Báo Đồng Nai điện tử
En

Công chức không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp

09:01, 18/01/2010

Qua một năm triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đến nay người lao động tham gia đóng BHTN từ 12 tháng trở lên sẽ được xem xét hưởng chế độ BHTN nếu không may bị thất nghiệp. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông PHẠM MINH THÀNH, Phó giám đốc BHXH tỉnh...

Qua một năm triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đến nay người lao động tham gia đóng BHTN từ 12 tháng trở lên sẽ được xem xét hưởng chế độ BHTN nếu không may bị thất nghiệp. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông PHẠM MINH THÀNH, Phó giám đốc BHXH tỉnh...

 

* Phóng viên: Xin ông cho biết những đối tượng nào phải đóng BHTN? Mức đóng và mức hưởng của BHTN đối với các đối tượng này cụ thể  như thế nào?

 

- Ông Phạm Minh Thành: Tất cả lao động là công dân Việt Nam có hợp đồng lao động từ 12-36 tháng, hoặc không xác định thời hạn đều được tham gia BHTN. Tuy nhiên, để nhận được trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải có những điều kiện như: bị mất việc làm, bị chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật, mà chưa tìm được việc làm; trước khi bị thất nghiệp, người lao động đã đóng BHTN được 12 tháng trở lên và đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội. Theo quy định của Luật BHXH, thì mức đóng BHTN được quy định như sau: người lao động đóng BHTN bằng 1% tiền lương, tiền công tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng và Nhà nước sẽ hỗ trợ từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của người lao động bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng nếu có đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng BHTN; 6 tháng nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN; 9 tháng nếu có đủ từ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng BHTN; 12 tháng nếu có từ đủ 144 tháng đóng BHTN trở lên.

 

* Cán bộ - công chức - viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp không, thưa ông?

 

- Công chức được tuyển dụng theo Nghị định 117/2003/NĐ-CP ngày 10-10-2003 của Chính phủ, thì không phải đóng BHTN. Nghị định này quy định việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội. Do đó, họ cũng không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu cán bộ-công chức nghỉ việc hay về hưu thì giải quyết chế độ theo quy định của Luật Cán bộ-công chức.

 

Ngoài ra, còn có những đối tượng sau không phải đóng BHTN: Người lao động ở những đơn vị không đủ điều kiện tham gia, vì sử dụng dưới 10 lao động; người lao động ký hợp đồng lao động dưới 12 tháng; Người lao động là cán bộ hưu trí hưởng chính sách BHXH thường xuyên.

 

Tuy nhiên, công chức và viên chức được tuyển dụng theo Nghị định 116/2003/NĐ-CP ngày 10-10-2003 của Chính phủ, thì bắt buộc phải đóng BHTN. Nghị định 116 quy định việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là viên chức).

 

* Người lao động làm việc ở cơ quan Nhà nước hiện tại chỉ còn làm việc từ 1-2 năm nữa thì nghỉ hưu, hay từ khi đi làm đến khi về hưu không thất nghiệp. Vậy việc họ đóng bảo hiểm thất nghiệp từ  tháng 1-2009 bị mất trắng hay sao? Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

 

- Đối tượng nêu trên vẫn phải đóng BHTN theo quy định, dù thời gian lao động ngắn hay dài. Chế độ BHXH thuộc chế độ bắt buộc mà người lao động thuộc đối tượng tham gia phải thực hiện. Theo tôi, đó là sự chia sẻ rủi ro trong quá trình làm việc. Người lao động thiếu may mắn trong việc làm hoặc công việc không ổn định sẽ được những người có may mắn hơn trong cộng đồng chia sẻ rủi ro. Đó chính là tính nhân đạo, nhân văn của chế độ BHTN.

 

* Xin cảm ơn ông!

Ngọc Thư (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích