21 năm làm việc tại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai, bác sĩ Chu Văn Phương - vị bác sĩ duy nhất của cơ sở cai nghiện này đã nhiều lần từ chối các cơ hội làm việc tốt hơn để ở lại chữa trị cho những bệnh nhân nghiện ma túy.
21 năm làm việc tại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai, bác sĩ Chu Văn Phương - vị bác sĩ duy nhất của cơ sở cai nghiện này đã nhiều lần từ chối các cơ hội làm việc tốt hơn để ở lại chữa trị cho những bệnh nhân nghiện ma túy.
Bác sĩ Chu Văn Phương (Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai) khám bệnh cho bệnh nhân |
Đến thăm bác sĩ Phương đúng vào Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, phòng khám bệnh cũng là phòng làm việc của bác sĩ Phương có rất nhiều hoa tươi. Đáng chú ý quà tặng còn có một số món quà nhỏ là vật dụng sinh hoạt được đan lát khéo léo, tỉ mỉ. Cầm những món quà này lên giới thiệu, bác sĩ Phương nói rằng đây là những món quà đặc biệt, chắc chỉ có bác sĩ làm ở những cơ sở điều trị cai nghiện ma túy mới có.
* Cuộc gặp gỡ định mệnh
Bác sĩ Phương kể về “nhân duyên” gắn bó với Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai bắt đầu từ những ngày gian nan, vất vả của ông sau khi tốt nghiệp Trường đại học y dược Thái Nguyên vào năm 1998. Cầm tấm bằng tốt nghiệp bác sĩ trên tay nhưng đi đâu xin việc (trong đó có cả các bệnh viện ở Đồng Nai) ông cũng bị từ chối.
Coi bệnh nhân như con, cháu Ông Nguyễn Đức Hải, Phó giám đốc Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai cho biết: “Mỗi học viên tại đây đều yêu quý và tôn trọng bác sĩ Phương. Ông luôn xem bệnh nhân như con, cháu trong nhà nên tận tình cứu chữa không kể ngày đêm. Thậm chí có những lúc học viên phải chuyển viện không có người thân thì bác sĩ Phương trở thành người thân của họ. Chúng tôi thật sự biết ơn những công lao đóng góp của bác sĩ Phương cho cơ sở và mong ông có thể tiếp tục đồng hành đưa người nghiện thoát ra khỏi “cái chết trắng”. |
Dù rất yêu nghề và mang nhiều hoài bão nhưng sau những tháng ngày xin việc thất bại, chàng trai trẻ năm xưa đành phải chấp nhận làm nhiều nghề như: thợ hồ, bốc vác và cả nạo vét giếng để mưu sinh. Thế nhưng, trong lòng vị bác sĩ này vẫn không ngừng hy vọng sẽ tìm được việc đúng với năng lực chuyên môn. Và may mắn đã đến với ông trong một cuộc gặp gỡ mà ông luôn xem là định mệnh, giúp cuộc đời ông rẽ sang một hướng mới.
“Lúc đó, tôi xin được việc nạo vét giếng cho Trung tâm bảo trợ huấn nghệ cô nhi Biên Hòa ở phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa. Khi hết giờ làm, vừa ngẩng đầu khỏi thành giếng, bất ngờ nhận ra người bạn học chung lớp đại học đang ngồi xem chúng tôi nạo vét giếng làm tôi giật mình suýt rơi xuống. Chúng tôi đã ôm nhau trong sự vui mừng, xúc động” - bác sĩ Phương kể lại.
Sau đó, nhờ sự giới thiệu của người bạn này, bác sĩ Phương được nhận vào công tác tại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai. “Trước khi nhận việc, tôi đi tiền trạm trước. Nhìn nơi làm việc vừa heo hút lại điêu tàn, cơ sở vật chất xuống cấp, xung quanh toàn người nghiện nên tôi sợ lắm. Hỏi ra mới biết trước đó có nhiều bác sĩ nhưng họ chỉ đến được ít ngày là xin nghỉ. Cứ nghĩ ai cũng sợ thì ai sẽ giúp đỡ những bệnh nhân này nên tôi đồng ý nhận việc” - bác sĩ Phương cho biết.
