Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho các xã khó khăn phát triển...

10:05, 18/05/2005

Nhân lễ công bố hoàn thành chương trình 135 được tổ chức vào dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2005) phóng viên báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông ĐOÀN HẢI, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, kiêm Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình 135 của tỉnh về những kết quả đạt được từ chương trình này...

 

Các đ/c lãnh đạo ở trung ương và địa phương thăm bà con dân tộc Châu Ro tại xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc) 

            Thực hiện Quyết định 135/1998/QĐ-TTg, ngày 31/07/1998, của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã ĐBKK, miền núi và vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135), trong 5 năm qua (2001-2005), Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã đưa Chương trình này vào Nghị quyết hàng năm, nhằm mục tiêu hỗ trợ toàn diện cho người dân trong vùng để họ có điều kiện phát triển kinh tế, thoát cảnh đói nghèo. Nhân lễ công bố hoàn thành mục tiêu chương trình 135 trên địa bàn toàn tỉnh được tổ chức vào dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 -19-5-2005), phóng viên báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông ĐOÀN HẢI, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, kiêm Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình 135 của tỉnh về những kết quả đạt được từ chương trình này...

*Phóng viên : Thưa ông, trong 5 năm qua, Chương trình 135 đã hỗ trợ được gì cho 16 xã ĐBKK?

             -Ông Đoàn Hải : Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đã xác định, việc hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nhằm tạo điều kiện cho các xã ĐBKK của tỉnh hoàn thành mục tiêu chương trình 135 vào năm 2005 là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, trong 5 năm (2001-2005), tổng nguồn vốn đầu tư dành cho các xã ĐBKK của tỉnh đã lên đến gần 761 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ chương trình 135 chiếm gần 78 tỷ đồng và vốn "lồng ghép" các chương trình do các cấp, các ngành trung ương, địa phương đầu tư (kể cả vốn tài trợ WB2, dự án vùng đệm Vườn quốc gia Cát Tiên và vốn do nhân dân đóng góp) lên tới gần 683 tỷ đồng...Các nguồn vốn này chủ yếu được dành ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm và các công trình cấp nước, thủy lợi...); tổ chức quy hoạch, sắp xếp, định canh định cư; hỗ trợ giống cây trồng-vật nuôi, phát triển các làng nghề truyền thống và đưa văn hóa-thông tin về cơ sở. Ngoài ra, để "dưỡng sức dân", đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ nghèo ở các xã ĐBKK, miền núi, vùng sâu, vùng xa, tỉnh cũng đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, trong đó có cả việc trợ cấp không thu tiền 4 mặt hàng thiết yếu như: dầu thắp sáng, muối i-ốt, tập vở học sinh, bảo hiểm y tế (BHYT); cho vay lãi suất thấp (0,45%/tháng) và miễn thuế nông nghiệp, thuế nhà đất và các nguồn học phí, xã hội hóa khác...

           

            * Kết quả, đến nay 16 xã đặc biệt khó khăn đã thực sự vượt qua được khó khăn chưa, thưa ông?

 

            -Do các xã ĐBKK đều nằm ở những vùng xa xôi, cơ sở hạ tầng còn yếu kém nên trước khi thực hiện chương trình 135, đời sống-sản xuất của số đông dân cư trong vùng còn ở mức thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao (bình quân chiếm 29,5%), cá biệt có những xã như: Đắc Lua (huyện Tân Phú), Thanh Sơn (huyện Định Quán) có tới 60-70% dân số thuộc diện đói nghèo... Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện chương trình 135, nhờ "dưỡng sức dân" bằng các chính sách ưu đãi kể trên và nhờ phần lớn các công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư hoàn chỉnh đã góp phần thúc đẩy đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, nhiều địa phương đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, rút ngắn dần khoảng cách nông thôn với thành thị. Số hộ đói, nghèo, nhờ đó đã giảm xuống rất nhanh. Có những xã như: Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú), Xuân Thiện (huyện Thống Nhất), Hàng Gòn (TX Long Khánh), Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ), xã Đồi 61, Sông Trầu (huyên Trảng Bom)..., tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn dưới 4%. Cho nên, theo đánh giá của chúng tôi, đây là một chương trình có hiệu quả nhất vì đã đi vào lòng dân, củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước...

          

            *Nhưng chương trình 135 rõ ràng chỉ "nặng" về đầu tư cơ sở hạ tầng và "nhẹ" về đầu tư phát triển sản xuất, nhất là vẫn chưa tạo được điều kiện tốt nhất cho các xã ĐBKK chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển nguồn nhân lực?  

           

            - Chúng tôi nói Chương trình 135 có hiệu quả, bởi thông qua chương trình này chúng ta chủ yếu tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng và thực tế đã nâng cao được "mặt bằng chung", tạo "nền móng" tương lai cho các xã ĐBKK phát triển. Tuy nhiên, để giúp cho các xã này (kể cả các xã còn khó khăn khác trên địa bàn toàn tỉnh) phát triển căn cơ và bền vững, đòi hỏi phải tiếp tục có kế hoạch duy trì và phát triển năng lực sản xuất...

           

            *Nghĩa là phải có một Chương trình "hậu 135", thưa ông?

 

             -Đúng vậy. Hiện nay, ngoài việc duy trì các chính sách "dưỡng sức dân" (như cấp miễn phí BHYT, tập vở học sinh, miễn thuế nông nghiệp, thuế nhà đất cùng các khoản đóng góp khác cho các hộ đồng bào dân tộc, hộ  nghèo...) và tiếp tục đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu (như: điện, đường, cấp nước, thủy lợi...) cho 99 ấp thuộc 61 xã và khu vực còn khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh (trong đó có cả 16 xã vừa hoàn thành Chương trình 135), sắp tới chúng ta cũng cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về đất đai, nhà ở; hướng dẫn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung ứng giống cây trồng-vật nuôi và đẩy mạnh đào tạo nghề theo kiểu "cầm tay chỉ việc" nhằm giúp cho các hộ nghèo, nhất là đối với bà con dân tộc ít người, có được "cần câu" để họ có thể tự "câu cá" kiếm sống, làm giàu...

 

             *Vậy, theo ông, đâu là các giải pháp để thực hiện tốt mục tiêu này?

 

            -Chúng ta có một thuận lợi rất lớn là ngay từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg về các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc ít người. Cho nên, bên cạnh tổ chức thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt, chúng ta cần tiếp tục quy hoạch, xây dựng ổn định các khu dân cư, nhất là khu dân cư vùng đồng bào dân tộc ít người để tạo điều kiện tập trung đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng (làm đường giao thông, điện, nước, trường học...), mở cuộc vận động xây dựng nhà tình thương để giải quyết nhà ở cho các hộ nghèo là bà con dân tộc ít người. Trong đó có cả việc tiếp tục triển khai "lồng ghép" các chương trình kết hợp của các ngành; tiến hành xây dựng một số dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt), tiểu thủ công nghiệp; khôi phục các làng nghề truyền thống và tăng cường đào tạo nghề, nhất là đối với bà con dân tộc ít người ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa để giải quyết  lao động tại chỗ, kể cả việc tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con dân tộc ít người vào làm việc tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, ngay từ bây giờ, việc tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí, cần phải được chú ý tới, nhất là đối với các đối tượng là bà con dân tộc ít người, nhằm phấn đấu để mỗi ấp, mỗi xã, nơi có bà con sinh sống phải có cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn (về y tế, khuyến nông...) là bà con dân tộc ít người...

 

            * Xin cảm ơn ông.

Hoàn Vũ (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều