Báo Đồng Nai điện tử
En

Hê thống cảng Đồng Nai cần được tiếp tục đầu tư

09:05, 23/05/2005

Mới đây, Cảng Đồng Nai vừa "bắt tay liên kết" với Công ty TNHH TPC Vina (KCN Gò Dầu) để vay 1,5 triệu USD xây dựng thêm cầu cảng mới 15.000 tấn phục vụ cho nhu cầu bốc dỡ hàng hóa của cụm KCN Gò Dầu và vùng lân cận.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến.

Mới đây, Cảng Đồng Nai vừa "bắt tay liên kết" với Công ty TNHH TPC Vina (KCN Gò Dầu) để vay 1,5 triệu USD xây dựng thêm cầu cảng mới 15.000 tấn phục vụ cho nhu cầu bốc dỡ hàng hóa của cụm KCN Gò Dầu và vùng lân cận. Nói "bắt tay liên kết" là vì số vốn mà TPC Vina cho cảng mượn sẽ không phải trả lãi. Số tiền gốc này sẽ được trừ dần vào phí mà TPC Vina  sử dụng cảng trong thời hạn hoạt động tại KCN Gò Dầu. Ngược lại, TPC Vina chỉ yêu cầu được ưu tiên cho tàu cập cảng và  bốc dỡ hàng nhanh. Đây là một cách tạo vốn phát triển rất có lợi cho cả hai bên. Nhân dịp này, phóng viên báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn giám đốc cảng Đồng Nai Nguyễn Mạnh Tiến.

 

Phát triển vẫn chưa ngang tầm

* Phóng viên : Thưa ông, việc TPC Vina cho cảng Đồng Nai vay vốn phát triển cầu cảng là một cách tạo vốn cho doanh nghiệp, nhưng nếu như không có nguồn vốn này thì với đà phát triển các KCN, trong đó có KCN Gò Dầu và các vùng lân cận, chẳng lẽ cảng Đồng Nai đành ngồi chờ "phép mầu" nào hay sao?

- Ông Nguyễn Mạnh Tiến: Việc TPC ViNa cho Cảng Đồng Nai vay vốn để xây dựng thêm cầu cảng 15.000 tấn là cách tìm nguồn vốn sáng tạo của DN để xây dựng cảng theo đúng qui hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt. Nếu Công ty TPC ViNa không cho vay thì cảng vẫn tiếp tục đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác để phát triển, nhưng so sánh việc vay tiền của Công ty TPC ViNa là hiệu quả hơn vì vay không tính lãi, còn vay các nguồn khác, kể cả vốn ODA thì phải trả cả gốc và lãi. Nếu tính theo các nguồn vốn khác, kể cả vốn tự có thì hiệu quả việc vay TPC Vina này sẽ có lợi hơn nhiều. Mặt khác, nếu họ cho vay thì buộc họ phải mở rộng đầu tư vào khu vực Gò Dầu và kết quả vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh hàng năm sẽ tăng lên đồng thời lượng hàng hóa thông qua cảng sẽ tăng cao. Ở đây, chỉ tính lượng hàng bổ sung của Công ty TPC Vina 1 năm thông qua cảng khoảng 250.000 tấn, trong khi qui hoạch chưa tính đến. Chính vì Công ty TPC ViNa không những đã cho vay tiền để xây dựng cảng, mà còn tự đưa thêm 250.000 tấn hàng hóa nhập khẩu qua cảng từ đó sản lượng tăng lên, dẫn đến tăng doanh thu, nộp ngân sách tăng và qui mô của cảng ngày càng phát triển.

* Nếu muốn có một cái nhìn thật khách quan về hoạt động của cảng trên địa bàn Đồng Nai, ông sẽ đưa ra nhận định gì? Và hệ thống cảng của Đồng Nai có đáp ứng cho nhu cầu phát triển?

- Qua số liệu tính toán và thực tế theo dõi thì tốc độ tăng trưởng hàng hóa thông qua cảng tại khu vực Gò Dầu là 15-20%/năm. Chính vì mức tăng trưởng hàng hóa thông qua cao như vậy nên các cầu cảng hiện hữu như hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu hàng hóa thông qua. Bởi vậy, một số chủ hàng của tỉnh Đồng Nai và khu vực phải chuyển về các cảng ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, từ đó làm giảm tốc độ tăng trưởng. Sau khi triển khai dự án xây dựng cầu cảng 15.000 tấn, cảng Đồng Nai sẽ tiếp tục thuê Công ty tư vấn thiết kế phía Nam của Bộ GTVT thiết kế mở rộng cầu cảng Gò Dầu A để tiếp nhận cho tàu 10.000 tấn. Đồng thời, chuẩn bị  xây dựng một bến cảng sát với ranh giới Vũng Tàu bằng vốn huy động từ việc phát hành cổ phiếu vào cuối năm 2005 hoặc đầu năm 2006, khi Cảng Đồng Nai đã hoàn thành việc cổ phần hóa.

