Trong lĩnh vực hành chính điện tử, doanh nghiệp điện tử :
Khó nhất là ý tưởng và đào tạo, tập huấn cho đối tượng sử dụng

08:06, 03/06/2005

Như tin đã đưa, lần đầu tiên Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp với tập đoàn IDG - Việt Nam tổ chức trao giải thưởng cho 10 nhà lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO) xuất sắc năm 2005 của khu vực Đông Dương, trong đó có TS. Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ (KH-CN) Đồng Nai.

TS. Phạm Văn Sáng

Như tin đã đưa, lần đầu tiên Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp với tập đoàn IDG - Việt Nam tổ chức trao giải thưởng cho 10 nhà lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO) xuất sắc năm 2005 của khu vực Đông Dương, trong đó có TS. Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ (KH-CN) Đồng Nai. Phóng viên báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn TS. Phạm Văn Sáng về vấn đề này.

* Phóng viên : Xin ông cho biết cảm tưởng của mình khi nhận được giải thưởng lãnh đạo Công nghệ thông tin (CNTT) xuất sắc khu vực Đông Dương?

- TS. Phạm Văn Sáng : Tôi rất vui và bất ngờ. Vui vì những nỗ lực của cá nhân tôi và các cộng sự của tôi đã được đánh giá, thừa nhận một cách khách quan của các tổ chức có uy tín và có trình độ về CNTT trong và ngoài nước. Bất ngờ vì cá nhân tôi không đứng đơn xin tham dự giải mà do có sự đề cử của các cộng sự của mình theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tôi cho rằng phần thưởng này không phải của riêng tôi mà là kết quả tổng hợp của sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ và giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức Sở KHCN đã góp phần xây dựng và ứng dụng thành công các mô hình mới theo sự đề xướng của tôi.

* Mô hình mới vừa đề cập là gì, ông có thể cho biết cụ thể hơn?

- Qua kết quả phỏng vấn trực tiếp của Ban giám khảo thì các mô hình do Sở KHCN Đồng Nai thực hiện đã được đánh giá cao là mô hình văn phòng điện tử được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ khá phổ biến hiện nay. Nhưng nội dung được đánh giá cao là ý tưởng thiết kế tạo nên sự tiện ích trong quản lý điều hành và tích hợp được nhiều ứng dụng đa phương tiện vào hệ thống để tăng tính cơ động và hiệu quả của chương trình. Thứ hai là mô hình cung cấp thông tin KHCN cho các xã do Sở KHCN Đồng Nai xây dựng và đã được Bộ KHCN cho ứng dụng ở một số xã phía Bắc. Mô hình này được đánh giá là có nhiều xã tham gia nhất và đã được triển khai rộng ở tất cả các huyện. Chương trình không chỉ cung cấp thông tin thông qua các cơ sở dữ liệu có sẵn mà còn có thể cung cấp thông tin theo yêu cầu và nguồn thông tin được cập nhật mới thường xuyên. Các điểm thông tin trên địa bàn các xã (cũng là thành viên của văn phòng điện tử), hàng tuần sẽ báo cáo trực tuyến về Sở tình hình hoạt động của mình và  thường xuyên nhận được thông tin KHCN của Sở qua văn phòng điện tử. Thứ ba là mô hình chữ ký điện tử và chế tạo khóa thông minh trong việc ký, xác nhận chữ ký điện tử; mã hóa và giải mã các văn bản có yêu cầu quản lý theo chế độ bảo mật. Đây là mô hình khá mới mẻ ở Việt Nam và Sở KHCN Đồng Nai đã đi tiên phong để chuẩn bị các điều kiện phát huy và nhân rộng nhanh ứng dụng này khi Việt Nam hình thành được khung pháp lý về vấn đề giao diện điện tử, một tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Hiện nay mô hình này đã được ứng dụng trong quản lý của Sở KHCN, các tập tin gắn kèm trên website của tỉnh Đồng Nai và của Sở KHCN đã được ký điện tử để xác thực nguyên bản của tài liệu đưa lên Website. Thứ tư là các chương trình đăng ký trực tuyến hoạt động Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng; chương trình theo dõi quan sát, chỉ đạo hội nghị  từ xa qua camera, voice IP và việc tổ chức hội thi chủ tịch xã giỏi ứng dụng CNTT; tổ chức sinh viên về xã bồi dưỡng kiến thức tin học cho cán bộ xã; khả năng  chuyển nhận dữ liệu phim chất lượng cao, dung lượng lớn qua mạng...  cũng đã gây được nhiều bất ngờ trong cuộc phỏng vấn...

* Trong quá trình triển khai các mô hình ứng dụng nêu trên, theo ông, công việc nào khó khăn nhất và phải mất nhiều công sức nhất?

- Đối với những mô hình quản lý trong lĩnh vực hành chính điện tử, doanh nghiệp điện tử thì vấn đề công nghệ không phải là khó, bởi có rất nhiều nhà tư vấn để mình có thể lựa chọn. Tuy nhiên, cái khó là ý tưởng và đào tạo, tập huấn cho đối tượng sử dụng. Đây là 2 vấn đề mà tôi và các cộng sự dành nhiều thời gian nhất trong việc triển khai xây dựng và vận hành các mô hình.

* Ông đã  tham gia vào vai trò CIO từ lúc nào và sự kiện nào để lại cho ông  dấu ấn đậm nét nhất?

- Chức danh CIO đến nay ở Việt Nam vẫn chưa được công nhận chính thức về mặt pháp lý. Kể từ năm 1992 khi còn là Phó giám đốc Sở Công nghiệp tôi đã được Giám đốc Sở phân công lãnh đạo ứng dụng CNTT trong đơn vị. Từ năm 1994 trở đi với trách nhiệm là Giám đốc Sở Công nghiệp (1994-2003) và Giám đốc Sở KHCN (từ 2003 đến nay), tôi đã đảm nhận trách nhiệm chỉ đạo ứng dụng CNTT trong đơn vị. Quá trình chỉ đạo ứng dụng CNTT ở đơn vị có rất nhiều sự kiện đáng ghi nhớ, tuy nhiên đậm nét nhất là vào năm 1994, khi mới được bổ nhiệm Quyền giám đốc Sở Công nghiệp. Hồi ấy, tôi được Tỉnh ủy, UBND tỉnh cử đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ở Singapore khoảng gần 2 tháng, trong khi Sở chưa có phó giám đốc và lúc đó Việt Nam cũng chưa có Internet (Việt Nam bắt đầu đưa  Internet vào ứng dụng từ cuối năm 1997). Thế nhưng tôi vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, đồng thời vẫn điều hành được hoạt động của Sở Công nghiệp thông qua việc kết nối trực tiếp từ Singapore và Sở. Công việc này ở Việt Nam hiện nay là bình thường nhưng so với năm 1994, trong điều kiện không có đường truyền Internet, là rất mới.

* Những công việc sắp tới của ông là gì nhằm giữ được danh hiệu nhà lãnh đạo CNTT xuất sắc khu vực Đông Dương?

- Trong trường hợp không có giải thưởng cao quý  này, tôi và các cộng sự vẫn  tiếp tục lộ trình ứng dụng CNTT đã vạch ra và xây dựng các hoạt động tạo hiệu ứng thúc đẩy việc ứng dụng CNTT vào đời sống kinh tế - xã hội, thúc đẩy nhanh quá trình hình thành Chính phủ điện tử ở Đồng Nai, góp phần cùng cả nước trong tiến trình hội nhập quốc tế.

* Xin cám ơn ông.

Kim Loan (thực hiện)

 

Tin xem nhiều