Khi cuộc sống trở nên khá giả, sung túc, nhiều gia đình lại có xu hướng sống hoài cổ, thích uống trà, đọc sách, ngắm hoa trong những ngôi nhà gỗ được chế tác theo kiến trúc cổ xưa như: nhà rường, nhà tứ giác, lục giác, bát giác… Thú vui này đã góp phần làm sống lại những làng nghề mộc mà lâu nay bị mai một ở H.Xuân Lộc.
Khi cuộc sống trở nên khá giả, sung túc, nhiều gia đình lại có xu hướng sống hoài cổ, thích uống trà, đọc sách, ngắm hoa trong những ngôi nhà gỗ được chế tác theo kiến trúc cổ xưa như: nhà rường, nhà tứ giác, lục giác, bát giác… Thú vui này đã góp phần làm sống lại những làng nghề mộc mà lâu nay bị mai một ở H.Xuân Lộc.
Anh Lê Văn Toàn (quê ở H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) thợ làm nhà gỗ ở H.Xuân Lộc đang thực hiện chạm trổ ở cột nhà gỗ. Ảnh: H.Đình |
Hiện nay, Xuân Lộc có hơn 20 cơ sở kinh doanh, sản xuất các mặt hàng gỗ mỹ nghệ, trong đó tập trung nhiều tại các xã: Xuân Tâm, Xuân Hưng, Xuân Hòa. Bên cạnh việc làm ra các sản phẩm gỗ nội thất, việc sản xuất, chế tác các ngôi nhà gỗ theo kiến trúc cổ xưa cũng đang được các cơ sở đầu tư, phát triển mạnh.
* Vực dậy làng nghề
Anh Lê Văn Toàn (quê ở H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), thợ làm nhà gỗ ở H.Xuân Lộc cho hay, cách đây khoảng hơn chục năm, xu hướng làm nhà xây, sử dụng các vật dụng bằng nhựa, kim loại thay thế cho đồ mộc đã khiến cánh thợ mộc như anh rơi vào cảnh làm ăn khó khăn, bết bát tưởng chừng như phải bỏ nghề. Có thời gian anh phải chuyển qua làm nhiều công việc khác để kiếm thu nhập lo cho gia đình.
Thế nhưng khoảng chục năm trở lại đây, phong trào chơi nhà gỗ lại thịnh hành. Ở H.Xuân Lộc lại có sẵn những làng nghề sản xuất gỗ mỹ nghệ đang cần thợ có tay nghề nên anh Toàn cùng nhóm thợ mộc ở Quảng Trị lại mài chàng, mài đục rồi rủ nhau vào đây lập nghiệp cho đến nay.
Nhờ nhu cầu làm nhà gỗ ngày càng nhiều nên công việc của thợ mộc ở làng nghề gỗ mỹ nghệ ở H.Xuân Lộc cũng khá nhiều. Những người thợ mộc lành nghề đến từ các tỉnh, thành đến Xuân Lộc không chỉ làm việc để mưu sinh mà họ còn hỗ trợ chủ cơ sở đào tạo nghề cho hàng chục thanh niên tại địa phương với mong muốn nghề làm nhà gỗ theo kiến trúc cổ sẽ không bị thất truyền. |
Ông Ngô Huỳnh Diệu, chủ cơ sở mộc Huỳnh Diệu (thuộc xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) cũng chia sẻ, mấy năm trước, khi phong trào chơi nhà cổ bắt đầu hưng thịnh, rất nhiều đại gia tìm mua những xác nhà gỗ cũ nơi các vùng thôn quê mang về thuê thợ phục chế. Tuy nhiên, do cây gỗ bị mục nát xuống cấp nên không đảm bảo tính thẩm mỹ. Sau đó, họ chuyển hướng sang đặt các cơ sở như của anh làm nhà cổ bằng gỗ mới hoàn toàn.
Theo chủ các cơ sở kinh doanh, sản xuất gỗ mỹ nghệ trên địa bàn H.Xuân Lộc, tùy theo từng loại gỗ, độ tinh xảo khác nhau mà mỗi căn nhà gỗ sẽ có giá khác nhau. Có căn giá chỉ khoảng 200-300 triệu đồng nhưng có căn giá đến gần 2 tỷ đồng. Hiện nay, nhà gỗ đang được các đại gia mua về đặt trong sân vườn để làm nơi tiếp khách, hoặc nơi ngồi chơi giải trí của gia đình. Ngoài ra, các khu nghỉ dưỡng (resort) ở miền Trung cũng đang rất chuộng mô hình này.
