gặp nhân chứng, đêm xuống ông lại tranh thủ ngồi gõ máy tính đến khuya, có khi mải mê đến sáng. Ròng rã hơn nửa năm, cuốn sách mới hoàn thành và được đánh giá cao về sự đầy đủ, chính xác về quá trình đấu tranh gian khổ, sự hình thành và phát triển của Đảng bộ xã Hàng Gòn qua các thời kỳ.
Tiếng lành đồn xa, lãnh đạo nhiều Đảng bộ xã, phường ở Long Khánh tìm đến ông để nhờ viết. Đến năm 2015 khi chính thức nghỉ hưu, ông tham gia công tác ở Hội Cựu chiến binh thị xã và lấy việc viết lịch sử địa phương là niềm vui.
Đi, nghe và viết suốt 6 năm, ông Thành chia sẻ viết về lịch sử cũng có nhiều điều thú vị khi được gặp gỡ, tiếp xúc nhiều nhân chứng lịch sử, nghe họ kể lại các câu chuyện, ký ức hào hùng, những hy sinh mất mát thầm lặng rất xúc động. Vì vậy, ông luôn cố gắng thể hiện những câu chuyện này một cách súc tích, truyền cảm nhất để mọi người biết và hiểu hơn về những gì thế hệ đi trước đã trải qua để vun đắp tinh thần yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ ngày nay.
Ông Thành kể có lần ông được Đại tá Dương Hòa Hiệp, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, cho ông xem một tấm hình ông Hiệp chụp cùng với đồng đội là đội viên du kích Bảo Định thời chống Mỹ mà ông Hiệp lưu giữ đã lâu như một kỷ vật. Những người trong tấm hình đó đều hy sinh hoặc qua đời gần hết. Ông Hiệp chỉ từng người và kể người đó là ai, tình nghĩa ra sao, hy sinh trong trận nào...
“Tôi gắn bó trong công việc cùng Đại tá Dương Hòa Hiệp đã nhiều năm, nhưng đó là lần đầu tiên tôi thấy giọt nước mắt lăn trên gò má người chỉ huy của tôi khi nhớ về hy sinh, mất mát quá lớn của anh em, đồng đội của mình đã mãi mãi nằm lại mảnh đất này” - ông Thành cho biết.
* Viết sử bằng cả tấm lòng
Ông Thành tâm sự, quá trình viết lịch sử Đảng bộ các địa phương cũng lắm gian nan chứ không chỉ có đi, nghe và viết. Với các xã, phường lâu đời thì có lịch sử rõ ràng, nhưng với các xã tách ra từ xã khác thì có phần lịch sử gần như giống nhau. Với các trường hợp đó, ông cố gắng tìm lại những lãnh đạo địa phương trước đây hoặc người từng gắn bó với vùng đất đó trong thời gian dài để hỏi kỹ về những chi tiết khác biệt, từ đó khai thác sâu hơn. Nhờ quá trình tìm kiếm ấy mà ông có thêm nhiều tư liệu để viết các bài truyền thống cho các trang tin điện tử thị xã hay tập san của các ban, ngành.
Bên cạnh đó, ông Thành còn gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ những người viết lịch sử Đảng bộ ở một số địa phương trong tỉnh, nhất là ở khâu kết nối các lời kể theo mạch thời gian phù hợp, cách khai thác những chi tiết đắt giá. Nhờ có kỹ năng này mà ông đã khai thác được nhiều câu chuyện, nhiều vật kỷ niệm các nhân chứng lịch sử giữ kín suốt hàng chục năm qua mà hiếm khi tiết lộ cùng ai.
Để đảm bảo tính chính xác của thông tin, ông Thành không chỉ ghi lại lời kể của nhân chứng cẩn thận, tỉ mỉ mà còn tìm nhiều nhân chứng khác để xác minh lại. Với những chi tiết về các trận đánh, các giai đoạn khó khăn trong những năm chống Mỹ, ông phải gặp gỡ nhiều người để tìm hiểu thêm sức bền bỉ của những con người năm ấy...
Ông Thành chia sẻ: “Mỗi khi hoàn thành một cuốn lịch sử Đảng bộ của một địa phương, tôi rất vui vì đã làm công việc có ý nghĩa, đóng góp một chút sức lực cho việc lưu lại quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển của các địa phương, nhất là lưu lại chiến công hào hùng của những năm tháng đấu tranh gian khó của quân và dân Long Khánh cho thế hệ sau biết đến”.
Bên cạnh việc tham gia viết lịch sử Đảng bộ các địa phương, ông Thành còn thường xuyên sinh hoạt kể chuyện, giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ ở TX.Long Khánh. Trong các buổi nói chuyện, ông luôn đặt ra các câu hỏi đố vui có thưởng để khích lệ, động viên học sinh lắng nghe, tìm hiểu về lịch sử quê hương Long Khánh, mục đích nhằm chuyển tải đến thế hệ trẻ lòng yêu quê hương đất nước để sau này các em không ngừng cố gắng trong học tập, góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh.
Đăng Tùng