Báo Đồng Nai điện tử
En

'Săn' dế cơm...

04:10, 18/10/2019

Khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm, khi những cơn mưa cuối mùa thưa thớt là lúc dế cơm sinh sản. Nhiều tổ dế rộ lên ở khắp nơi trong vườn rẫy và lô cao su ở TP.Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ...

Khoảng tháng 9, tháng 10 hằng năm, khi những cơn mưa cuối mùa thưa thớt là lúc dế cơm sinh sản. Nhiều tổ dế rộ lên ở khắp nơi trong vườn rẫy và lô cao su ở TP.Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ... Một số người dân ở các địa phương này thường đi “săn” dế cơm để bán kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình.

Hai anh Lê Văn Đạt (trái) và Trần Minh Tâm đang “săn” dế cơm trong lô cao su ở xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: N.An
Hai anh Lê Văn Đạt (trái) và Trần Minh Tâm đang “săn” dế cơm trong lô cao su ở xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: N.An

Như đã hẹn, đúng 7 giờ, chúng tôi có mặt tại nhà anh Lê Văn Đạt (người có nhiều kinh nghiệm với nghề bắt dế cơm tại ấp Hàng Gòn, xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh) để cùng anh đi vào các lô cao su tìm bắt dế cơm.

* Thú vị nghề “săn” dế cơm

Trên đường đi, anh Đạt đã dừng ven đường để bẻ khoảng 10 cọng bông cỏ gạo (hay còn gọi cỏ lá tre). Anh Đạt giải thích: “Thông thường hằng năm, khi cây cỏ gạo có bông thì cũng là vào mùa dế cơm sinh sản. Mùa sinh sản của dế cơm kéo dài từ khoảng tháng 9 đến tháng 11 dương lịch... Mình sẽ dùng cọng bông cỏ gạo này làm cần câu để bắt dế cơm”.

Theo kinh nghiệm của một số người chuyên đi bắt dế cơm ở TP.Long Khánh, chu kỳ sống của dế cơm tương tự như con ve sầu. Chúng được sinh ra và ở dưới lòng đất một thời gian dài, đến thời điểm nhất định, chúng chui lên mặt đất tìm bạn tình giao phối, sinh sản rồi chết đi. Lứa dế kế cận tiếp tục phát triển và sinh sôi...

Sau khi vượt chặng đường dài gần 10km bằng xe máy, cuối cùng chúng tôi đã đến được khu vực để bắt dế là những lô cao su rộng ngút ngàn ở xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ). Tại đây, anh Đạt được một “đồng nghiệp” là anh Trần Minh Tâm (38 tuổi, ngụ xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ) đến hỗ trợ, cùng bắt dế.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm, 2 anh Đạt và Tâm dễ dàng tiếp cận các hang dế và bắt đầu cuộc “săn” bắt đầy thú vị. Đầu tiên, các anh dùng ngón tay moi đất lên cho thông miệng hang, dùng cọng cỏ gạo nhúng vào xô kiến bò nhọt (màu đen) cho chúng bám vào rồi đưa vào hang, sau đó lấp đất miệng hang lại để kiến bò sâu vào tận nơi con dế đang ẩn nấp.

“Đặc tính kiến nhọt là loài hung dữ, cắn rất đau nhức. Kiến nhọt bò rất nhanh, chỉ cần đưa xuống đất là chúng bò lan ra khắp nơi để tìm “săn” con mồi. Nếu thả kiến vào hang ít quá thì không đủ sức để “đấu” với dế cơm vì loài dế này cũng rất hung dữ và sẵn sàng dùng đôi càng bật mạnh để kiến không cắn được. Ngược lại, nếu thả nhiều kiến vào hang thì chúng sẽ cắn chết con dế ngay dưới hang. Cho nên, việc đưa kiến vào hang với lượng vừa phải (khoảng từ 30-50 con) để chúng cắn dế đủ đau mà bò ra khỏi hang” - anh Đạt cho hay.

Những con dế cơm tròn béo vừa bắt được. Ảnh: N.An
Những con dế cơm tròn béo vừa bắt được. Ảnh: N.An

Với cách bắt trên, chỉ trong thời gian 30 giây đến 1 phút sau khi thả kiến vào trong thì những con dế lần lượt bò ra ngoài miệng hang. Tuy nhiên, cũng có những hang phải chờ đợi đến 4-5 phút vì con dế không chịu ra. Anh Đạt giải thích, việc con dế chậm ra khỏi miệng hang có nhiều nguyên nhân như: hang sâu và nhiều ngóc ngách để dế ẩn nấp hoặc gặp con dế “gan lì”, mặc dù bị kiến cắn đau nhưng nó vẫn dùng đôi càng đạp chống trả cho đến khi nào không chịu nổi mới “đầu hàng”.

