Báo Đồng Nai điện tử
En

Sau 5 năm hoạt động,Quỹ ĐTPT Đồng Nai khẳng định được mô hình thí điểm về cơ chế huy động vốn và đầu tư linh hoạt

09:05, 30/05/2005

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5-2000 cho đến nay là vừa đúng 5 năm, Quỹ đầu tư phát triển (ĐTPT) Đồng Nai đã khẳng định được mô hình thí điểm về cơ chế huy động vốn và đầu tư linh hoạt, hiệu quả để thực hiện các mục tiêu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5-2000 cho đến nay là vừa đúng 5 năm, Quỹ đầu tư phát triển (ĐTPT) Đồng Nai đã khẳng định được mô hình thí điểm về cơ chế huy động vốn và đầu tư linh hoạt, hiệu quả để thực hiện các mục tiêu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương. Nhân dịp này, phóng viên báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quyền giám đốc Quỹ ĐTPT Đồng Nai.

 

* Từ huy động vốn, cho vay đến đầu tư trực tiếp và phát hành trái phiếu công trình

 

* Phóng viên : Qua 5 năm  với tên Quỹ ĐTPT, bà đánh giá hoạt động của Quỹ như thế nào?

- Bà Nguyễn Thị Thu Hương: Quỹ ĐTPT với nhiệm vụ được giao là tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư của tỉnh, huy động các nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư phát triển KT-XH của địa phương. Trong đó có các dự án: sản xuất, chế biến nông-lâm thủy sản, sản xuất hàng xuất khẩu, cơ khí, điện và điện tử, vật liệu mới, công nghệ sinh học, các dự án sử dụng nhiều lao động, tăng thu nhiều cho ngân sách, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH... Có thể nói, về cơ bản Quỹ ĐTPT hoạt động đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần vào chưong trình phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, tạo động lực thu hút nguồn vốn tập trung phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương và là đầu mối liên kết giữa nhà đầu tư với chính quyền địa phương với mục đích phát triển có trọng tâm chiến lược. Song song với các tổ chức tài chính,  các đơn vị đầu tư hạ tầng, Quỹ ĐTPT đã từng bước khẳng định vai trò là công cụ tài chính đắc lực của địa phương và thông qua hoạt động của mình đã góp phần tạo kênh huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển KT-XH tại Đồng Nai.

* Bà có thể nói rõ hơn về hoạt động của Quỹ ĐTPT?

- Sau 5 năm hoạt động (2000 - 2005), Quỹ có vốn điều lệ ngân sách cấp là 130 tỷ đồng nhưng doanh số cho vay của Quỹ đã đạt hơn 932 tỷ đồng. Để có được con số này, Quỹ đã phải tổ chức huy động vốn của khách hàng trong nước và các chủ dự án, với tổng mức hơn 738 tỷ đồng; dư nợ vốn huy động hàng năm bình quân ở mức 100-150 tỷ đồng. Không chỉ cho vay, Quỹ ĐTPT cũng đã tổ chức đầu tư trực tiếp theo hình thức là chủ dự án, hợp tác kinh doanh và góp vốn liên doanh thành lập doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Hiện nay có 2 công trình về khu dân cư ở Hóa An và Long Thành mà Quỹ ĐTPT đang xin giới thiệu địa điểm để đầu tư trực tiếp 100% vốn. Ngoài ra, chúng tôi  còn góp vốn vào công trình khu dân cư Bửu Long, Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành, Công ty cổ phần địa ốc Sonadezi. Như vậy, Quỹ đã chuyển hóa đầu tư, thu hút rộng rãi các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế và cũng góp phần vào việc phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn, làm sinh sôi đồng vốn.

* Những đối tượng nào là khách hàng của Quỹ ĐTPT?

- Đối tượng khách hàng của Quỹ là tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh cá thể thuộc các thành phần kinh tế đóng trên địa bàn (trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Các đối tượng trên, nếu được Quỹ đầu tư vốn phải hội đủ một số điều kiện cụ thể như: phải có tư cách pháp nhân, có dự án hoặc phương án đầu tư cụ thể, có hiệu quả kinh tế và xã hội, có năng lực quản lý sản xuất kinh doanh và phải có tài sản thế chấp đảm bảo theo quy định hiện hành. 5 năm qua, Quỹ đã thẩm định cho vay trên 600 dự án, phương án với tổng doanh số trên 932 tỷ đồng. Quỹ luôn bảo đảm giải ngân kịp thời nguồn vốn cho vay các dự án theo tiến độ hoàn thành dự án của chủ đầu tư; đặc biệt là các dự án theo chương trình phát triển KT-XH của địa phương như điện khí hóa  nông thôn, các dự án sản xuất hàng xuất khẩu...

* Hiện nay,  Quỹ ĐTPT đang có xu hướng huy động vốn để thực hiện các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn cho các công trình. Khả năng về xu hướng này ở Đồng Nai như thế nào, thưa bà?

