Bộ trưởng Lê Thị Thu :
Bình đẳng giới là chìa khóa của sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững

11:07, 08/07/2005

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em (DSGĐ-TE) Lê Thị Thu đã về Đồng Nai dự liên hoan tuyên truyền viên cơ sở DSGĐ-TE khu vực Nam bộ được tổ chức trong 2 ngày 6 và 7-7 tại hội trường lớn của Quảng trường tỉnh.

Bộ trưởng Lê Thị Thu

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em (DSGĐ-TE) Lê Thị Thu đã về Đồng Nai dự liên hoan tuyên truyền viên cơ sở DSGĐ-TE khu vực Nam bộ được tổ chức trong 2 ngày 6 và 7-7 tại hội trường lớn của Quảng trường tỉnh. Dịp này, bộ trưởng đã dành cho phóng viên báo Đồng Nai cuộc trao đổi về công tác dân số nhân Ngày dân số thế giới 11-7.

Chia sẻ khó khăn, mở rộng quyền lợi cho phụ nữ

* Phóng viên: Trước hết, xin bộ trưởng cho biết vì sao Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) lại chọn chủ đề của Ngày dân số thế giới (11-7) năm nay là "Bình đẳng"?

- Bộ trưởng Lê Thị Thu: Đến nay, dân số thế giới đã lên đến 6,5 tỉ người. Trung bình mỗi ngày có hơn 70 ngàn nữ thanh thiếu niên kết hôn và khoảng 40 ngàn phụ nữ sinh con. Sự bất bình đẳng về giới trong nhiều lĩnh vực đang là một thực tế: Trên thế giới hiện có 600 triệu phụ nữ bị mù chữ, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị đánh đập hoặc ép buộc tình dục hoặc bị lạm dụng. Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho từng phụ nữ, trẻ em gái và cho gia đình, năm nay Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) chọn chủ đề cho Ngày dân số thế giới là "Bình đẳng" nhằm kêu gọi cộng đồng và nam giới chia sẻ khó khăn, mở rộng quyền lợi cho phụ nữ, nhất là các cơ hội về giáo dục, chính trị, kinh tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Trong đó, các em gái được đến trường như các em trai, các cơ hội kinh tế được mở ra đối với phụ nữ, gia đình nghèo được hưởng từ các hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, phụ nữ hoàn toàn có quyền tham gia các hoạt động chính trị. Bình đẳng giới trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái và làm cho gia đình bền vững hơn, cộng đồng và đất nước phát triển ổn định hơn. Bình đẳng giới là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững cũng như cho một chất lượng cuộc sống tốt hơn đối với mọi người.

* Trong thời gian qua, nước ta đã đạt những kết quả gì trong đảm bảo bình đẳng giới, thưa bộ trưởng?

- UNFPA đánh giá rất cao Việt Nam trong việc đạt được những kết quả trong bình đẳng giới ở cả phụ nữ và trẻ em. Tôi rất vui mừng khi thấy vừa rồi UNFPA đánh giá Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc đảm bảo bình đẳng, nhất là trong lĩnh vực giáo dục gần như đã đạt được cân bằng về giới (92% trẻ em gái được đi học ở cấp tiểu học). Phụ nữ nước ta có vai trò rất quan trọng trong xã hội: nước ta có tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất châu Á, có trên 70% cán bộ giáo dục, y tế và trên 80% cộng tác viên dân số, dinh dưỡng ở cộng đồng là nữ... Chính phủ đã thể hiện những cam kết mạnh mẽ nhằm cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em và chất lượng dân số thông qua việc thực hiện Chiến lược dân số quốc gia (2001 - 2010), Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khoẻ sinh sản (2001 - 2010), chính sách khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi v.v... Kết quả là trong thời gian qua, tỉ lệ mang thai, tỉ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ sơ sinh đang tiếp tục giảm. Với việc thực hiện Chiến dịch tăng cường đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình đến vùng sâu, vùng xa (từ năm 2000 đến nay), xây dựng gia đình hạnh phúc, xóa đói giảm nghèo, cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi..., nước ta đã góp phần đảm bảo quyền bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em ngày một tốt hơn. Ở nước ta, bình đẳng giới đã trở thành chính sách xuyên suốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và được pháp luật bảo vệ.

* Bộ trưởng có nhận xét gì về vấn đề bình đẳng giới trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình?

- Thực sự, trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình cũng có sự bất bình đẳng. Có một thực tế là việc thực hiện các biện pháp tránh thai và kế hoạch hóa gia đình thường đặt trách nhiệm lên người phụ nữ nhiều hơn nam giới. Do đó mà tỉ lệ sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình đối với nam giới (dùng bao cao su và đình sản) rất thấp. Nếu nam giới thực hiện tốt thì sẽ chủ động hành vi, chia sẻ trách nhiệm cùng phụ nữ, giảm bớt gánh nặng của phụ nữ.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân

Sinh viên Trường ĐHDL Lạc Hồng tham gia chương trình tư vấn sức khỏe sinh sản tại trường (tháng 6-2005)

* Vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân trong thời gian qua cũng được dư luận rất quan tâm. Bộ trưởng có thể cho biết đôi nét về công tác này?

