Đồng Nai là địa bàn mà các nhà kinh doanh tiền tệ hoạt động Việt Nam đang tìm cách mở rộng quy mô hoạt động cũng như tầm ảnh hưởng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thơm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai xung quanh vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Thơm |
Sự cạnh tranh trong kinh doanh tiền tệ, tín dụng ngày càng gay gắt
* Phóng viên: Thưa bà, hoạt động tín dụng, tiền tệ trên địa bàn Đồng Nai đang khá sôi động, nó không còn là bóng dáng của riêng các Ngân hàng thương mại Nhà nước, bà nghĩ sao về điều này?
- Bà Nguyễn Thị Thơm: Đúng như vậy. Có lẽ đây là địa bàn được xem là "nóng" trong khu vực do tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm cao, nhu cầu vốn cho việc phát triển kinh tế ngày một tăng với phần lớn các tổ chức kinh tế làm ăn có hiệu quả, đã tạo nên môi trường thuận lợi để các ngân hàng (NH) hoạt động. Hệ thống NH ở Đồng Nai đến nay đã có: 6 chi nhánh cấp I Ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước, 1 chi nhánh cấp I NH chính sách xã hội, 1 NHTM cổ phần nông thôn, 2 chi nhánh cấp I NHTM cổ phần, 1 chi nhánh cấp I NH liên doanh, 1 chi nhánh Quỹ Tín dụng (QTD) TW và 19 QTD nhân dân cơ sở; đồng thời có mạng lưới khoảng 70 các chi nhánh cấp II, cấp III, các phòng giao dịch và các Quỹ tiết kiệm rộng khắp trong toàn tỉnh. Đó là chưa kể sắp tới, sẽ có thêm 3 ngân hàng TMCP ngoài tỉnh mở chi nhánh cấp I tại Đồng Nai. Như vậy, ngoài NHTM Nhà nước đã chiếm một thị phần lớn, sự hiện diện của một số NH tên tuổi khác đến từ TP.HCM, tạo nên không khí sôi động về hoạt động tín dụng và tiền tệ trên địa bàn.
Qui mô của ngành NH Đồng Nai đang tăng lên, đứng thứ 3 trong hệ thống NHTM cả nước, chỉ sau TP Hà Nội và TP HCM. Tốc độ tăng trưởng bình quân nguồn vốn và sử dụng vốn trong những năm gần đây khoảng 30%, lớn hơn mức tăng trưởng bình quân của hệ thống NH cả nước. Tính đến 30-6-2005, ước tổng nguồn vốn đạt 14.266 tỷ đồng, tăng 11,87%, tổng dư nợ 12.738 tỷ đồng, tăng 10,31% so với đầu năm, đã góp phần đáp ứng nhu cầu vốn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Có thể nói Đồng Nai là một thị trường tiềm năng cho các NH hoạt động.
|
* Bà vừa đề cập đến quy mô số lượng NHTM, còn sự cạnh tranh về các dịch vụ tiện ích và hiện đại của ngân hàng phục vụ cho khách hàng thì sao?
- Điều này chưa thể tính rạch ròi ngay bằng con số . Nhưng việc mở rộng mạng lưới, cạnh tranh về lãi suất, thương hiệu, ứng dụng công nghệ hiện đại và dịch vụ tiện ích mới của các NHTM nhằm chiếm lĩnh được thị phần đang ngày một nóng lên. Trong thời gian qua, các NHTM Đồng Nai đang từng bước ứng dụng các công nghệ hiện đại, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ truyền thống, đã ứng dụng các loại hình dịch vụ mới như: thanh toán thẻ Visa card, Master card, chi trả lương hộ cho các công ty, làm đại lý giao dịch chứng khoán cho công ty chứng khoán, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hướng dẫn cho khách hàng, đặc biệt là trong hoạt động xuất nhập khẩu; từng bước ứng dụng công nghệ và các dịch vụ NH hiện đại, các công cụ quản lý Swap, Option để chủ động cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh; lắp đặt và mở rộng mạng lưới máy rút tiền tự động ATM...
Nhìn chung, ngành NH trên địa bàn Đồng Nai đã có những hoạt động tích cực để đáp ứng nhu cầu vốn và các dịch vụ tiện ích NH một cách bình đẳng cho các doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế và người dân có nhu cầu trên địa bàn tỉnh, góp phần vào việc đẩy nhanh tốc độ chu chuyển vốn, đáp ứng thanh toán trong nước và quốc tế của khách hàng an toàn, hiệu quả.
* Nhưng với tư cách là quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, bà có thấy các NHTM bộc lộ mặt yếu gì không?
- Theo tôi, việc đáp ứng nhu cầu về vốn và các dịch vụ tiện ích của các NHTM trên địa bàn Đồng Nai chưa phải hoàn toàn đầy đủ. Nguyên nhân là do cả từ 2 phía: NH và khách hàng. Về phía NH, nguồn vốn huy động tại chỗ đến nay chưa đáp ứng được nhu cầu vốn trong tỉnh (mới chỉ chiếm khoảng 65% tổng nguồn vốn), phần còn lại phải điều chuyển từ TW về. Nguồn vốn huy động trung, dài hạn chỉ chiếm khoảng 20% tổng nguồn vốn, do vậy việc đầu tư vào các dự án trung, dài hạn cũng bị hạn chế. Việc triển khai và áp dụng các loại dịch vụ ngân hàng mới, các NHTM còn phải học hỏi và hoàn chỉnh dần để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Về môi trường pháp lý, đã có nhiều cải cách thông thoáng hơn, nhưng việc xây dựng và thực hiện các văn bản pháp qui vẫn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ; sự phối hợp giữa các ban ngành trong tỉnh có liên quan đến hoạt động NH đôi khi vẫn chưa chặt chẽ (ví dụ như vấn đề hồ sơ thế chấp tài sản vay, vấn đề phát mãi thu hồi nợ v.v...) cũng có ảnh hưởng đến hoạt động NH. Vấn đề thủ tục giấy tờ cũng còn khá rườm rà, khách hàng đến giao dịch vẫn còn phải viết nhiều, ký nhiều!
Còn về phía doanh nghiệp (DN), các DN Nhà nước đang trong giai đoạn chuyển đổi cổ phần hóa, một số DN làm ăn thua lỗ, đã làm hạn chế đến việc đầu tư vốn của NH. Các DN vừa và nhỏ còn hạn chế vấn đề thông tin báo cáo, kiểm toán; năng lực tài chính thấp, do vậy cũng khó cho NH. Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do khó nắm được thông tin từ phía doanh nghiệp, tài sản dùng để thế chấp nợ vay chưa hoàn chỉnh về mặt pháp lý, và họ vay vốn chủ yếu từ các công ty mẹ ở nước ngoài hoặc từ các NH trên TP HCM vì khả năng cạnh tranh và phục vụ tốt hơn v.v...
* Như vậy sắp tới đây sẽ còn xuất hiện thêm một số NHTM khác về Đồng Nai hoạt động, vậy theo bà ưu thế sẽ thuộc về ai?
- Đồng Nai là địa phương có một vị thế hết sức quan trọng trong vùng động lực kinh tế phía
* Nhưng hoạt động tiền tệ không thể tách rời với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phải có tầm nhìn dài lâu, vậy theo bà để thực hiện được mục tiêu này các NH có gặp khó khăn hay áp lực gì không?
- Sắp tới, theo lộ trình hội nhập quốc tế và khu vực, nước ta sẽ tham gia tổ chức thương mại quốc tế WTO. Điều này đặt các DN và cả ngành NH đứng trước thời cơ và nguy cơ và thách thức lớn. Vấn đề cạnh tranh sẽ gay gắt, sẽ có những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản, nếu không đứng vững trong cạnh tranh, do vậy việc đầu tư vốn và thu nợ đối với các khách hàng này là không tránh khỏi những khó khăn. Đồng thời bản thân các NH cũng sẽ gặp nguy cơ như các doanh nghiệp nói chung.
Tiếp tục hiện đại hóa ngành ngân hàng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tính chuyên nghiệp để hội nhập
* Vậy theo bà, giải pháp nào được xem là căn cơ cho các NHTM phát triển theo hướng an toàn - hiệu quả-bền vững?
- Trước hết, tôi nghĩ các NHTM phải quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực và phải nâng tính chuyên nghiệp lên. Đồng thời, các NH cần tiếp tục chủ động áp dụng những công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ, giúp nâng cao hiệu quả công việc, đa dạng hóa sản phẩm cung cấp dịch vụ; áp dụng các chuẩn mực quốc tế về hoat động NH để nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng cơ chế thanh toán phù hợp với thông lệ quốc tế. Vấn đề mở rộng mạng lưới hoạt động, phát triển thêm chi nhánh cấp 1, cấp 2, cấp 3, phòng giao dịch, mở rộng thị phần tại những khu công nghiệp, những thị trấn, xuống các huyện, xã... là những điều kiện tối ưu để các NHTM trong nước nắm được thị phần và những vị trí thuận lợi trong cạnh tranh.
Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng liên doanh Việt Thái Đồng Nai. |
* Còn vấn đề nâng cao năng lực quản trị-tài chính của NH?
- Về phía NH Nhà nước, tôi nghĩ phải đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát. Tập trung đánh giá chiến lược phát triển, quản trị rủi ro của các NH qua giám sát từ xa là chính, hạn chế dần thanh tra tại chỗ. Nâng cao năng lực quản lý chính là làm nhiệm vụ hướng đến cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn hoạt động an toàn - hiệu quả và đúng pháp luật. Còn các NHTM cần phải tăng nguồn vốn thông qua huy động; nhất là vốn dài hạn, để đáp ứng cho nhu cầu đầu tư. Điều này, giúp cho ngành NH có được những lợi thế nhất định trong quá trình hội nhập sau này. Đó còn là việc chủ động chuẩn bị điều kiện tham gia thị trường tài chính quốc tế qua phát hành cổ phiếu, tín phiếu và các loại giấy tờ có giá khác. Lành mạnh hóa tài chính của các NHTM trên cơ sở cơ cấu lại nợ, áp dụng biện pháp ngăn ngừa phát sinh nợ xấu mới, có biện pháp giải quyết các khoản nợ tồn đọng và đầu tư không hiệu quả. Thực hiện tốt việc quản lý hoạt động ngoại hối, tiến tới tự do hóa giao dịch vãng lai. Việc quản lý các khoản vay, trả nợ nước ngoài của các DN một cách thông thoáng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài...
Kim Loan (thực hiện)