Cũng như cả nước, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nạn "tín dụng đen" hoành hành từ thành thị đến nông thôn. Nhiều đối tượng từ các tỉnh, thành khác đến Đồng Nai lập ra các đường dây cho vay tiền lãi nặng để thu lợi "khủng", còn người vay phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề.
Cũng như cả nước, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nạn “tín dụng đen” hoành hành từ thành thị đến nông thôn. Nhiều đối tượng từ các tỉnh, thành khác đến Đồng Nai lập ra các đường dây cho vay tiền lãi nặng để thu lợi “khủng”, còn người vay phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề.
Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” cho in tờ rơi, phát tận nhà, tận tay người dân. Ảnh: T.Danh |
Có thể nói chưa bao giờ việc vay tiền lại dễ dàng như hiện nay. Thủ tục đơn giản, không cần thế chấp tài sản, chỉ cần gọi điện cho các đối tượng cho vay là có tiền ngay nên nhiều người dân đã dễ dàng “sập bẫy” hoạt động “tín dụng đen”.
Bài 1: Dễ vay như “tín dụng đen”
Không chỉ ở khu vực thành phố, trung tâm đô thị mà ở các vùng nông thôn hoạt động “tín dụng đen” cũng đã xuất hiện khá phổ biến. Với phương châm đáp ứng mọi nhu cầu vay vốn, thủ tục vay tiện lợi, dễ dàng, hoạt động của các tổ chức cho vay lãi nặng đã len lỏi vào đời sống của nhiều người dân.
* Cần vay là có
Các đối tượng cho vay lãi nặng cho in, dán và phát tờ rơi trên nhiều tuyến đường, thậm chí phát tờ rơi đến tận từng nhà, từng người. Đây chính là phương thức để các tổ chức “tín dụng đen” nhanh chóng tiếp cận với khách hàng. Người dân có nhu cầu vay tiền từ vài triệu đồng đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng đều được đáp ứng ngay. Chỉ cần khách hàng gọi điện thì các đối tượng sẽ cho người đến tận nhà làm hồ sơ, xác minh và cho vay tiền mà không cần tài sản thế chấp.
Trong cuộc họp HĐND tỉnh cuối năm 2018, Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, thời gian qua trên địa bàn tỉnh nổi lên các băng nhóm núp bóng các doanh nghiệp cho thuê tài chính, kinh doanh cầm đồ để hoạt động “tín dụng đen”. Sau khi cho vay lãi nặng sẽ phát sinh tình trạng đòi nợ thuê dẫn đến các hành vi: cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản… gây mất an ninh trật tự tại các địa phương. |
Theo bà N.T.H. (ngụ xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc), vì gia cảnh khó khăn lại cần tiền chữa bệnh cho chồng nên khi đi chợ, nhìn thấy tờ giấy ghi cho vay tiền nhanh, không cần thế chấp, bà đã nhặt về nhà để liên hệ. “Sáng tôi gọi điện đối tượng cho vay theo số điện thoại in trên tờ rơi thì chiều đã có người mang tiền tới nói cho vay 10 triệu đồng nhưng chỉ đưa cho tôi 9 triệu đồng. Tuy nhiên, 20 ngày sau, tôi tá hỏa khi bị bắt trả cả gốc lẫn lãi lên đến 12 triệu đồng” - bà H. trình bày.
Cũng vì cần vốn để mở quán nước mà bà P.T.T.V. (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) bị “sập bẫy” hoạt động “tín dụng đen”. Bà V. kể, trong lúc đang loay hoay tìm vốn vay để mở quán nước buôn bán thì bà được người quen giới thiệu vay tiền trả góp vừa nhanh lại vừa đơn giản. Chỉ sau một buổi hẹn gặp mặt, các đối tượng này đã cho bà V. vay số tiền 20 triệu đồng mà không đòi hỏi giấy tờ, thế chấp.
Sau khi vay được vốn, bà V. đầu tư mở quán nước nhỏ nhưng số tiền lời không đủ chi trả tiền gốc và lãi hằng ngày. Mỗi ngày buôn bán chỉ thu khoảng 200-300 ngàn đồng nhưng phải trả cả gốc lẫn lãi lên đến 500 ngàn đồng trong vòng 2 tháng. Sau khi trả được 1 tháng, bà V. không đủ khả năng chi trả nữa thì xuất hiện nhiều đối tượng xăm trổ đầy mình thường xuyên đến quán ngồi từ sáng đến tối khiến khách hàng sợ cũng không dám vào quán uống nước. Việc buôn bán cũng bị trì trệ.
* Hậu quả nặng nề
Nhiều trường hợp vay tiền để giải quyết nợ nần, đầu tư làm ăn hay vay tiêu dùng nhưng không tìm hiểu kỹ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Nếu chấp nhận trả đúng, trả đủ thì người vay cũng phải chịu một mức lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất thông thường. Có nhiều trường hợp do vay mượn với lãi suất “cắt cổ” không có khả năng chi trả dẫn đến phải bán nhà, đất để trả nợ. Đối với những trường hợp không có tài sản để trừ nợ, các chủ nợ cũng tìm đến gây sự và giải quyết theo kiểu “xã hội đen”. Nhiều trường hợp bị đánh đập, phá hoại nhà cửa cũng chỉ vì đổ nợ do vay mượn từ “tín dụng đen”.
Một người dân ở TP.Biên Hòa bị các đối tượng cho vay nặng lãi đánh đập gây thương tích |
Như trường hợp của bà T.H. (ngụ thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) đã vay của các đối tượng 150 triệu đồng để kinh doanh. Theo thỏa thuận thì trong vòng 100 ngày bà H. phải trả hết cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, khi đến hẹn mà bà H. vẫn không đủ tiền chi trả nên vào ngày 27-1, đã có khoảng 6-7 người hung hăng xông vào nhà bà phá hoại đồ đạc và dùng mã tấu uy hiếp.
Thậm chí, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” rất manh động, sẵn sàng tấn công nạn nhân nếu không đòi được nợ. Như trường hợp của vợ chồng anh N.P. và chị T.H. (ngụ xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) bị một nhóm đối tượng tìm đến nhà đâm trọng thương vì khoản nợ hàng trăm triệu đồng không thể chi trả.
Theo xác minh của Công an TP.Biên Hòa, trước đó vợ chồng anh N.P. có vay của một người tại TP.Biên Hòa số tiền khoảng 300 triệu đồng với lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng. Sau một thời gian, anh N.P. không có khả năng chi trả, cuối tháng 5-2018, chủ nợ thuê một nhóm giang hồ từ TP.Hồ Chí Minh đến uy hiếp vợ chồng anh để đòi nợ. Do vợ chồng anh N.P. không có tiền trả, nhóm người này đã dùng dao tấn công khiến vợ chồng anh bị thương nặng. Nhóm đối tượng này còn châm lửa đốt cả tiệm làm tóc của vợ chồng anh để dằn mặt.
Nhiều nạn nhân sau khi vay mượn không có tiền trả, có người còn bị truy đuổi dẫn đến tử vong. Như ngày 27-12-2017, do có nợ của một người tên H. số tiền 100 triệu đồng (tiền gốc 60 triệu đồng) nên anh B.M.T. (ngụ tỉnh Bình Dương) bị 2 đối tượng đòi nợ thuê là Đào Tuấn Huynh (36 tuổi) và Nguyễn Đức Toàn (31 tuổi), cả 2 quê TP.Hải Phòng truy đuổi khiến anh T. nhảy xuống sông Đồng Nai (đoạn qua cầu Ghềnh) và tử vong.
Trước những uy hiếp của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, nhiều người đã tìm đến cơ quan công an cầu cứu. Từ đó nhiều băng nhóm hoạt động cho vay lãi nặng đã bị công an phát hiện, khởi tố.
Trần Danh - Tố Tâm
Bài 2: Đánh sập nhiều đường dây “tín dụng đen”