Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục: Cải tiến và nâng cao chất lượng thi cử

10:07, 16/07/2005

Theo quy định mới của UBND tỉnh, kể từ năm học 2005-2006, Sở GD-ĐT Đồng Nai sẽ có thêm phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (KT và KĐCLGD).

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Minh Hoàng

Theo quy định mới của UBND tỉnh, kể từ năm học 2005-2006, Sở GD-ĐT Đồng Nai sẽ có thêm phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (KT và KĐCLGD). Ra đời vào thời điểm mà chất lượng giáo dục đang là vấn đề bức xúc, Phòng KT và KĐCLGD có thể làm  gì để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh và chất lượng giáo dục là vấn đề mà phóng viên báo Đồng Nai  trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT LÊ MINH HOÀNG. Ông cho biết:

- Có thể nói, thi cử, đánh giá chất lượng giáo dục đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Đây cũng là khâu yếu nhất của hệ thống giáo dục. Chính vì thế, để những nỗ lực đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện nay đạt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, một yếu tố quan trọng là phải đổi mới cách đánh giá kết quả giáo dục, tạo lập được một "mặt bằng" về chất lượng giáo dục. Cuối năm 2003, cơ quan khảo thí quốc gia mà cụ thể là Cục KT và KĐCLGD đã được thành lập. Trên cơ sở này, các trường đại học, Sở GD-ĐT các tỉnh, thành xúc tiến việc thành lập Phòng KT và KĐCLGD - nơi quản lý và tổ chức toàn bộ việc thi cử, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục.

 

* Phóng viên (PV): Ra đời vào thời điểm mà chất lượng giáo dục đang là vấn đề bức xúc, Phòng KT và KĐCLGD có thể làm gì để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh và chất lượng giáo dục, thưa ông?

- Ông Lê Minh Hoàng  (ông L.M.H): Phải khẳng định rằng, Phòng KT và KĐCLGD ra đời là rất cần thiết, dù có chậm hơn so với một số tỉnh, thành. Trước mắt, bộ phận khảo thí sẽ giải quyết được khâu chất lượng đề thi. Đề thi có chất lượng phải đáp ứng mục đích của từng kỳ thi. Muốn thế, đề thi phải đạt được các chuẩn: chuẩn chương trình, chuẩn mục tiêu đào tạo từng môn học, chuẩn kiến thức yêu cầu người học phải đạt được khi hoàn tất một lớp học, bậc học hay chương trình đào tạo.

Hiện tại, Sở GD-ĐT đã hoàn chỉnh quy chế hoạt động, nhiệm vụ, chức năng của Phòng KT và KĐCLGD để Phòng KT và KĐCLGD sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm học mới 2005-2006. Theo đó, phòng sẽ đảm nhận việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục của các cấp học, bậc học và trình độ đào tạo. Phòng cũng sẽ xây dựng ngân hàng các câu hỏi để làm cơ sở cho việc xây dựng đề thi. Ngân hàng này gồm nhiều loại đề thi, kiểm tra đánh giá được lập theo các tiêu chí riêng, đáp ứng yêu cầu của từng kỳ thi, kỳ kiểm tra ở các mức độ khác nhau.

Một trong những hoạt động của Phòng KT và KĐCLGD là thực hiện các hợp đồng tổ chức hoạt động khảo thí như một dịch vụ công. Vì vậy, khi cần các địa phương, cơ sở giáo dục có thể "đặt hàng" với Phòng để cung cấp quỹ đề thi hoặc đề thi cụ thể hoặc các quy trình công nghệ khảo thí...

* PV: Mục tiêu mà Phòng KT và KĐCLGD hướng đến là gì, thưa ông?

Với việc ra đời Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, hy vọng chất lượng thi cử sẽ được nâng cao

- Ông L.M.H: Ngoài việc  trực tiếp tổ chức các kỳ thi, xây dựng hệ thống dữ liệu đề thi, Phòng KT và KĐCLGD sẽ hướng đến mục tiêu đảm nhiệm cả việc khảo sát, đánh giá năng lực của học sinh, đánh giá chương trình học tập. Từ trước đến nay trong quản lý giáo dục lẫn lộn, chồng chéo giữa quản lý dạy - học và đánh giá chất lượng, giống như vừa đá bóng vừa thổi còi. Tình trạng này một phần là do ngành giáo dục thiếu người đảm trách.

Khi thiết lập bộ phận khảo thí trong giáo dục, trước hết sẽ giải quyết được khâu ra đề thi một cách khoa học, chặt chẽ hơn. Đồng thời bộ phận  khảo thí còn là đầu mối quản lý, phân tích các dữ liệu, đánh giá được chính xác chất lượng giáo dục. Điều này có nghĩa là, Phòng KT và KĐCLGD không chỉ dừng lại ở việc tổ chức các kỳ thi, mà còn có vai trò quan trọng trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung. Các số liệu đánh giá học sinh có thể lưu giữ và sử dụng cho hàng loạt hoạt động đảm bảo chất lượng và lập kế hoạch phát triển giáo dục. Như vậy, từ chỗ làm cho các kỳ thi, kiểm tra chuẩn xác, khoa học, Phòng phải tiến tới sử dụng những kết quả đó tác động trở lại hoạt động dạy và học trong nhà trường.

* PV: Nhưng chỉ với hệ thống khảo thí thôi chưa đủ vì đây  chỉ mới là công cụ, thưa ông?

- Ông L.M.H: Đúng vậy, để công cụ đó được sử dụng một cách có hiệu quả còn tùy thuộc vào người sử dụng. Muốn có những đánh giá xác thực phải có sự thay đổi từ nhận thức về đánh giá chất lượng giáo dục, trước hết là từ cấp quản lý đến người thực hiện. Có như vậy mới đánh giá được chất lượng giáo dục một cách thực sự.

* PV: Thế nhưng, ngành giáo dục đang thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn về khảo thí, đánh giá và kiểm định chất lượng. Đó có phải là khó khăn không nhỏ cho công việc KT và KĐCLGD, thưa ông?

- Ông L.M.H: Không riêng  gì Đồng Nai mà các nơi khác cũng đều thiếu lực lượng này. Người được đào tạo bài bản, có trình độ về lĩnh vực này vốn rất ít. Trước mắt, Sở sẽ tuyển dụng đội ngũ khảo thí là những người có kinh nghiệm làm công tác thi, am hiểu tin học, sau đó sẽ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn.

* PV: Xin cám ơn ông.

Thu Trang (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều