HLV đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia Phạm Văn Long:
Tôi là "gươm lạc giữa rừng hoa"...

09:08, 05/08/2005

Từng là vận động viên bóng chuyền suốt 20 năm (đội nam Thể Công) rồi về làm huấn luyện viên trưởng cho 2 đội bóng chuyền nữ nổi tiếng nhất hiện nay: đội Tư lệnh thông tin và đội tuyển quốc gia, ắt hẳn huấn luyện viên (HLV) Phạm Văn Long cũng có không ít những điều sẻ chia tâm huyết...

Phạm Văn Long

Từng là vận động viên bóng chuyền suốt 20 năm (đội nam Thể Công) rồi về làm huấn luyện viên trưởng cho 2 đội bóng chuyền nữ nổi tiếng nhất hiện nay: đội Tư lệnh thông tin và đội tuyển quốc gia, ắt hẳn huấn luyện viên (HLV) Phạm Văn Long cũng có không ít những điều sẻ chia tâm huyết...

* Phóng viên: Anh có phải là "người đàn ông duy nhất" trong ê - kíp HLV, vận động viên (VĐV)  đội tuyển bóng chuyền nữ hiện nay? Huấn luyện cho các học trò toàn là nữ có mang lại nhiều khó khăn cho anh không?

- HLV Phạm Văn Long: Đúng là trong ê - kíp đội tuyển hiện nay chỉ có mình tôi là nam (cả 2 huấn luyện viên phó phụ tá cũng là nữ). Còn khó khăn thì hiển nhiên phải có. Với đội bóng toàn nam thì tôi có thể ăn nói thoải mái, bỗ bã một chút không sao, nhưng với các cô gái thì... không được. Nhiều khi trong công tác hướng dẫn chuyên môn, mình cũng phải nhẹ nhàng, tình cảm cho hợp với tâm lý phụ nữ thì các em mới hiểu mình.

* Có khi nào anh... bối rối trước những giọt nước mắt của các cô gái trong đội tuyển chưa?

- Có chứ, phụ nữ mà. Trong công tác huấn luyện, tôi cũng khá nghiêm túc và nóng tính, sẵn sàng quát mắng nếu VĐV sai sót nhiều lần. Có nhiều khi tôi mắng mà học trò khóc ngay tại trận. Lúc đó tôi cũng không dỗ dành gì, nhưng để từ từ, khi nào cô học trò ấy nguôi nguôi thì tôi sẽ nói chuyện, phân tích thêm để thầy trò hiểu nhau hơn.

* Quanh năm suốt tháng hầu như rong ruổi cùng đội tuyển, anh dành thời gian cho gia đình mình như thế nào?

- Quả thật, tôi không dám tự nhận mình là một người chồng, người cha tốt. Do đặc thù công việc nên có khi cả năm trời tôi không ở nhà được mấy bữa. Nhưng được cái vợ con tôi cũng thông cảm nhiều. Có nhiều lúc ao ước được đi chơi đây đó với gia đình, chăm sóc vợ con, nhưng rồi công việc cứ cuốn tôi đi hết lần này đến lượt khác, không làm sao mà dứt ra nổi. Như từ đầu năm đến giờ, tôi ở nhà với vợ con chỉ được 4,5 ngày.

* Sống và làm việc giữa những cô gái xinh đẹp của đội tuyển, có bao giờ vợ anh... "thiếu tin tưởng" với anh? Và có bao giờ anh... "xiêu" lòng trước một "bóng hồng" nào đó?

- Nói phụ nữ tuyệt đối không nghi ngờ chồng thì... không đúng. Nhưng quả thật vợ tôi rất tin tưởng và thông cảm cho tôi. Biết công việc của tôi nhiều khi cũng rất mệt mỏi và căng thẳng nên cô ấy thường xuyên gọi điện động viên tôi. Tôi cũng thường xuyên gọi điện về hỏi thăm vợ, bảo ban con cái. Với các "bóng hồng", nhất là trong đội tuyển, lúc nào tôi cũng giữ đúng khoảng cách thầy trò, không có chuyện... lăng nhăng vì nếu như thế, rất khó làm việc với nhau, mà tập luyện và thi đấu ở cường độ cao thì công việc phải đặt lên trên hết.

