Với các phác đồ điều trị hiện đang áp dụng, bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những bệnh nhân điều trị không có kết quả. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Khánh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện phổi Đồng Nai về vấn đề này.
Với các phác đồ điều trị hiện đang áp dụng, bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những bệnh nhân điều trị không có kết quả. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Khánh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện phổi Đồng Nai về vấn đề này. Bác sĩ Khánh cho biết:
- Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc điều trị lao thất bại là do người bệnh phát hiện, điều trị muộn. Dù được tuyên truyền rộng rãi nhưng hiện vẫn còn khá nhiều người dân hiểu biết rất hạn chế về bệnh lao nên không đi khám sớm. Có một số trường hợp tuy phát hiện bệnh sớm nhưng do nhận thức kém, mặc cảm, e ngại hoặc vì cuộc sống khó khăn... nên người bệnh cứ chần chừ không chịu điều trị ngay, để đến khi bệnh quá nặng mới đi chữa trị. Một nguyên nhân nữa là do người bệnh không chấp hành triệt để chế độ điều trị theo nguyên tắc: đúng - đủ - đều. Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến thất bại còn do cơ địa của người bệnh...
* Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan từ người bệnh, còn có nguyên nhân nào xuất phát từ phía thầy thuốc không, thưa bác sĩ?
- Cũng có một số nguyên nhân đến từ phía thầy thuốc: thầy thuốc chẩn đoán bệnh lao không chính xác và điều trị không đúng phương pháp.
* Trường hợp bệnh nhân bị lao mà phát hiện, điều trị trễ sẽ dẫn tới hậu quả gì?
- Thật sự bệnh lao không quá khó để điều trị và bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Có điều đáng tiếc là nhiều người bệnh lại đến khám, điều trị khi đã quá muộn (đã xảy ra các biến chứng như: ho ra máu, khó thở, cơ thể suy kiệt). Lúc đó bệnh đã trở nên nặng, phổi bị tổn thương lan rộng, tạo hang, vi khuẩn lao sinh sôi phát triển, số vi khuẩn lao kháng thuốc tự nhiên cũng tăng lên làm cho việc chữa trị rất khó khăn, phải điều trị tích cực may ra mới được cứu thoát, nhưng để lại nhiều di chứng, ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cũng do hiểu biết kém nên bệnh nhân không giữ vệ sinh phòng bệnh cho cộng đồng, ho, khạc nhổ bừa bãi gieo rắc vi khuẩn lao cho người xung quanh.
* Để điều trị hiệu quả, người bệnh cần phải làm gì, thưa bác sĩ?
- Người bệnh cần phải tuân thủ phác đồ điều trị là một trong những khâu quan trọng để chữa khỏi bệnh lao. Như đã nói ở trên, điều trị bệnh lao cần phải thực hiện đúng nguyên tắc: đúng - đủ - đều, mà cụ thể là chẩn đoán đúng bệnh, điều trị đúng phác đồ, dùng thuốc đúng cách. Thực tế có những bệnh nhân sau khi dùng thuốc được vài tháng thấy trong người khỏe hẳn, không còn triệu chứng bệnh, tưởng đã lành nên tự động ngừng thuốc. Cũng có những bệnh nhân đang dùng thuốc thì bị tác dụng phụ của thuốc nên tự ý bỏ thuốc mà không báo cho bác sĩ biết. Việc tự ý ngưng thuốc như vậy khiến bệnh trở nặng và khi điều trị lại vi khuẩn lao dễ kháng thuốc, việc chữa trị không còn hữu hiệu như trước.
* Như vậy, bác sĩ có lời khuyên gì cho người bệnh lao?
- Người bệnh khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lao như ho kéo dài trên 2 tuần, sốt nhẹ, đổ mồ hôi đêm, ăn uống kém, mệt mỏi, gầy sút... thì cần đi khám sớm, điều trị kịp thời. Khi điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị, tái khám định kỳ, không được tự ý bỏ liều. Nếu có phản ứng phụ của thuốc thì cần thông báo ngay cho bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, trong suốt thời gian chữa trị, người bệnh cần được làm việc nhẹ nhàng, không hút thuốc, không uống rượu, bia... Điều trị bệnh lao vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm của người bệnh đối với cộng đồng.
Hà Châu (thực hiện)