Ông Nguyễn Xuân Cương, Trưởng phòng chính sách TBLS (Sở LĐ-TBXH)cho biết: sau ngày miền Nam được giải phóng đến nay,Đồng Nai đã giải quyết cho hơn 37 ngàn trường hợp thương binh liệt sĩ được hưởng chế độ chính sách.
30 năm sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Đồng Nai đã cùng cả nước thu được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Riêng công tác thực hiện chính sách thương binh liệt sĩ (TBLS), tính đến những ngày tháng 4-2005 này, hơn 37 ngàn trường hợp đã được giải quyết chế độ chính sách. Ông Nguyễn Xuân Cương, Trưởng phòng chính sách TBLS (Sở LĐ-TBXH) đã trao đổi với phóng viên báo Đồng Nai về những nét lớn trong công tác này.
Nghĩa trang liệt sĩ Long Thành được nâng cấp với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. |
- Ông Nguyễn Xuân Cương: Thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa (ĐƠĐN) là công việc không chỉ đòi hỏi tinh thần trách nhiệm mà còn cần sự tự nguyện của mỗi người thể hiện lòng biết ơn đối với sự hy sinh, đóng góp cho đất nước của các anh hùng, TBLS và các tầng lớp nhân dân. Chính vì thế nên tất cả các công tác về chính sách TBLS đều được ngành chú trọng và cố gắng giải quyết nhanh chóng. Hiện toàn tỉnh đang thực hiện chế độ chính sách cho hơn 37 ngàn đối tượng chính sách (anh hùng, TBLS, người có công, cán bộ lão thành cách mạng...). Việc lập hồ sơ để xem xét và đưa vào diện phục vụ chính sách được thực hiện gần như 100%. Hiện chỉ còn tồn đọng gần 50 trường hợp. Đó là những trường hợp xác nhận TBLS, tù đày... thiếu người làm chứng (người làm chứng đã chết hoặc không tìm được người làm chứng). Trong năm 2005, chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết dứt điểm những trường hợp này. Việc quy tập hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang cũng được thực hiện gần như cơ bản. Từ năm 2002 đến nay, tỉnh đã tập trung hàng chục tỷ đồng để làm mới và nâng cấp các nghĩa trang liệåt sĩ; làm lại mộ bia mới bằng đá mài, đá granit; trồng cây làm hoa viên... Tính đến nay, các nghĩa trang liệt tỉnh, huyện Định Quán, Long Thành, Thống Nhất đã nâng cấp xong. Đặc biệt là 100% các gia đình chính sách trong tỉnh có tiêu chuẩn Nhà tình nghĩa đã được đáp ứng đầy đủ.
* Việc chú trọng nâng cao đời sống của các gia đình chính sách cũng là mục tiêu hàng đầu trong công tác ĐƠĐN. Thưa ông, về mặt này chúng ta đạt được kết quả ra sao?
- Hiện Đồng Nai không còn hộ chính sách thuộc diện đói nghèo. Từ năm 1995 đến nay, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy - UBND tỉnh, tất cả các chương trình cho vay vốn hoặc hỗ trợ vốn làm ăn đều ưu tiên cho các gia đình chính sách. Bên cạnh đó là việc miễn giảm thuế nông nghiệp, miễn giảm học phí, cấp kinh phí học nghề cho con em gia đình chính sách... cũng được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là có một bức tranh toàn cảnh khả quan cho đời sống các gia đình đối tượng chính sách. Thực tế, sau khi được trợ giúp, nhiều gia đình chính sách cũng có nguy cơ tái nghèo vì không có kinh nghiệm làm ăn hoặc do ốm đau, bệnh tật. Có gia đình chính sách ở nông thôn bây giờ có mức thu nhập không quá 160 ngàn đồng/ người/tháng (quy định mức đói nghèo là 130 ngàn đồng/người/ tháng); có gia đình chính sách ở thành thị có mức thu nhập không quá 200 ngàn đồng/người/tháng (quy định mức đói nghèo là 160 ngàn đồng/người/tháng). Đây là vấn đề khiến chúng tôi phải suy nghĩ. Vì sao với nhiều nguồn hỗ trợ mà đời sống bà con chính sách không khá lên? Có lẽ cuối cùng vẫn là chuyện cần các dự án làm ăn cụ thể được một ngành nghề chức năng nào đó hướng dẫn hoặc trợ giúp cho các gia đình đối tượng chính sách. Còn về vấn đề ốm đau – bệnh tật, phải có hướng trợ giúp khác. Trong số các gia đình chính sách còn khó khăn cũng có nhiều trường hợp cá biệt mà chúng ta cần phải vận dụng cả tình lẫn lý...
* Cụ thể như thế nào, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Như trường hợp anh Sơn, thương binh 2/4 ở xã Phú Sơn (huyện Tân Phú). Anh bị tâm thần với một vợ và 3 con. Xã giải quyết cho vợ anh vay vốn xóa đói – giảm nghèo để mua bán nhưng tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Vì sao vậy ? Bệnh anh Sơn ngày càng nặng, bao nhiêu tiền tích lũy được đều phải dành thuốc men cho chồng. Các con thì bữa đói bữa no. Sau khi khảo sát lại cuộc sống gia đình và bệnh tình của anh Sơn, chúng tôi làm hồ sơ công nhận anh là thương binh 1/4. Khi tiền trợ cấp thương binh tăng lên gấp đôi (1,2 triệu đồng/tháng thay vì 600 ngàn đồng/ tháng như trước kia) và người vợ được hưởng thêm tiền chăm sóc thương binh nặng (292 ngàn đồng/tháng) thì cuộc sống gia đình anh Sơn mới tạm ổn.
* Là người có nhiều năm gắn bó với công tác chính sách TBLS, ông đánh giá như thế nào về tinh thần của các tầng lớp nhân dân tham gia công tác này?
- Có thể nói 30 năm qua, Đồng Nai đã giải quyết cơ bản những tồn đọng chính sách sau chiến tranh. Theo tôi, nguồn lực để thực hiện điều này có từ hai phía: các chính sách của Nhà nước và sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Từ những chính sách và sự đóng góp này, chúng ta mới có nhiều chương trình cho các đối tượng chính sách. Một nguồn vốn khá lớn huy động được dùng vào mua sổ tiết kiệm, xây và sửa chữa hàng ngàn căn nhà tình nghĩa. Cũng từ nguồn huy động đóng góp của toàn xã hội, Nhà nước mới đủ sức mà mở ra hàng loạt chương tình khác cho đối tượng chính sách như: mua bảo hiểm y tế; tập trung nâng cao mức sống hộ chính sách; hỗ trợ cho người kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh; tổ chức cho các đối tượng chính sách, mẹ VN anh hùng đi du lịch, tham quan... Nhiều xã – phường đã trở thành điểm sáng trong công tác chăm sóc đời sống các đối tượng chính sách (toàn tỉnh có 154/171 xã – phường được công nhận làm tốt công tác TBLS). Nhiều địa phương đã giải quyết dứt điểm tồn đọng chính sách như Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch... Chiến tranh đã đi qua ba mươi năm nhưng tôi tin rằng không ai và chưa ai quên sự hy sinh của mỗi người, mỗi nhà vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong mọi lúc, mọi nơi, chúng ta đều có thể khơi gợi lòng biết ơn của mọi người trước sự hy sinh to lớn của anh hùng, liệt sĩ. Vấn đề còn lại là cách khơi gợi như thế nào để mọi người đều thấy mình được hưởng cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, ấm no như hôm nay là kết quả của sự hy sinh to lớn của biết bao anh hùng, liệt sĩ trong đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, thống nhất nước nhà.
* Xin cảm ơn ông.
Đồng Dao (thực hiện)