- Quý IV/2004, Quỹ ĐTPT được tỉnh giao nhiệm vụ phát hành trái phiếu công trình hồ chứa nước Cầu Mới, với khối lượng phát hành 243,8 tỷ đồng và thực tế, đến ngày 30-4-2005 đã thực hiện hoàn thành chỉ tiêu phát hành trái phiếu cho công trình này. Có thể nói, tuy phát hành trái phiếu vào thời điểm không mấy thích hợp, lại cập rập nhưng Quỹ cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng của trung ương và tỉnh để làm tốt khâu chuẩn bị nhằm triển khai có hiệu quả. Qua đó cũng là bài học kinh nghiệm để  Quỹ có thể  tổ chức các đợt phát hành trái phiếu trong tương lai, phục vụ việc huy động vốn cho các công trình phát triển KT-XH của địa phương. Trong thời gian qua, Quỹ đã tiếp xúc với tổ chức Ngân hàng thế giới nhằm tranh thủ nguồn vốn nước ngoài, với lãi suất thấp và thời gian dài, nhằm ổn định nguồn vốn đầu tư chiến lược phát triển hạ tầng KT-XH của địa phương.

* Khó khăn lớn nhất vẫn là chưa có khung pháp lý cho "mô hình thí điểm" này

* Với hoạt động ngày càng mở rộng, sắp tới Quỹ có nhảy qua lĩnh vực thị trường chứng khoán?

- Từ khi hình thành, Quỹ đã có định hướng phát triển lĩnh vực này nhằm khai thác những tiềm năng và hiệu quả do thị trường chứng khoán mang lại. Tuy nhiên, do thực tế thời gian qua thị trường này có khó khăn và chưa phát triển sôi động, kiến thức kinh doanh trong lĩnh vực này cũng phần nào hạn chế nên hiện nay Quỹ chưa thể chủ động tham gia triệt để. Về định hướng lâu dài có thể nói đây là một thị trường tiềm năng, nơi thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trong xã hội. Theo đó, để đẩy mạnh thị trường này thì Quỹ cần phải có bước chuẩn bị tốt về con người, kiến thức, vật chất và kỹ thuật để đến khi đạt được các yếu tố và điều kiện chín muồi Quỹ sẽ tổ chức thực hiện.

* Thưa bà, Quỹ ĐTPT sẽ phát triển như thế nào trong tương lai, liệu có cần sự bao cấp của Nhà nước hay tự hạch toán kinh doanh?

- Từ khi hình thành và qua thời gian hoạt động 5 năm, Quỹ đã tự gắn thu bù chi và hoạt động có lãi, đã bảo toàn và phát triển được vốn, tức là đã tự hạch toán kinh doanh. Cách nay mấy tháng, khi làm việc với chuyên gia Ngân hàng thế giới (World Bank), Quỹ ĐTPT Đồng Nai cũng đã được đánh giá cao về xu hướng hoạt động tự hạch toán kinh doanh.  Định hướng phát triển trong thời gian tới của Quỹ ĐTPT Đồng Nai là: tăng cường huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phát triển KT-XH; đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương; chú trọng tăng tỷ lệ đầu tư trực tiếp và giảm tỷ lệ đầu tư gián tiếp để nâng cao hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn;  đồng thời hạn chế rủi ro; tham gia phát hành trái phiếu địa phương (khi có điều kiện)  nhằm huy động vốn cho các dự án, công trình thuộc nguồn vốn đầu tư của ngân sách địa phương; hoàn chỉnh cơ chế cho vay và thu hồi nợ, tạo hành lang pháp lý hoạt động của Quỹ; tổ chức việc thực hiện bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; tham gia hoạt động thị trường vốn, thị trường chứng khoán; kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực chuyên môn và chuyên nghiệp cho đội ngũ CBCNV.

* Và khó khăn nào mà Quỹ phải vượt qua? 

- Theo tôi được biết, cả nước hiện có 13 Quỹ ĐTPT, trong đó có 5 Quỹ hoạt động độc lập, 8 Quỹ do các chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển kiêm nhiệm. Có thể nói hoạt động của các Quỹ ĐTPT thời gian qua là một mô hình thí điểm cho các địa phương xây dựng một cơ chế huy động vốn và đầu tư linh hoạt, hiệu quả để thực hiện các mục tiêu đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH của điạ phương. Nhưng hiện nay Nhà nước chưa xây dựng được hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động của các Quỹ. Trong quá trình hoạt động, Quỹ phải vận dụng các quy định hiện hành cho phù hợp với hoạt động của mình. Vì vậy, khó khăn nhất hiện nay là khung pháp lý cho hoạt động của Quỹ.

* Xin cám ơn bà.

Kim Loan (thực hiện)

 

Tin xem nhiều