* Ngoài bóng chuyền, anh có đam mê gì khác không? Mỗi khi căng thẳng do áp lực công việc, anh thường làm gì?

- Tôi cũng không có đam mê gì khác ngoài sở thích được về nhà, chăm sóc vợ con chu đáo. Rảnh rỗi thì cũng hay xem phim và nghe nhạc. Tôi còn một sở thích khác cũng rất thú vị là đi câu cá. Mỗi khi có dịp về nhà, tôi thường rủ một cậu em gần nhà đi câu chung, được cá thì đem về nhà cho hai bà vợ chế biến, rồi hai anh em ngồi uống với nhau vài ly. Đó là những phút giây tôi thấy mình hạnh phúc.

* Người ta nói anh đang huấn luyện một thế hệ những VĐV chân dài, khác hẳn thế hệ các nữ VĐV trước đây. Thế hệ VĐV này có những ưu và khuyết gì, thưa anh?

- Quả thật hiện tại tôi đang huấn luyện một thế hệ nữ rất có chiều cao, thậm chí có em sinh năm 1990 mà đã cao đến 1,83m. Đây rõ ràng là một lợi thế cho đội tuyển cũng như cho bóng chuyền nước nhà, vì thể lực chính là một trong những yếu tố đầu tiên. Ngoài ra, các em còn hơn thế hệ trước ở chỗ là được học hỏi những kỹ thuật mới của khu vực và thế giới, được thi đấu nhiều hơn. Vì thế mà trong đội tôi có những em rất khá, chẳng hạn như Huệ và Yến, hai em đóng vai trò chủ lực của đội. Huệ thì không phải nói nữa, nhưng Yến cũng rất có năng lực, có thể tiến xa cả về thể lực, chiều cao lẫn tuổi nghề (Yến sinh năm 1985).

* Nếu có lời mời diễn thời trang dành cho các học trò của mình, anh có cho phép họ nhận lời?

- Về vấn đề này, nếu các em có những lời mời phù hợp vào những lúc rảnh rỗi không thi đấu, tập luyện thì tôi cũng không ngăn cản. Kim Huệ cũng có lần biểu diễn cho một nhãn hiệu thời trang Ý. Nhưng theo tôi nghề nào cũng cần có sự đầu tư tâm huyết và mức độ chuyên nghiệp. Không cứ phải có chiều cao, chân dài là có thể diễn thời trang. Bóng chuyền cần sự mạnh mẽ, dẻo dai trong khi đó thời trang lại ưa chuộng sự mềm mại, duyên dáng nên tôi nghĩ học trò mình cũng chẳng mấy mặn mà với sàn diễn.

* Anh đánh giá thế nào về vị trí của bóng chuyền nữ Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế?

- Trong khu vực, mình vẫn xếp sau Thái Lan về kỹ thuật, còn với Philippines thì một chín một mười. Về tầm vóc, thể lực thì chúng ta không hề thua kém, nhưng kỹ thuật và kinh nghiệm thi đấu thì vẫn đi sau. Ta chưa được va chạm thực tế nhiều bằng họ. Đó là nói về mặt bằng chung. Còn với những cá nhân nổi bật như Huệ và Hoa thì hoàn toàn không thua kém họ chút nào. Căn bản là chúng ta còn yếu ở một vài trị trí. Ví dụ, người chuyền bóng số 2 của ta còn yếu, trong khi đó lại có vai trò quan trọng trong sân. Mục tiêu của toàn đội tuyển là sẽ rút ngắn khoảng cách với những đội mạnh như Thái Lan, càng gần càng tốt.

* Theo anh thì tuổi nghề của một HLV là bao nhiêu? Anh sẽ vẫn dìu dắt đội tuyển lâu dài chứ?

- Cái đó còn tùy thuộc phong độ của mỗi người, riêng bản thân tôi thì sẽ cố gắng phấn đấu hết mình khi còn đương nhiệm. Trong thể thao, phải chấp nhận sự đào thải tự nhiên của nghề, vì đến lúc nào đó mình phải dành sân cho lớp trẻ. Tôi cũng sẽ vui vẻ chấp nhận chuyện đó để các em có cơ hội phát triển khi cần thiết.

* Xin cảm ơn anh!

Minh Chánh - Kim Ngân (thực hiện)

Tin xem nhiều