- Trong công tác DSGĐ-TE, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến lực lượng vị thành niên và thanh niên công nhân. Trong quá trình phát triển của xã hội, các KCN ở các tỉnh, thành mọc lên ngày càng nhiều và thu hút đông đảo lực lượng lao động từ các tỉnh và các vùng nông thôn đến (trong đó có rất đông lực lượng lao động nữ). Mặc dù người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp đã có đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nhưng họ chưa được quan tâm đúng mức, trong đó có cả trong công tác dân số - sức khỏe sinh sản. Các dich vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình chưa đến được với đối tượng này. Do đó, nguy cơ gia tăng dân số ở khu vực công nhân là rất lớn. Chính vì vậy, trong dịp kỷ niệm Ngày dân số thế giới năm 2004, tại Đồng Nai, Ủy ban DSGĐ-TE Việt Nam phối hợp với Tổng liên đoàn lao động đã tổ chức hội thảo về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân. Sau hội thảo này, trong chương trình phối hợp, chúng tôi ưu tiên tập trung vào lực lượng công nhân ở khu vực ngoài quốc doanh. Tổng liên đoàn lao động đang khảo sát thực trạng để có những chính sách phối hợp cụ thể. Bên cạnh đó là vấn đề nhà ở, học hành cho con cái của những người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp. Tôi nghĩ, chúng ta phải quan tâm đến lực lượng này nếu không sẽ phát sinh những vấn đề xã hội rất phức tạp và rất khó giải quyết. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta đặt lại vấn đề: phải chăm sóc thỏa đáng cho người lao động trong các doanh nghiệp đủ sức khoẻ, nâng cao trình độ, năng lực để họ tham gia lao động đạt hiệu quả cao, góp phần vào sự phát triển chung của các địa phương.

* Tham dự liên hoan tuyên truyền viên cơ sở, bộ trưởng có đánh giá gì về đội ngũ này?

- Dự liên hoan này, tôi cảm thấy rất xúc động. Anh em làm cộng tác viên ở cơ sở giỏi mà lên sân khấu tham gia liên hoan cũng khá tốt. Nhưng theo tôi, điều quan trọng là qua cuộc thi này, các địa phương được dịp học hỏi, giao lưu lẫn nhau, nắm rõ tầm quan trọng của công tác DSGĐ-TE. Thành công của công tác DSGĐ-TE có đóng góp quan trọng của đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở. Liên hoan cũng nhằm biểu dương, tôn vinh những người đã âm thầm lặng lẽ đi cơ sở mang chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DSGĐ-TE đến từng hộ gia đình nhằm góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, hạnh phúc. Các anh chị cộng tác viên đã tâm huyết với công việc dù chế độ phụ cấp không đáng là bao.

* Theo bộ trưởng, trong thời gian tới, các cộng tác viên ở cơ sở cần tập trung tuyên truyền, vận động vào vấn đề gì?

- Lâu nay lực lượng tuyên truyền viên vận động thường tập trung vào đối tượng là phụ nữ. Từ nay trở đi, các anh chị cần phải thay đổi nhận thức và hành động: tập trung nhiều hơn vào việc tuyên truyền, vận động nam giới sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, góp phần chia sẻ với phụ nữ. Nam giới là người chủ động thực hiện chính sách dân số, góp phần thực hiện các mục tiêu về dân số và kế hoạch hóa gia đình mà Đảng và Nhà nước ta đề ra. Bên cạnh đó, các cộng tác viên phải tập trung tuyên truyền vận động trong vị thành niên và thanh niên để thực hiện tốt việc bình đẳng giới.

* Cuối cùng, xin bộ trưởng đánh giá về công tác DSGĐ-TE của Đồng Nai?

- Chúng tôi đánh giá rất cao công tác DSGĐ-TE của Đồng Nai. Trong đó, Ủy ban DSGĐ-TE tỉnh đã tham mưu tốt cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước thành những chính sách, giải pháp cụ thể trong công tác DSGĐ-TE. Đồng thời, chúng tôi đánh giá rất cao sự phối hợp giữa Ủy ban DSGĐ-TE tỉnh với các ban, ngành, đoàn thể.

Vấn đề tôi muốn nói ở đây là: Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, có nhiều KCN nên dẫn đến việc có tỉ lệ tăng dân số cơ học rất nhanh. Do đó, nhiều vấn đề khó khăn, thách thức sẽ đặt ra. Vấn đề là làm thế nào để nắm được số tăng cơ học này. Đưa các dịch vụ, chính sách DSGĐ-TE đến với người dân nhập cư là quan trọng, nhất là chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lực lượng công nhân nữ trong các KCN. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm đến việc thực hiện chính sách khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, tỉnh cũng cần quan tâm đến vấn đề ăn ở, sinh hoạt, xây dựng gia đình của đối tượng dân nhập cư, làm sao để giữ được bản sắc văn hóa gia đình truyền thống trong cuộc sống hiện đại. Trong 3 mảng công việc, tôi đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc. Bởi, một khi đã xây dựng gia đình bền vững thì sẽ tác động sâu sắc đến dân số gia đình trẻ em.

* Xin cám ơn bộ trưởng!

Kim Tuấn

(thực hiện)

 

Tin xem nhiều