Có những hang dế dễ dàng nhận biết vì đất được đùn lên cao ở miệng hang. Tuy nhiên, cũng có những hang rất kín đáo hoặc do trời mưa làm xói mòn đất nên người không có kinh nghiệm rất khó phát hiện. Theo anh Đạt, hang dế lúc nào cũng có một lớp đất mỏng lấp miệng lại để phòng chống những côn trùng khác xâm hại nó. Còn những hang tròn vo không phải hang dế hoặc là hang dế nhưng nó đã bị bắt hay bỏ đi nơi khác. “Muốn bắt được nhiều dế thì không nên vào những lô cao su già, rậm rạp và thiếu ánh sáng. Bởi đặc tính của dế cơm thích ở những vùng có ánh sáng và nhiều cỏ” - anh Đạt chia sẻ kinh nghiệm.

* Dễ kiếm thêm thu nhập

Cầm những con dế tròn béo vừa bắt được, anh Tâm cho hay, hôm nào trời đẹp và may mắn gặp những lô cao su có nhiều dế thì số lượng bắt được sẽ nhiều. Còn những hôm trời mưa và gặp những lô cao su ít dế thì số dế bắt được sẽ ít hơn. Tuy nhiên, hôm bắt dế ít thì mỗi người cũng được từ 150-170 con và bán được từ 250-300 ngàn đồng. Còn hôm bắt được nhiều, mỗi người được từ 200-250 con và bán được 400-500 ngàn đồng. Một số gia đình có đến 2-3 người cùng đi bắt dế thì thu nhập mỗi ngày của họ trên dưới 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, nghề bắt dế cơm đôi khi cũng gặp nguy hiểm vì người đi "săn" thường tiếp xúc với rắn, rết, bọ cạp, muỗi... Có những loài rắn, rít, bọ cạp ẩn nấp ở dưới gốc cây hoặc thảm lá mục, nếu mải mê tìm hang dế và không để ý rồi giẫm phải thì sẽ bị chúng tấn công. Anh Đạt cho biết, trong lúc quan sát hang dế cũng phải luôn rảo mắt cảnh giác xung quanh để hạn chế những rủi ro xảy ra.

Sản phẩm thu được sau gần 2 giờ đi bắt dế cơm. Ảnh: N.An
Sản phẩm thu được sau gần 2 giờ đi bắt dế cơm. Ảnh: N.An

Theo lời kể của những người dân sinh sống lâu năm ở TP.Long Khánh và huyện Cẩm Mỹ, nghề bắt dế cơm bằng kiến bò nhọt đã có từ lâu. Tuy nhiên, hồi đó người dân chủ yếu đi bắt dế về chế biến các món ăn với cơm hoặc làm món nhậu bình dân, chứ chưa phải là nghề để kiếm tiền.

Khoảng 5-6 năm trở lại đây, do đời sống của người dân ngày càng nâng cao, nhiều người muốn tìm những món lạ, bổ dưỡng để thưởng thức, trong đó món dế cơm được ưa chuộng. Nhờ đó, anh Đạt, anh Tâm và nhiều người dân địa phương xem đây là cái nghề và tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đi bắt dế về bán kiếm thêm thu nhập. Hiện có khoảng từ 20-30 người tham gia bắt dế cơm để bán, tập trung chủ yếu vào mùa sinh sản của dế, thời gian còn lại họ vẫn làm công việc chính là chăm sóc vườn, rẫy và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Anh Đạt cho biết, ngoài trực tiếp đi bắt dế, anh còn thu mua lại dế của người dân tại địa phương và các xã lân cận bắt được với giá 2 ngàn đồng/con. Sau đó, anh đem dế về chế biến, tẩm ướp gia vị, đóng gói rồi đem đi bỏ mối cho các quán nhậu ở TP.Long Khánh và các khách quen ở TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi ngày anh đi giao từ 400-500 con dế, với giá 3 ngàn đồng/con. Nhờ đó, cuộc sống gia đình anh được cải thiện hơn.

"Trong thời gian tới, tôi tiếp tục giới thiệu bán dế cơm trên mạng xã hội Zalo và Facebook vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình, vừa tạo việc làm cho người dân ở địa phương” - anh Đạt nói.     

Anh Lê Văn Đạt cho biết, hiện nhiều người thích ăn các món chế biến từ dế cơm vì con dế sinh sống và ăn cỏ ngoài môi trường tự nhiên, nên thịt dế cơm đảm bảo sạch, chất lượng. Một số người mua về nhà tự chế biến, nhưng cũng có những người đến các nhà hàng, quán nhậu để thưởng thức các món từ dế như: dế chiên giòn, dế um mỡ, dế chiên bộ̣t... khi ăn kèm với rau thơm, xà lách, cà chua rất ngon miệng.

Nhân An

Tin xem nhiều