Ông Nguyễn Hoàng, chủ cơ sở gỗ Hoàng Gia (xã Xuân Tâm) cho hay, hiện nay, khách chơi nhà gỗ ở các tỉnh, thành như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, TP.HCM khá nhiều… Chỉ với 250-300 triệu đồng, gia chủ có thể sở hữu được căn nhà lục giác bình dân với diện tích 20m2 bằng gỗ căm xe hoặc gõ đỏ. Tuy nhiên, đối với những căn nhà lục giác, bát giác có diện tích, chiều cao, đường kính lớn hơn giá bán có thể từ 400-500 triệu đồng, thậm chí cả tiền tỷ nếu như gia chủ yêu cầu chạm khắc tỉ mỉ…
Cũng theo ông Hoàng, hiện nay, nhiều khách hàng tìm đến các làng nghề gỗ mỹ nghệ ở H.Xuân Lộc là do lựa chọn được nhiều sản phẩm chất lượng, mẫu mã rất đa dạng, giá cả thường thấp hơn nhiều so với giá bán tại các khu vực khác.
Một số chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh gỗ mỹ nghệ ở xã Xuân Tâm cho biết, nhiều năm trở lại đây, nguồn gỗ quý của Việt Nam đã cạn kiệt, khan hiếm. Do vậy, hầu hết các cơ sở này đều phải nhập gỗ từ nước ngoài về, chủ yếu là từ các nước châu Phi như: căm xe, gõ đỏ, cẩm tím… Hiện các cơ sở làm nhà gỗ hay các sản phẩm từ gỗ rất chuộng nguồn gỗ nhập ngoại do giá thành rẻ, thân gỗ to, dài và ít bị lỗi (bọng, rác). Đặc biệt là giấy tờ xuất xứ nguồn gỗ rõ ràng, không lo vi phạm các quy định về nguồn gỗ cấm, gỗ lậu…
* Kinh nghiệm làm nhà gỗ theo kiến trúc cổ
Các làng nghề gỗ mỹ nghệ ở H.Xuân Lộc hiện nay thu hút được đông đảo đội ngũ thợ mộc có tay nghề từ các tỉnh miền Trung như: Thừa Thiên - Huế, Quảng, Trị, Quảng Nam vào đây lập nghiệp. Nhờ đó, các sản phẩm làm ra từ làng nghề này rất tinh xảo, đẹp mắt.
Xuất thân từ một gia đình có nghề truyền thống làm thợ mộc tại xã Đại Minh, H.Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), nghệ nhân Ngô Huỳnh Điểu (74 tuổi) nằm lòng đối với từng đường cưa, nhát đục trong việc chế tác ra hoa văn, họa tiết cho các ngôi nhà gỗ cổ.
Chủ cơ sở và mẫu ngôi nhà cổ được trưng bày tại cơ sở mộc Huỳnh Diệu (xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) |
Ông Huỳnh Điểu chia sẻ, một ngôi nhà cổ đẹp thì phải đảm bảo nhiều yếu tố như: chất liệu gỗ phải là gỗ tốt như: gỗ lim, gõ đỏ, căm xe… Song song đó, kết cấu của ngôi nhà phải đảm bảo độ hài hòa, tỷ lệ cột, băng, kèo sao cho đồng thanh, đồng thủ, các mối đấu nối phải phải khít với nhau, đổ nước không thể lọt qua. Đặc biệt nhất chính là kỹ thuật chạm, khắc các họa tiết trên đầu các băng, kèo phải thật tinh xảo, sống động.
“Thường biểu tượng được chọn để chạm khắc trên ngôi nhà cổ là: long, lân, quy, phụng (tứ linh); hay bộ: tùng, cúc, trúc, mai. Có những gia chủ lại thích chạm khắc tranh vượt vũ môn, tranh đông hồ hay đàn heo âm dương… Nhà cổ thường được lót gạch tàu, cột nhà đẽo tròn được gác trên những chân đá được mài, đẽo công phu; phần lan can cũng được chạm khắc tỉ mỉ như ở phần băng kèo, cỗ lầu bên trên” - ông Huỳnh Điểu mô tả.
Anh Lê Văn Toàn cho biết thêm, ngay từ khi còn thiếu niên, anh đã theo các bậc cha chú đi làm nhà gỗ. Ban đầu học nghề thì chỉ phụ bào, đục những phần đơn giản. Sau một thời gian dài, khi tay cầm chàng, cầm đục cứng cáp hơn thì anh được hướng dẫn việc chạm, trổ, hay tính toán thước tấc để pha gỗ làm nhà. Do kết cấu của ngôi nhà gỗ rất phức tạp nên những bác thợ cả phải biết tính toán cẩn thận sao cho không bị hao hoặc bỏ phí gỗ.
Do vậy, để đào tạo ra một người thợ mộc thành thạo nghề thường thì phải mất từ 3-5 năm. Bản thân anh Toàn đã có hơn 30 năm làm nghề mà nhiều khi cũng phải trao đổi, học tập kinh nghiệm từ các “bậc tiền bối”.
Cũng theo ông Ngô Hoàng Diệu, hiện nay, đội ngũ thợ làm nhà gỗ theo kiến trúc cổ lành nghề tại địa phương rất hiếm cho nên ông phải tuyển từ ngoài miền Bắc, hay miền Trung vào làm nhưng phần đông là ở 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị. Thông thường, công của một thợ mộc bình thường chỉ khoảng 250-300 ngàn đồng/ngày trong khi công thợ làm nhà gỗ phải 500 ngàn đồng/ngày hoặc cao hơn.
Hải Đình