Báo Đồng Nai điện tử
En

Vui buồn nghề trực báo cháy

08:06, 12/06/2018

Không ít người khi nghe nói về nghề trực đường dây nóng cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn Tổng đài 114 đều nghĩ đây là công việc "ngồi mát ăn bát vàng" nhưng thực tế người trực không chỉ đơn giản là tiếp nhận và truyền báo tin cháy, nổ…

Không ít người khi nghe nói về nghề trực đường dây nóng cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn Tổng đài 114 đều nghĩ đây là công việc “ngồi mát ăn bát vàng” nhưng thực tế người trực không chỉ đơn giản là tiếp nhận và truyền báo tin cháy, nổ…

Thượng sĩ Nguyễn Huy Linh, chiến sĩ Trung tâm thông tin chỉ huy (Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh) tiếp nhận thông tin của người dân báo qua số điện thoại 114.
Thượng sĩ Nguyễn Huy Linh, chiến sĩ Trung tâm thông tin chỉ huy (Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh) tiếp nhận thông tin của người dân báo qua số điện thoại 114.

Giữa trưa nắng ngày 17-5, đang ăn vội phần cơm trưa, Thiếu úy Bùi Thế Vinh (cán bộ thuộc tổ trực điện thoại, Đội Tổng hợp, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy số 1, phụ trách khu vực TP.Biên Hòa) phải bỏ dở bữa cơm khi nghe điện thoại gọi đến báo tin có một thanh niên khỏa thân đang đe dọa nhảy lầu ở tầng 10 Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

* Phân biệt tin báo thật và giả

Sau khi hỏi nhanh những thông tin cần thiết, Thiếu úy Bùi Thế Vinh còn hướng dẫn người báo tin tìm cách tiếp cận khéo léo, nói chuyện, động viên người thanh niên kia leo vào, tránh trường hợp khi lực lượng cứu nạn chưa kịp tiếp cận hiện trường thì đã xảy ra sự cố đáng tiếc.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Trung tâm thông tin chỉ huy, cho biết trong ca trực điện, hầu như cán bộ, chiến sĩ không thể rời xa được điện thoại, vì chỉ có 2 người trực nên vào những giờ nghỉ trưa hay buổi tối đều thay phiên nhau nghỉ ngơi. Nhưng trong những tình huống có cháy lớn trong đêm, điện thoại reo liên tục, yêu cầu chi viện từ phía đơn vị đang trực tiếp ở hiện trường được gửi về thì hầu như tối đó 2 cán bộ trực điện thoại cũng phải thức theo để kịp thời xử lý thông tin.

“Sau mỗi lần báo tin và bấm chuông báo hiệu, thấy anh em xuất xe đi và trở về an toàn, vụ việc được xử lý nhanh chóng, người gặp nạn được cứu an toàn là người trực ở đơn vị như chúng tôi lại rất mừng và như trút đi được nỗi lo trong lòng” - Thiếu úy Vinh tâm sự.

Tại Trung tâm thông tin chỉ huy (Phòng Tham mưu Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh), các chiến sĩ trực nghe đường dây nóng có vẻ bận rộn hơn Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy số 1 vì liên tục nghe, trả lời điện thoại, xử lý thông tin báo cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn toàn tỉnh gọi về.

Trung bình mỗi ngày điện thoại đường dây nóng báo cháy ở trung tâm reo trên 100 lần, nhưng chỉ một số ít trong đó là báo tin cháy thực sự. Dù vậy, cán bộ trực điện thoại luôn phải nghe để ghi nhận lại tất cả thông tin, kể cả các cuộc gọi chọc phá để báo lại cấp trên có biện pháp xử lý kịp thời.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Trung tâm thông tin chỉ huy, cho biết theo quy trình khi nhận tin báo cháy cán bộ, chiến sĩ trực điện thoại cẩn thận ghi nhận tên tuổi người báo tin, nơi xảy ra cháy và các thông tin liên quan để lực lượng chữa cháy có thể nhanh chóng tìm đường đến nơi. Có trường hợp người báo cháy nêu sai địa chỉ hoặc không xác định được vị trí đám cháy, lúc này người trực tổng đài phải nhắc nhở họ bình tĩnh, báo đúng vị trí đám cháy xảy ra để việc tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng hơn.

Có hơn 4 năm nhận công tác tại Trung tâm thông tin chỉ huy, Thiếu tá Nguyễn Thanh Lâm cho biết để xác định tin báo cháy thật hay báo cháy giả có nhiều cách: với tin báo thật, cuộc gọi báo cháy đến từ nhiều số khác nhau, máy này chưa cúp thì máy kia đã reo, ít nhất phải có từ 5-10 cuộc gọi báo về Tổng đài 114. Còn với cuộc gọi báo cháy giả thường chỉ có 1 số gọi đến, khi gọi lại để hỏi thêm thông tin thì người báo giả thường tắt máy luôn. Khi đó, chiến sĩ trực vẫn phải liên lạc với công an địa phương để xác minh. Vì theo tâm lý chung, khi xảy ra cháy, ngoài tổng đài 114, bà con thường sẽ gọi báo cho công an địa phương, ban ấp, khu phố...

* Kỷ niệm khó quên

Tại Trung tâm thông tin chỉ huy, trong ca trực hầu như cán bộ phải nói chuyện điện thoại liên tục. Cứ vài phút điện thoại lại reo, dù lúc đó đang là sáng sớm hay nửa đêm, cán bộ trực đều bắt buộc phải nghe. Có những trường hợp vừa bắt máy lên là nghe tiếng cười chọc phá hoặc hy hữu hơn gặp những trường hợp người đang... buồn cũng gọi điện thoại cho các đường dây nóng.

Nghề trực gác đường dây nóng báo cháy 114 cũng gắn với nhiều kỷ niệm buồn vui. Nhiều trường hợp cán bộ trực gặp phải những cuộc gọi không phải để báo cháy, nổ hay người gặp nạn mà những người đang rơi vào tuyệt vọng hoặc cho biết họ có ý định muốn tự tử.

“Có một lần trong ca trực đêm cuối năm 2017, tôi nhận được một cuộc điện thoại gọi đến báo tin muốn tự tử. Tôi phải dành thời gian để trò chuyện, lắng nghe người ở đầu dây bên kia nói và tìm cách khuyên giải họ. Sau khi tôi nói xong, đầu dây bên kia cám ơn vì đã lắng nghe họ, giúp họ bình tâm hơn nên tôi cũng thấy nhẹ lòng” - Thượng sĩ Nguyễn Huy Linh, chiến sĩ Trung tâm thông tin chỉ huy, kể lại.

Như vậy, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ trực báo cháy, cứu hộ, cứu nạn không dừng lại ở nghe tin báo. Sau khi nhận tin báo, họ sẽ báo lại cho các phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy địa phương để xử lý. Tại trung tâm có thiết bị để theo dõi hành trình của tất cả xe chữa cháy, thời điểm xuất phát, thời điểm rút về, nếu có yêu cầu chi viện từ phía đơn vị, cán bộ, chiến sĩ của trung tâm sẽ báo lại Ban giám đốc xin chỉ đạo điều động từ các đơn vị khác hoặc các công ty gần đó một cách nhanh nhất.

Đến khi đám cháy được thông báo đã giải quyết xong, các cán bộ, chiến sĩ ở trung tâm mới thở phào nhẹ nhõm và nhanh chóng ghi nhận lại thông tin sơ lược và các mốc thời gian của lực lượng chữa cháy xử lý vụ việc này để báo cáo Ban giám đốc.

Thượng sĩ Nguyễn Huy Linh chia sẻ thông tin ban đầu của một vụ cháy rất quan trọng, trong thời gian ngắn nhất làm sao thu về càng nhiều thông tin, càng chính xác càng tốt để cung cấp đầy đủ cho cán bộ, chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ nhanh chóng xác định được vị trí, tránh trường hợp xe đến nhầm vì địa chỉ không rõ ràng; thậm chí phải hỏi cho được cách tiếp cận hiện trường nhanh nhất. Do đó, người làm công việc trực đường dây nóng báo cháy phải luôn nhanh nhạy trong nắm bắt tình hình, khéo léo trong ứng xử và có kỹ năng trong xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra.

Minh Thành

Tin xem nhiều