Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Rinh:
Giúp gia đình các nạn nhân ổn định đời sống

08:02, 22/02/2010

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Rinh đã về Đồng Nai khảo sát việc xây dựng Trung tâm chăm sóc nạn nhân chất độc da cam ở huyện Định Quán, do Trung ương Hội tài trợ.

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Rinh đã về Đồng Nai khảo sát việc xây dựng Trung tâm chăm sóc nạn nhân chất độc da cam ở huyện Định Quán, do Trung ương Hội tài trợ. Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết:

 

Ông Nguyễn Văn Rinh tặng quà cho trẻ em là nạn nhân chất độc da cam ở Định Quán.

- Cả nước hiện có 4,8 triệu người dân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có khoảng 3 triệu người là nạn nhân của chất độc này. Cuối tháng 11-2009, Quỹ vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã ra mắt nhằm tập trung mọi nguồn lực trong việc chăm lo, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam vượt lên số phận, ổn định cuộc sống. Mục tiêu quỹ đặt ra là xây dựng 165 trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân bán trú ở cấp xã, phường; xây dựng 1.600 nhà tình thương; cấp 3.300 suất học bổng và trợ giúp tìm việc làm cho con em nạn nhân. Quỹ cũng sẽ xây dựng 3 trung tâm vùng làm nhiệm vụ phục hồi chức năng, điều dưỡng và tiêu độc cho nạn nhân ở 3 miền Bắc, Trung và Nam; xây dựng một bệnh viện riêng của Hội hoặc kết hợp với các bệnh viện quân đội mở khoa khám, chữa bệnh cho các nạn nhân.

 

* Việc khắc phục hậu quả cả về mặt vật chất lẫn tinh thần đang được Trung ương Hội triển khai xuống các cấp Hội như thế nào, thưa ông?

 

- Có thể nói, nỗi đau da cam là quá lớn cả về thể xác lẫn tinh thần đối với nhiều thế hệ người Việt Nam. Để khắc phục được hậu quả này là một quá trình lâu dài. Hội đã và đang tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội huy động mọi nguồn lực, trong đó nội lực là quan trọng nhất, để chăm lo cho các nạn nhân chất độc da cam một cuộc sống bớt đi những khó khăn, như: xây dựng trung tâm nuôi dưỡng, nhà tình thương, trung tâm dạy nghề, tạo việc làm... Trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố đều được Trung ương Hội hỗ trợ xây dựng Trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam, mà Đồng Nai là địa phương thứ 2 của cả nước được chọn để thí điểm xây dựng trung tâm này.

 

* Ông đánh giá thế nào về hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đồng Nai trong thời gian qua?

 

- Là một tỉnh có khá đông nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, không chỉ có những người trực tiếp tham gia chiến tranh, mà có cả những người dân thường cũng là nạn nhân, hậu quả này đã truyền sang thế hệ thứ 2, thứ 3. Trong nhiều hội nghị toàn quốc bàn về công tác chăm sóc và nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam, Đồng Nai luôn được biết đến là một trong số các tỉnh đi đầu cả nước và cũng là một trong số ít tỉnh huy động tốt nội lực để chăm lo cho các nạn nhân trong tỉnh, như: vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng chăm lo cho các nạn nhân, tổ chức tặng quà, khám chữa bệnh, nhận nuôi dưỡng suốt đời...

 

* Theo ông, trong thời gian tới, các cấp Hội ở Đồng Nai cần tiếp tục làm gì để duy trì tốt phong trào này?

 

- Ngoài việc chăm lo về vật chất lẫn tinh thần, thì vấn đề lâu dài và quan trọng mà các cấp Hội của Đồng Nai cần tiếp tục làm là phát huy lợi thế sẵn có, huy động nội lực, giúp đỡ và định hướng cho các gia đình có người thân không may bị nhiễm chất độc da cam phát triển kinh tế, ổn định đời sống lâu dài, tổ chức dạy nghề, tạo việc làm phù hợp. Hội cũng cần tổ chức thường xuyên việc tư vấn sức khỏe sinh sản, vận động các công ty, doanh nghiệp, các mạnh thường quân chung tay chăm sóc, nuôi dưỡng những người không may bị nhiễm chất độc da cam...

 

* Xin cảm ơn ông!

Công Nghĩa (thực hiện)

 

Tin xem nhiều