Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẽ có một Chương trình nghệ thuật truyền thống mang đậm dấu ấn Đồng Nai

11:04, 27/04/2005

NSƯT Giang Mạnh Hà, Tổng đạo diễn của chương trình: Ngay sau lễ mít - tinh trọng thể kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, sẽ là một chương trình nghệ thuật truyền thống được tổ chức khá quy mô, hoành tráng.

Ông Giang Mạnh Hà
Ngay sau lễ mít - tinh trọng thể kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước do tỉnh tổ chức vào chiều hôm nay (28-4) tại Quảng trường tỉnh, sẽ là một chương trình nghệ thuật truyền thống được tổ chức khá quy mô, hoành tráng. NSƯT GIANG MẠNH HÀ - Tổng đạo diễn của chương trình đã dành cho phóng viên báo Đồng Nai cuộc trao đổi trước giờ khai diễn.
* Phóng viên (PV): Ý tưởng xuyên suốt của chương trình được thể hiện dưới hình thức sân khấu hóa này là gì, thưa ông?
- NSƯT Giang Mạnh Hà (GMH): Ngay khi bắt đầu xây dựng kịch bản từ giữa năm ngoái, chúng tôi đã đặt ra tiêu chí đầu tiên của chương trình này là phải thể hiện được tính quy mô, hoành tráng và mang đậm dấu ấn Đồng Nai. Về tổng thể, chúng tôi chia chương trình thành 3 chương lớn. Chương 1 mang tên "Vì miền Nam ruột thịt", tái hiện những hình ảnh tiêu biểu, hào hùng của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại. Chương 2 mang chủ đề "Đồng Nai cùng cả nước bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội". Những công trình, dấu ấn quan trọng, tiêu biểu cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên quê hương Đồng Nai (thủy điện Trị An, những cánh rừng cao su bạt ngàn, khu công nghiệp...); những nét văn hóa đặc sắc, sản vật đặc trưng của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm (Văn miếu Trấn Biên, bưởi Tân Triều...) sẽ được tái hiện trong chương này. Chương 3 với chủ đề "Đồng Nai mở cửa hội nhập, chào đón bạn bè bốn biển năm châu" sẽ khép lại chương trình. Chương này sẽ vang lên tiếng trống của 30 dàn trống và lung linh rực rỡ với 60 dàn cờ ngũ sắc cùng 300 bông hoa thể hiện 30 mùa hoa nở. Tất cả nhằm chuyển tải đến người xem, đến bạn bè quốc tế hồn thiêng sông núi đất Việt và khí phách của dân tộc Việt.
Về quy mô của chương trình, chúng tôi huy động một lực lượng gần 700 nghệ sĩ, diễn viên, các em sinh viên, học sinh của Đồng Nai và TP.HCM tham gia. Sân khấu có diện tích khoảng 20mx20m, phông nền có thể chuyển động lên xuống bởi hệ thống máy kéo. Lần đầu tiên ở Đồng Nai, chúng tôi sử dụng ánh sáng lazer vào phục vụ biểu diễn, cùng một dàn máy phóng hình ảnh kỹ thuật cao thể hiện một số hình ảnh như xe tăng tiến vào dinh Độc Lập, hình ảnh chim Lạc, Văn miếu Trấn Biên, thác thủy điện Trị An...
* PV: Trước đây, việc tái hiện truyền thống, lịch sử dưới hình thức sân khấu hóa đã có nhiều đạo diễn thực hiện. Ông làm gì để chương trình này không bị lặp lại một số thủ pháp thể hiện quen thuộc?
- NSƯT GMH: Dù là sân khấu hóa cũng phải chuyển tải bằng các tác phẩm nghệ thuật. Chúng tôi muốn tránh những gì mà người ta đã làm trước đó. Sân khấu của chương trình sẽ không có những cảnh khói lửa, bom đạn hay những hình ảnh tang thương, thể hiện quan điểm, cách nhìn của chúng ta là khép lại quá khứ và hướng tới tương lai. Những thủ pháp được nhiều người dùng trước đây như diễn kịch, hát cải lương, các nhân vật ra diễn chung với nhau như trên sân khấu, dùng nhạc không lời... chúng tôi cũng tránh dùng. Xuyên suốt chương trình sẽ là những ca khúc đã một thời gắn bó máu thịt với các thế hệ cha anh, những ca khúc hát về quê hương Biên Hòa - Đồng Nai. Kết nối các tiết mục cũng không phải bằng những lời bình viết theo thể văn xuôi, lời bình dùng trong thể loại phóng sự hay lời hiệu triệu... mà chúng tôi thể hiện toàn bộ lời bình dưới hình thức thơ hoặc những đoạn văn mang âm hưởng, ngữ điệu của thi ca. Khi MC đọc lên sẽ có vần điệu, tính nhạc, tạo sự gần gũi đối với khán giả. Hy vọng, hình thức này khi được kết hợp với vẻ đẹp của múa, của dàn ánh sáng lazer lung linh sắc màu, sẽ tạo được sự xúc động và khơi dậy lòng tự hào dân tộc nơi người xem.
Hình ảnh trong đêm tổng duyệt vào tối 27-4


* PV: Thực hiện một chương trình khá lớn như thế này, ông gặp phải những trở ngại nào?
- NSƯT.GMH: Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là Đồng Nai không đủ lực lượng nghệ sĩ chuyên nghiệp. Chính vì vậy mà cùng một lúc, chương trình phải điều một lực lượng tham gia biểu diễn gồm 16 đơn vị của TP.HCM và Đồng Nai. Trong vai trò tổng đạo diễn của chương trình, tôi đã phải chạy đi chạy về như con thoi giữa Đồng Nai và TP.HCM để theo dõi việc tập luyện của các đoàn và góp ý các tiết mục sao cho phù hợp với tổng thể của chương trình. Và cũng từ công tác tổ chức của chương trình này, tôi nghĩ rằng Đồng Nai vẫn có thể tự dàn dựng một chương trình nghệ thuật có quy mô lớn mà không cần nhờ đến các đạo diễn từ Hà Nội và TP.HCM.
*PV: Xin cảm ơn ông.
             Minh Chánh (Thực hiện)

Tin xem nhiều