Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về việc phối hợp với các tỉnh miền Tây Nam bộ trong việc đào tạo và giới thiệu lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai, cuối tháng 3 vừa qua, một đoàn công tác của tỉnh gồm đại diện Sở LĐ-TBXH, Ban quản lý các KCN Đồng Nai và đại diện một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đã đến làm việc với các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh. Qua làm việc với các cơ quan chức năng tại các tỉnh nói trên, đoàn công tác của tỉnh đã ghi nhận nhiều vấn đề. Phóng viên báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông LÂM DUY TÍN, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Đồng Nai sau chuyến công tác.
Ở một phân xưởng thuộc công ty Rostaing (KCN Biên Hòa II) |
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về việc phối hợp với các tỉnh miền Tây Nam bộ trong việc đào tạo và giới thiệu lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai, cuối tháng 3 vừa qua, một đoàn công tác của tỉnh gồm đại diện Sở LĐ-TBXH, Ban quản lý các KCN Đồng Nai và đại diện một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đã đến làm việc với các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh. Qua làm việc với các cơ quan chức năng tại các tỉnh nói trên, đoàn công tác của tỉnh đã ghi nhận nhiều vấn đề. Phóng viên báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông LÂM DUY TÍN, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Đồng Nai sau chuyến công tác.
* Phóng viên (P.V): Mục đính chính của đoàn công tác trong chuyến đi này là gì, thưa ông?
- Ông Lâm Duy Tín (Ô. L.D.T.): Tìm lao động cho Đồng Nai từ nguồn lao động dồi dào, chưa được khai thác hết của các tỉnh miền Tây Nam bộ là mục đích chung của chuyến đi. Ngoài đại diện các sở, ngành liên quan của tỉnh, chúng tôi chọn 3 công ty cùng tham gia với đoàn là: Taekwang Vina, Hwaseung Vina và Changshin. Đây là các doanh nghiệp thuộc ngành may giày da và may công nghiệp nói chung. Hiện tại, ở các KCN trên địa bàn Đồng Nai, nguồn lao động ngành may đang thiếu trầm trọng và không còn khả năng tìm được người lao động tại chỗ. Chỉ riêng 3 doanh nghiệp này hiện đang thiếu hơn 10 ngàn lao động. Ngoài những vấn đề cơ bản của thị trường lao động các tỉnh bạn mà chúng tôi cần nắm được để có hướng liên kết sau này, đoàn công tác còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp trên tiếp thị và đưa ra những yêu cầu tuyển dụng lao động tại chỗ.
* P.V: Qua chuyến công tác, ông có thể cho biết những đặc điểm cơ bản của thị trường lao động ở các tỉnh bạn so với thị trường lao động Đồng Nai?
- Ô. L.D.T.: Do đặc điểm riêng của từng vùng miền khác nhau nên thị trường lao động các tỉnh bạn có nhiều điểm khác thị trường lao động Đồng Nai. Ở những tỉnh mà đoàn công tác chọn tiếp cận lần này hầu hết chưa có những KCN lớn, nguồn lao động chủ yếu gắn bó với nghề nông. Nhưng điểm chung của thị trường lao động Đồng Nai và các tỉnh miền Tây Nam bộ là đều có nghịch lý thừa - thiếu lao động. Một số không ít lao động được xem là thất nghiệp nhưng không có nhu cầu tìm việc, bởi họ có người thân ở nước ngoài chu cấp. Thời gian nhàn rỗi trong lao động nông nghiệp ở các tỉnh miền Tây Nam bộ chiếm tỉ lệ khá cao (khoảng 30%) nhưng nhiều người không có ý tận dụng khoảng thời gian nhàn rỗi này. Tâm lý của bà con nông dân là sợ làm xa nhà, ngại tiếp cận với lao động công nghiệp... Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, các tỉnh bạn rất nỗ lực trong việc giải quyết việc làm theo các chương trình 120, xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động... Đặc biệt, hàng năm, mỗi tỉnh đều có kế hoạch đưa từ 5 đến 10 ngàn lao động đến làm việc ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ.