Tàu cập bến cảng Đồng Nai.

* Chỉ riêng cảng Gò Dầu, chúng ta còn thiếu khoảng 3 cầu cảng có năng lực 15.000 tấn/cầu, vậy dự kiến cả hệ thống cảng ở Đồng Nai, chúng ta cần năng lực khoảng bao nhiêu?

- Theo nhận định của chúng tôi thì hoạt động của cảng Đồng Nai hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương và khu vực. Vì theo qui hoạch của Chính phủ, ngoài cảng Đồng Nai ra, tỉnh cũng tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng tiếp hệ thống cảng Phú Hữu và cảng Phước An thuộc huyện Nhơn Trạch. Tại 2 khu vực này, các cảng có khả năng tiếp nhận tàu biển có trọng tải lớn 30.000 tấn trở lên. Nếu xây dựng được các cảng ở đây sẽ có hiệu quả kinh tế rất cao, nhưng vốn đầu tư cũng sẽ rất lớn. Hiện nay đã có một số DN trong nước đang đăng ký đầu tư. Cảng Đồng Nai hiện chưa có đủ điều kiện để bốc dỡ hàng container (đây là nhu cầu rất cần thiết để nâng cao hiệu quả kinh doanh của cảng vì chỉ có cảng container mới đáp ứng được XNK và có hiệu quả cao). Chúng tôi cũng đang gặp khó khăn là chưa được tỉnh đầu tư xây dựng con đường vào cảng tại khu vực Long Bình Tân  (TP.Biên Hòa). Nếu cảng Đồng Nai được đầu tư con đường này thì cảng sẽ làm được hàng container cho hiệu quả  rất cao. Nhưng hiện nay do thiếu vốn, DN chỉ có khả năng đầu tư kho tàng bến bãi để phục vụ xếp dỡ hàng hóa, còn việc xây dựng con đường vào cảng dự kiến khoảng 30 tỷ đồng thì rất cần được tỉnh hỗ trợ tạo nguồn vốn đầu tư.

Để có thể vươn lên vỊ trí thứ 4 trong cả nước

* Quy hoạch phát triển cảng đến năm 2020, 2030 và hơn thế nữa, vị thế cảng Đồng Nai sẽ đứng ở đâu trong bản đồ hệ thống cảng? Và điều gì làm cho những nhà kinh doanh cầu cảng như  các ông phải bận tâm?

- Theo qui hoạch từ nay đến năm 2010 thì hệ thống cảng của Đồng Nai sẽ đứng ở vị trí thứ 4 trong tổng số 42 cảng của cả nước, chỉ sau cảng Sài Gòn, Hải Phòng và Đà Nẵng. Nhưng nói về sản lượng xếp dỡ hàng hóa thông qua 1 mét dài cầu thì Cảng Đồng Nai bằng hoặc cao hơn cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng,... Trong đó,  sản lượng hàng hóa thông qua khu vực Đồng Nai hàng năm lên tới 10 triệu tấn hàng. Để đáp ứng được lượng hàng hóa trên, Nhà nước phải đầu tư hàng trăm triệu USD xây dựng cảng mới đáp ứng nổi nhu cầu phát triển kinh tế chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam .

* Ông có nhắc đến cổ phần hóa cảng Đồng Nai, vậy kế hoạch chuyển từ sở hữu Nhà nước sang hình thức cổ phần, theo ông, có phải là một giải pháp tích cực góp phần vào việc thúc đẩy kinh doanh hệ thống cảng được tốt hơn?

- Theo quyết định của UBND tỉnh thì cảng Đồng Nai chậm nhất là tháng 9-2005 phải thực hiện cổ phần hóa xong. Đây là chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi cách quản lý để nâng cao hiệu quả SX-KD, đồng thời huy động được các nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư vào cảng góp phần thúc đẩy SX-KD tăng trưởng cao và có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, bốc xếp của các DN trong địa bàn tỉnh và khu vực.

* Xin cảm ơn ông.

 Kim Loan (Thực hiện)

 

Tin xem nhiều