Hôm nay, ngày 1-3, Nghị định 117/2009/CP ngày 31-12-2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực. Dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN NGỌC HƯNG, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường (TN- MT) về nội dung nêu trên.
Hôm nay, ngày 1-3, Nghị định 117/2009/CP ngày
* PV: Thưa ông, thời gian qua, việc phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường được thực hiện như thế nào?
- Ông Nguyễn Ngọc Hưng: Qua thanh tra định kỳ, cũng như đột xuất, chúng tôi nhận thấy những lỗi vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường thường gặp là thực hiện không đúng nội dung thủ tục môi trường đã được phê duyệt; xả nước thải, khí thải không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định; quản lý chất thải rắn không đúng quy định. Khi phát hiện hành vi vi phạm (HVVP), Thanh tra Sở tiến hành các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) theo quy định, bao gồm xử phạt bằng tiền và yêu cầu đơn vị vi phạm thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Tính từ năm 2006 đến hết năm 2009, Thanh tra Sở đã ban hành 916 quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng. Trong đó, có những đơn vị liên tục vi phạm và chấp nhận chịu phạt, mà không tiến hành các biện pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm, như xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải; giao chất thải nguy hại cho đơn vị không có chức năng xử lý... Như vậy, Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 9-8-2006 của Chính phủ về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) trước đây tuy đã đóng vai trò tích cực trong việc BVMT, nhưng qua 2 năm thi hành đã bộc lộ một số bất cập cần phải sửa đổi. Trong đó, nổi bật nhất là nhiều HVVP chưa được định danh để có chế tài. Mặt khác, mức xử phạt tiền quy định tại Nghị định số 81/CP còn thấp, chưa tương xứng với HVVP, chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa vi phạm hành chính. Thực tế, nhiều doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt thay cho việc phải đầu tư xây dựng công trình xử lý môi trường. Ngoài ra, theo quy định của Luật BVMT thì cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) bị tạm thời đình chỉ cho đến khi thực hiện xong biện pháp BVMT, biện pháp khắc phục; cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng bị buộc phải di dời ra xa khu dân cư hoặc bị cấm hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này rất khó áp dụng vì chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền và nhất là thủ tục thực hiện.
* Như vậy, so với Nghị định số 81/2006/NĐ-CP, Nghị định 117/CP có những điểm mới nào cần lưu ý, thưa ông?
- Nghị định 117/2009/NĐ-CP (thay thế Nghị định 81/2006) quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT được xây dựng gồm 4 chương với 61 điều. So với Nghị định 81/CP, Nghị định 117/CP có nhiều sửa đổi và bổ sung. Cụ thể, đã nâng mức phạt tối đa từ 70 triệu đồng lên 500 triệu đồng đối với HVVP hành chính trong lĩnh vực BVMT. Ngoài việc giữ nguyên các quy định về các HVVP như Nghị định 81/CP thì Nghị định 117/CP quy định thêm các hành vi được xem là vi phạm pháp luật về BVMT, cụ thể là:
Vi phạm quy định về lập, thực hiện đề án BVMT (quy mô báo cáo đánh giá tác động môi trường); vi phạm các quy định về BVMT đối với cơ sở thuộc danh mục các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng; vi phạm các quy định về BVMT đối với chủ nguồn thải, chất thải nguy hại; vi phạm các quy định về vận chuyển chất thải nguy hại; vi phạm các quy định về BVMT đối với cơ sở xử lý, tiêu hủy, chôn lấp chất thải nguy hại; vi phạm các quy định về BVMT trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; vi phạm các quy định về BVMT biển; vi phạm các quy định về BVMT nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vi phạm về BVMT trong hoạt động mai táng; vi phạm quy định về hoạt động trái phép, sinh sống ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ đặc biệt nguy hiểm về môi trường đối với sức khỏe và tính mạng con người; vi phạm các quy định về phục hồi môi trường khi kết thúc hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên; vi phạm quy định về bảo vệ, sử dụng công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động BVMT và vi phạm về thực hiện dân chủ cơ sở về BVMT.
Về thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được quy định phù hợp với các quy định của Pháp lệnh xử lý VPHC, trong đó bổ sung thẩm quyền xử phạt, xử lý tang vật vi phạm hành chính của lực lượng Cảnh sát môi trường (Điều 41).
Về các biện pháp cưỡng chế, tại Chương 3 của Nghị định 117/2009/NĐ-CP quy định cụ thể thẩm quyền của cơ quan nhà nước về việc tạm thời đình chỉ hoạt động; buộc di dời; cấm hoạt động; công khai thông tin đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ÔNMT, gây ÔNMT nghiêm trọng.
Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không chấp hành thực hiện quyết định áp dụng các biện pháp bổ sung, Nghị định 117/CP cho phép cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế như: ngừng cung cấp điện, nước và các dịch vụ có liên quan; cưỡng chế tháo dỡ công trình, máy móc, thiết bị; phong tỏa tài khoản tiền gửi; thu hồi mã số thuế, đình chỉ việc sử dụng hóa đơn; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.
* Hiện nay, toàn tỉnh còn bao nhiêu đơn vị chưa khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và những đơn vị này sẽ bị xử lý ra sao?
- Qua kiểm tra, thanh tra của Sở TN-MT năm 2009 và 2010, Sở đã đề nghị UBND tỉnh xếp loại và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách 78 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và 45 cơ sở gây ÔNMT. Đồng thời, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ sở có biện pháp khắc phục trong thời gian nhất định.
Theo quy định của pháp luật thì mọi HVVP pháp luật phải bị xử lý. Tuy nhiên, khi xử lý các cơ sở gây ÔNMT đang trong thời gian khắc phục thì cần xem xét cụ thể về hành vi và thiện chí khắc phục của cơ sở đó.
* Xin cảm ơn ông!
Hương Li (thực hiện)