Báo Đồng Nai điện tử
En

Thị trường châu Á - Thái Bình Dương
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Đồng Nai

08:02, 19/02/2010

Có thể nói, 2009 là một năm không mấy vui vẻ của xuất khẩu cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng khi kim ngạch bị giảm mạnh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) đang kỳ vọng vào năm 2010, xuất khẩu sẽ phục hồi. Nhân chuyến công tác tại Đồng Nai, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương ĐÀO TRẦN NHÂN đã trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về triển vọng xuất khẩu ở thị trường này trong năm mới.

Sản phẩm điều chế biến xuất khẩu của Donafoods.

Có thể nói, 2009 là một năm không mấy vui vẻ của xuất khẩu cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng khi kim ngạch bị giảm mạnh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) đang kỳ vọng vào năm 2010, xuất khẩu sẽ phục hồi. Nhân chuyến công tác tại Đồng Nai, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương ĐÀO TRẦN NHÂN đã trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về triển vọng xuất khẩu ở thị trường này trong năm mới.

 

* Uy tín về chất lượng phải đặt lên hàng đầu

 

* PV: Xin ông chia sẻ thông tin về thị trường châu Á - Thái Bình Dương?     

   

- Ông Đào Trần Nhân: Thị trường châu Á - Thái Bình Dương chiếm tỷ trọng rất lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước, hiện kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đến các nước và vùng lãnh thổ của khu vực này chiếm khoảng 66 - 70% tổng kim ngạch hàng năm. Đặc điểm chung của thị trường khu vực này là có văn hóa tiêu dùng khá tương đồng và trình độ, kỹ thuật sản xuất nhiều nơi cũng phù hợp với Việt Nam, do đó hàng hóa xuất sang khu vực này cũng dễ được chấp nhận hơn. Vì vậy, thị trường châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian tới vẫn là thị trường trọng điểm của xuất khẩu Việt Nam.

 

* Vậy các DN cần lưu ý những gì khi có ý định xuất khẩu hàng vào thị trường này?

 

- Hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đa phần là nguyên vật liệu thô hoặc sơ chế nên giá trị không cao. Trong tương lai, phải tính đến việc phát triển mạnh hơn giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu. Đặc biệt, chú ý đến vấn đề chất lượng, đảm bảo uy tín cho hàng hóa Việt Nam, nhất là với một số thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Đài Loan, Hongkong... Những quốc gia và vùng lãnh thổ này đòi hỏi chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao, các luật lệ bảo vệ người tiêu dùng cũng rất nghiêm khắc. Do đó, DN Việt Nam cần lưu tâm tìm hiểu để biết các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước, tránh những vi phạm như: tồn dư các chất ảnh hưởng đến sức khỏe trong sản phẩm, dùng các chất bảo quản không được phép... Mặt khác, chất lượng phải ổn định, không để xảy ra tình trạng lô hàng này tốt, lô hàng sau chất lượng lại kém... Sự trồi sụt và kém ổn định về chất lượng là điểm dễ mất uy tín nhất đối với thị trường khu vực này.

 

Tôi cũng muốn lưu ý rằng, hiện tại, có khá nhiều hiệp định, ký kết song phương về thương mại giữa Việt Nam và một số quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, do vậy các doanh nghiệp cần tận dụng các điều khoản ưu đãi trong hiệp định để tranh thủ phát triển thị trường trong năm 2010.

 

* Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu ở Đồng Nai

 

* Ông đánh giá ra sao về sự phục hồi của thị trường châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2010?

 

- Nhiều nhận định cho rằng, thị trường thế giới trong năm 2010 vẫn còn khó khăn, nhưng tôi lạc quan về thị trường thế giới năm 2010. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ phục hồi nhanh và mạnh mẽ. Ngay cả khi nhiều nước khác trên thế giới tăng trưởng âm thì các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Trung Quốc, Việt Nam vẫn có GDP tăng trưởng dương.  Tôi cho rằng 2010 là năm xuất khẩu sẽ phát triển mạnh, bởi thực chất trong năm 2009, xuất khẩu của Việt Nam tuy giảm khoảng 10% nhưng chủ yếu là do giá giảm, còn lượng vẫn có mức tăng khá đều đặn. Do đó, thị trường châu Á - Thái Bình Dương vẫn mở ra rất nhiều cơ hội cho DN trong năm tới.

 

* Có nhiều cơ hội cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai, như: điều, cà phê, cao su... ở thị trường này không, thưa ông? Nên tập trung phát triển thêm mặt hàng nào?

 

- Các mặt hàng chủ lực của Đồng Nai như: tiêu, điều, cà phê... có khả năng phát triển rất tốt ở thị trường này trong thời gian tới. Đơn cử như mặt hàng hạt điều, vốn được coi là thực phẩm của thế kỷ XXI có tiềm năng tiêu thụ rất lớn. Tôi nghĩ các DN Đồng Nai khi xuất khẩu mặt hàng này nên tập trung nâng cao kỹ thuật chế biến và làm phong phú thể loại sản phẩm để đáp ứng đúng thị hiếu của người tiêu dùng, của các nước, nhất là các nước có nhu cầu tiêu dùng cao cấp vì họ mới là những nơi sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm có chất lượng cao, dù nó đắt tiền.

 

Một điều khác tôi muốn lưu ý là Đồng Nai nên khuyến khích các DN phát triển mạnh hơn ngành chế biến gỗ, vì đây là ngành xuất khẩu có giá trị cao, nhu cầu lớn và Đồng Nai lại rất có ưu thế. Hàng năm tại Singapore, có hội chợ đồ gỗ rất lớn vào mùa hè và đây là nơi gặp gỡ đối tác, tìm kiếm thị trường rất hấp dẫn cho DN. Có nhiều DN chỉ đi hội chợ này một lần và có hợp đồng sản xuất cả năm.

 

* Xin cảm ơn ông!

Vi Lâm (thực hiện)

 

Tin xem nhiều