* P.V: Từ những đặc điểm đó, đoàn đã đề ra những giải pháp gì để phối hợp với các tỉnh bạn trong việc điều tiết và cân đối cung - cầu lao động?
- Ô. L.D.T.: Những giải pháp phối hợp được đề ra trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Giữa các ngành chức năng của Đồng Nai và Sở LĐ-TBXH các tỉnh đã thống nhất sẽ có sự trao đổi thường xuyên. Theo đó, hai bên sẽ trao đổi với nhau về tình hình lao động, thông tin kịp thời các nhu cầu tuyển dụng, việc làm và thu nhập của người lao động. Các tỉnh bạn sẽ cập nhật, thông tin tình hình việc làm ở Đồng Nai để từ đó chỉ đạo cho các địa phương có nhiều lao động chưa có việc làm chuẩn bị nguồn lao động để kịp thời cung ứng khi các KCN Đồng Nai có nhu cầu...
* P.V: Về phía các doanh nghiệp cùng đi với đoàn công tác lần này, họ đã gặt hái được những gì, thưa ông?
- Ô. L.D.T.: Thông qua các Trung tâm dịch vụ việc làm của các tỉnh, trong các buổi tiếp xúc, trao đổi, các doanh nghiệp Đồng Nai đã có cơ hội trình bày khá kỹ nhu cầu tuyển dụng. Nhu cầu này không cao so với thực lực nguồn lao động ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Trong đó, 3 doanh nghiệp Taekwang Vina, Hwaseung Vina và Changshin đang cần tuyển hơn 10 ngàn lao động nữ (tuổi từ 18-40), không cần trình độ chuyên môn (doanh nghiệp sẽ đào tạo sau khi tuyển dụng), trình độ văn hóa chỉ cần biết đọc, biết viết. Không những thế, lao động còn được trả 200 ngàn đồng tiền tàu xe lần đầu đến với doanh nghiệp, được hỗ trợ 100 ngàn đồng tiền nhà ở trong thời gian chờ hoàn tất công tác tuyển dụng. Làm việc tại các doanh nghiệp này, mức lương khởi điểm từ 600 - 650 ngàn đồng/ tháng... Các doanh nghiệp còn có những điểm riêng để cạnh tranh trong tuyển dụng như: Công ty Hwaseung Vina sẽ ký hợp đồng lao động chỉ sau 6 ngày thử việc, Công ty Changshin không cần lao động biết đọc, biết viết (cam kết thực hiện xóa mù chữ cho công nhân sau 6 tháng vào làm việc)...
* P.V: Liệu những tiêu chuẩn tuyển dụng lao động khá thoáng và khá hấp dẫn này có được các Trung tâm dịch vụ việc làm ở các tỉnh bạn hào hứng đón nhận?
- Ô. L.D.T.: Đương nhiên là mọi người đều vui vẻ, phấn khởi. Vấn đề còn lại là, các trung tâm này sẽ tiếp cận người lao động theo cách nào để bà con hiểu ra vấn đề mà chọn lựa và yên tâm khi về Đồng Nai làm việc. Các vấn đề còn lại phía sau việc tuyển dụng như: phí tuyển dụng, phí đưa lao động về Đồng Nai... các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng của Đồng Nai đều đảm bảo chi trả đầy đủ cho các cơ quan tỉnh bạn. Nói chung, chuyến công tác mở ra một sự kết hợp tuyệt vời để giải quyết cung - cầu lao động và những vấn đề xã hội về lao động cho cả bốn phía: người lao động, nhà tuyển dụng, hai địa phương đối tác. Khi đoàn công tác trở về chưa được một tuần lễ, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Kiên Giang đã chuyển cho công ty Changshin 30 lao động đủ điều kiện tuyển dụng theo yêu cầu doanh nghiệp. Phát huy thắng lợi này, hướng tới, Tỉnh ủy - UBND tỉnh chỉ đạo chúng tôi tiếp tục đưa các đoàn công tác ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc để đặt vấn đề tuyển dụng lao động...
P.V: Xin cảm ơn ông.
Ảnh: Các Sở, ngành chức năng ở Đồng Nai đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tại các KCN trong việc tuyển dụng lao động.
Đồng Dao (thực hiện)