Khu 18 Gia Đình (thuộc ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) trước đây là vùng rừng hoang sơ, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của người dân, cùng sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là kể từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, vùng đất này đã "thay da, đổi thịt".
Khu 18 Gia Đình (thuộc ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) trước đây là vùng rừng hoang sơ, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của người dân, cùng sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là kể từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, vùng đất này đã “thay da, đổi thịt”.
Đoàn cán bộ xã Bảo Quang đến thăm ông Lê Văn Sao (97 tuổi, ngụ tổ 3, ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) là một trong những gia đình đến vùng đất 18 Gia Đình từ rất sớm. Ảnh: T.Nhân |
* Đổi thay nơi vùng đất khó
Được sự giới thiệu của lãnh đạo xã Bảo Quang, chúng tôi đến gặp những người lớn tuổi để nghe kể về nguồn gốc của vùng đất 18 Gia Đình. Một trong những người mà chúng tôi gặp là ông Nguyễn Minh Hoàng (68 tuổi, tổ 6, ấp 18 Gia Đình), vì ông đã đặt chân đến đây từ rất sớm nên am hiểu tường tận vùng đất này.
Ấp 18 Gia Đình (xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) hiện có trên 800 hộ dân với gần 3,3 ngàn nhân khẩu. Nếu như toàn ấp có 54 hộ nghèo vào năm 2010 thì số hộ nghèo hiện nay đã giảm chỉ còn 9 hộ. Số hộ khá giả trong ấp hiện chiếm trên 70%. |
Ông Hoàng kể, ông theo gia đình đến vùng đất 18 Gia Đình sinh sống từ năm lên 5 tuổi. Ở vùng đất 18 Gia Đình, đồng bào dân tộc Chơro đã đến sinh sống đầu tiên và khu vực này lúc bấy giờ là cánh rừng hoang sơ, vắng vẻ. Đến khoảng năm 1954, nhiều người dân tộc Nùng, Tày từ miền Bắc di cư vào đây khai hoang, lập nghiệp. Tuy nhiên, do chiến tranh diễn ra ác liệt nên nhiều người dân đã bỏ đi nơi khác sinh sống, chỉ còn lại 18 gia đình dân tộc Tày vẫn quyết tâm bám trụ tại đây. Tên “khu 18 Gia Đình” đã được người dân địa phương đặt cho vùng đất này vào khoảng năm 1970. Đến năm 1992, xã Bảo Quang thành lập thì tên gọi “khu 18 Gia đình” được chuyển thành “ấp 18 Gia Đình” cho đến nay.
Cũng theo ông Hoàng, vùng đất 18 Gia Đình trước đây từng là căn cứ kháng chiến Thị ủy Long Khánh. Đây là khu “rừng da beo”, tức là trong rừng có xen kẽ rẫy của dân. Tất cả những người dân vào làm rẫy phải thân quen với bộ đội và được bộ đội giúp đỡ. Ngược lại, bộ đội cũng được người dân hỗ trợ tiếp tế lương thực. Nhờ quân - dân chở che cho nhau nên phong trào cách mạng hoạt động ở trong rừng rất hiệu quả.
Chiến tranh kết thúc, người dân từ khắp mọi miền đất nước đã tìm về vùng đất 18 Gia Đình sinh sống, lập nghiệp. Thời gian đầu, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng đa số người dân vẫn quyết tâm bám trụ ở đây với hy vọng tương lai sẽ tốt đẹp hơn.
Để trụ lại vùng đất này, điều đầu tiên người dân phải bắt tay làm ngay là san lấp những hố bom, phát dọn, cải tạo đất nhằm tạo nên những khu vườn, rẫy bằng phẳng. Người dân thực hiện phương án “lấy ngắn, nuôi dài” bằng cách trồng những loại cây ngắn ngày như: đậu, bắp, bí, đu đủ… Sau này, bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chặt bỏ những cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao như: tiêu, cà phê, xoài, mít, mãng cầu, dâu, bưởi…; đồng thời tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, nhiều gia đình thoát nghèo bền vững và vươn lên khấm khá.
Chủ tịch UBND xã Bảo Quang Nguyễn Tiến Dũng cho biết, xã Bảo Quang bắt đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới vào năm 2009 và đến năm 2014 được UBND tỉnh công nhân xã đạt chuẩn nông thôn mới. Địa phương tiếp tục nỗ lực phấn đấu để đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2018 và đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng những công trình đạt chuẩn quốc gia như: làm đường giao thông, kéo điện lưới nhằm giúp người dân trên địa bàn có cơ hội phát triển kinh tế để vươn lên. Bên cạnh đó, Nhà nước còn đầu tư xây dựng chợ, trường học, trạm y tế… giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong đó, người dân trên địa bàn ấp 18 Gia Đình được hưởng lợi nhiều nhất do là ấp nằm ở trung tâm của xã.
“Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp mức sống của người dân trên địa bàn xã ngày càng phát triển. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 31 triệu đồng nhưng đến năm 2018 đã tăng lên khoảng 58 triệu đồng/người. Hiện thu nhập bình quân đầu người đã đạt khoảng 72 triệu đồng/năm. Số hộ khá, giàu ngày càng tăng, còn số hộ nghèo giảm đi” - ông Dũng chia sẻ.
* Không ngừng phấn đấu vươn lên
Chúng tôi đến thăm ông Lê Văn Sao (ngụ tổ 3, ấp 18 Gia Đình), một trong những nông dân giàu nghị lực vượt khó vươn lên tại địa phương. Ông Sao năm nay đã 97 tuổi nhưng trông còn minh mẫn, khỏe mạnh và hàng ngày vẫn đi thăm vườn để hướng dẫn các con, cháu cách làm nông nghiệp cho hiệu quả.
Mô hình vườn - ao - chuồng đã giúp ông Nguyễn Văn Hợi (73 tuổi, ngụ tổ 5, ấp 18 Gia Đình) phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống |
Ông Sao kể, gia đình ông rời quê ở tỉnh Tiền Giang và tìm đến vùng đất 18 Gia Đình lập nghiệp từ năm 1970. Lúc bấy giờ, chiến tranh diễn ra ác liệt nhưng gia đình ông vẫn quyết tâm bám trụ vùng đất 18 Gia Đình với hy vọng vùng đất màu mỡ có thể giúp gia đình ông phát triển kinh tế sau này.
Chiến tranh kết thúc, ông Sao khai hoang mở rộng diện tích đất, đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Thời gian đầu còn gặp khó khăn về vốn nên ông chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày như: đu đủ, đậu, bắp, mía, bí đỏ… để sớm có thu nhập, đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Sau này làm ăn dư dả, ông đầu tư trồng các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao hơn như: xoài, mít, mãng cầu, dâu, bưởi… Nhờ biết tính toán làm ăn và gặp thời được mùa, được giá, mô hình làm vườn cây ăn trái đã đem lại nguồn thu nhập đảm bảo cho gia đình ông.
“Từ làm vườn đã giúp tôi có điều kiện xây dựng nhà cửa đàng hoàng; dựng vợ, gả chồng và tạo việc làm cho 6 người con đến nơi đến chốn ” - ông Sao bộc bạch.
Câu chuyện về tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám đầu tư để phát triển kinh tế gia đình của ông Nguyễn Văn Hợi (73 tuổi, ngụ tổ 5, ấp 18 Gia Đình) cũng đáng nể phục. Năm 1980, một mình ông Hợi đã tìm đến vùng đất 18 Gia Đình để sinh sống. Sau khi tìm kiếm công việc, chỗ ở ổn định, ông mới về quê rước vợ và các con vào ở ổn định từ năm 1987 đến nay.
Ông Hợi cho biết, tại nơi ở mới, ông đã tự làm kiếm tiền để mua tích góp dần đất với tổng diện tích hơn 6 ngàn m2. Ông thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng. Hàng ngày, ông bỏ công sức ra đào ao nuôi cá; làm chuồng trại nuôi gà, vịt và cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây cho năng suất cao như: bí đỏ, mít, chôm chôm… Nhờ cách làm này, gia đình ông có nguồn thu nhập quanh năm để chăm lo cho gia đình được đầy đủ và có điều kiện nuôi dạy các con đàng hoàng.
Không chỉ làm lợi cho gia đình, ông Hợi đã tự nguyện hiến đất cho chính quyền địa phương dùng vào việc xây dựng trạm y tế nhằm phục vụ sức khỏe nhân dân trên địa bàn xã. Tấm lòng vì mọi người của ông đã được lãnh đạo và người dân địa phương rất quý trọng.
Chủ tịch UBND xã Bảo Quang Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm, thời gian tới, xã tiếp tục đầu tư một số cơ sở hạ tầng trên địa bàn, trong đó sẽ tiến hành xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ấp 18 Gia Đình. Đồng thời, xã sẽ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và hỗ trợ cây giống, vật nuôi nhằm giúp bà con có điều kiện làm ăn ngày càng phát triển hơn để trên địa bàn xã nói chung, ấp 18 Gia Đình nói riêng không còn hộ nghèo, cận nghèo.
Vùng đất 18 Gia Đình (ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) hiện đã “thay da đổi thịt”, những vùng đất trống, hoang hóa ngày nào đã thay bằng các vườn cây ăn trái xanh tốt; những căn nhà tranh, vách đất tạm bợ được thay thế bởi các ngôi nhà xây tường kiên cố; những con đường “nắng bụi, mưa lầy” đã thay bằng các con đường nhựa hóa, bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng lên. |
Thành Nhân