Để gắn bó lâu dài với Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai, bác sĩ Phương luôn vượt lên chính mình. Đã có lần, ông định nghỉ việc để đến nơi khác làm có thu nhập tốt hơn thì lại tiếp nhận những ca bệnh nặng như: nhiễm HIV giai đoạn cuối hoặc loạn thần, suy nhược cơ thể vì nghiện nặng. Thấy vậy, ông nấn ná ở lại điều trị cho bệnh nhân qua giai đoạn nguy hiểm. Nhưng đến khi bệnh nhân tiến triển, hồi phục, ông lại không muốn rời bỏ nơi này. “Nơi đây tôi giúp người nghiện chữa bệnh nhưng họ cũng là nguồn động lực để tôi cố gắng từng ngày sống và làm việc tốt hơn” - bác sĩ Phương tâm sự.
* Cứu người nghiện khỏi “cái chết trắng”
Đang kể về hành trình làm bác sĩ tại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai thì từ trong phòng bệnh, một bệnh nhân đập cửa và la hét nên bác sĩ Phương phải chạy vội qua hỗ trợ các điều dưỡng. Bệnh nhân này mới được đưa vào cơ sở điều trị vài ngày và đang vật vã trong cơn nghiện nên rất hung hăng, sẵn sàng tấn công bác sĩ Phương cùng nhân viên y tế. Sau một hồi vất vả, bác sĩ Phương và nhân viên y tế ở đây mới đưa bệnh nhân về giường bệnh để tiêm thuốc.
Không chỉ khám bệnh, bác sĩ Chu Văn Phương, còn dành thời gian để nói chuyện vui vẻ với các học viên ở Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai |
Sau khi xử trí cho bệnh nhân xong thì bác sĩ Phương cũng đẫm mồ hôi. Vị bác sĩ này vẫn rất bình thản và nói: “Đây là công việc thường ngày, mọi người ở đây quen rồi. Nhiều người bệnh trong cơn vật vã còn đuổi đánh cả bác sĩ và nhân viên y tế nên làm việc ở đây phải luôn nhẹ nhàng, hướng dẫn cặn kẽ và phải luôn động viên tinh thần bệnh nhân”.
Để làm tốt công tác điều trị, ngoài kinh nghiệm của bản thân thì bác sĩ Phương phải thường xuyên tham gia các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn nhất là về tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phương, điều khó nhất hiện nay khi chữa bệnh cho người nghiện chính là việc một người có thể sử dụng nhiều loại ma túy từ heroin, ma túy tổng hợp, cỏ Mỹ thậm chí là những chất ma túy tự chế rất độc hại. Việc điều trị vì thế mà phức tạp và mất nhiều thời gian hơn.
“Trước khi chữa bệnh, chúng tôi thường phải kiểm tra rất kỹ người bệnh sử dụng những loại ma túy nào để có phác đồ điều trị phù hợp. Có nhiều học viên thường nói dối, đòi hỏi chúng tôi phải thật gần gũi, tâm sự họ mới nói thật, nếu không điều trị sẽ không hiệu quả” - bác sĩ Phương trao đổi thêm.
Nhờ sự điều trị tận tình của bác sĩ Phương rất nhiều bệnh nhân đã thoát khỏi “cái chết trắng”, cắt cơn nghiện hòa nhập cộng đồng. Anh N.D.S. (học viên tại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai) kể lại, ngày đầu khi mới được đưa vào trại anh cũng bị lên cơn co giật, thậm chí đánh bác sĩ vì thèm ma túy. May nhờ có bác sĩ Phương giúp đỡ, tận tình khám chữa bệnh nên anh dần khỏe lại. Trải qua 15 tháng chữa bệnh tại đây, hiện sức khỏe anh S. đã hồi phục. Khi cai nghiện xong, anh sẽ quyết tâm từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời.
Tố Tâm