Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nhân nặng lòng với nông dân

09:03, 15/03/2019

Sở hữu nhiều trang trại nuôi bò Úc ở các tỉnh Long An, Bình Thuận, Đồng Nai, Nghệ An, ông Lưu Sơn Thủy (47 tuổi, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sơn Thủy Hà, trụ sở tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đã có nhiều đóng góp tích cực hỗ trợ bà con nông dân ở nhiều địa phương, trong đó có xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo.

Sở hữu nhiều trang trại nuôi bò Úc ở các tỉnh Long An, Bình Thuận, Đồng Nai, Nghệ An, ông Lưu Sơn Thủy (47 tuổi, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sơn Thủy Hà, trụ sở tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đã có nhiều đóng góp tích cực hỗ trợ bà con nông dân ở nhiều địa phương, trong đó có xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo.

Ông Lưu Sơn Thủy (trái) giới thiệu quá trình nuôi vỗ béo bò Úc với lãnh đạo xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: MThành
Ông Lưu Sơn Thủy (trái) giới thiệu quá trình nuôi vỗ béo bò Úc với lãnh đạo xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: MThành

Vốn là người khiêm tốn, không thích nói nhiều về bản thân nên ít ai biết để có được như ngày này, ông Thủy đã có một thời tuổi trẻ vất vả, bôn ba khắp mọi miền đất nước để theo cha mua đi mua bò về bán lại kiếm lời.

* Bôn ba từ nhỏ

Là con kế út trong gia đình 8 anh chị em, có ông nội và cha làm thương lái bò ở huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam), ngay từ lúc mới 14-15 tuổi ông Thủy đã tranh thủ kỳ nghỉ hè theo chân cha ngược Bắc, xuôi Nam mua bán bò. Đến năm 20 tuổi, ông Thủy chính thức đứng ra làm nghề kinh doanh của gia đình.

Chủ tịch UBND xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) Tống Trần Dương cho hay, trang trại nuôi bò quy mô lớn của ông Lưu Sơn Thủy hoạt động tại địa phương không chỉ tạo công ăn việc làm và hỗ trợ nhiều hộ nông dân khó khăn làm ăn phát triển kinh tế, mà còn tạo được chuỗi liên kết với các hộ nông dân địa phương như thu cây bắp, đậu về làm thức ăn cho bò và sản xuất phân bò vi sinh bán lại cho nông dân để trồng trọt.

Thời gian đầu, ông Thủy phải thường xuyên lặn lội từ miền Trung vào miền Nam để mua bò rồi đưa vào TP.Hồ Chí Minh mổ bán thịt. Năm 1997, ông chuyển vào ở hẳn tại huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) và tìm hiểu thị trường, mở dần các trang trại nuôi bò khắp cả nước. Trong quá trình làm ăn, ông Thủy kế thừa được những mối quen, những địa chỉ mua bò quen thuộc của cha nên việc kinh doanh của ông gặp nhiều thuận lợi, ngày càng phát triển.

Ông Thủy kể lại, vào năm 2013 nhận thấy thị trường bò nội địa không đủ để đáp ứng nhu cầu nên nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp của ông phải nhập giống bò Úc vào Việt Nam để bán thương phẩm. Do trang trại nhỏ chỉ mua được ít, mà mua ít thì tàu vận chuyển chỉ 1,5 ngàn con lại không đủ lời; muốn có lời phải mua nhiều nên phải dùng tàu lớn chở trên 10 ngàn con, chi phí sẽ rất cao. Vì vậy, ông đã quyết định táo bạo đầu tư hẳn một trang trại nuôi bò Úc với quy mô trên 10 ngàn con tại huyện Đức Hòa (tỉnh Long An). Việc kinh doanh thuận lợi nên sau đó, ông mở thêm một số trang trại nuôi bò Úc ở các tỉnh khác, trong đó có trang trại ở xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) quy mô nuôi 5 ngàn con với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng.

* Nhiệt tình hỗ trợ nông dân

Bên cạnh việc phát triển kinh doanh, ông Thủy còn dành nhiều thời gian, công sức để thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội gắn với chính lĩnh vực kinh doanh của ông. Chỉ riêng năm 2018, ông chi khoảng 20 tỷ đồng cho công tác từ thiện xã hội tại nhiều địa phương.

Ông Lưu Sơn Thủy cho biết phân vi sinh sau khi được xử lý được nhiều nông dân đặt mua để trồng nông sản sạch. Ảnh: M.Thành
Ông Lưu Sơn Thủy cho biết phân vi sinh sau khi được xử lý được nhiều nông dân đặt mua để trồng nông sản sạch. Ảnh: M.Thành

Cụ thể là hỗ trợ 500 con bò giống (30 triệu đồng/con) và tặng 30 căn nhà tình thương, đóng góp xây dựng cầu, đường tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Riêng tại huyện Cẩm Mỹ, ông Thủy đã hỗ trợ 100 con bò Úc cho người dân địa phương, tặng quà cho người nghèo vào các dịp lễ, Tết trong năm. Đồng thời, trang trại tại xã Xuân Đông của ông còn tạo việc làm, bao ăn ở cho khoảng 60 lao động trong và ngoài huyện Cẩm Mỹ với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền thưởng thêm dựa trên sự tăng trọng của con bò. 

Ông Thủy tâm sự: “Trong số bò sinh sản thay vì để nuôi thì tôi tặng lại cho người dân để tạo thu nhập cho họ. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi bò cho bà con. Tôi muốn giúp nông dân thấy được rằng nuôi bò Úc cho thu nhập tốt hơn. Sau đó, tôi sẵn sàng thu mua bò của người dân với giá tốt nhất. Trước Tết Nguyên đán 2019, tôi đi kiểm tra số bò được tặng cho nông dân tỉnh Quảng Nam, sau 3 tháng nuôi thì thấy rất hiệu quả, có 2 trường hợp bò bị chết tôi đã tặng lại 2 con bò khác”.

Gần 1 năm từ khi nhận bò ông Thủy tặng, ông Nguyễn Văn Vụ (ngụ xã Xuân Đông) rất phấn khởi khi bò tăng trưởng nhanh. “Không chỉ tặng cho gia đình tôi 1 con bò mà ông Thủy còn hướng dẫn chúng tôi cách chăm sóc kỹ lưỡng. Ông Thủy còn khuyến khích chúng tôi phát triển kinh tế từ việc nuôi bò Úc và yên tâm về đầu ra sản phẩm vì có doanh nghiệp của ông mua hết cho bà con” - ông Vụ bộc bạch.

 Ngoài việc tặng bò cho những hộ khó khăn, ông Thủy còn thu mua bò ốm với giá cao để về vỗ béo, sau đó đem tiêu thụ. Ông Thủy cho biết, giai đoạn 2013-2014, bò Úc về Việt Nam rất nhiều, từ năm 2017 đến nay nguồn bò Úc về với giá cao nên nhiều doanh nghiệp cũng “buông tay”. Vì vậy, ông cũng chuyển qua mua những con bò thường của người dân nuôi không đủ trọng lượng tiêu chuẩn về trang trại vỗ béo rồi mới đưa đi giết mổ.

Do làm trang trại bò với quy mô lớn nên ông Thủy luôn trăn trở làm cách nào để đảm bảo môi trường xung quanh và tận dụng được chất thải của bò để làm phân vi sinh. Do đó, ông mạnh dạn đầu tư 20 tỷ đồng cho mô hình xử lý phân vi sinh. Số phân vi sinh sau khi được xử lý hết mùi hôi sẽ được đóng bao, đem bán ra thị trường. Điều này vừa đảm bảo môi trường sống của người dân xung quanh trang trại vừa đảm bảo sức khỏe, chất lượng sản phẩm của đàn bò.

Hiện tại ông Thủy đang ấp ủ ý tưởng mở thêm các trang trại nuôi bò có quy mô lớn ở quê nhà Quảng Nam với mục đích vừa mở rộng chiến lược phát triển doanh nghiệp vừa góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm cho bà con nông dân ở quê nhà. “Từng vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ mới có được như ngày hôm nay nên tôi muốn làm một việc gì đó cho quê mình, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn có một cơ hội để thoát nghèo và giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, làm ăn, làm giàu cùng góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển” - ông Thủy tâm sự.                                 

Minh Thành

Tin xem nhiều