Mới bước vào những ngày đầu tháng 3, nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp bắt đầu thiếu nước, toàn bộ rừng ở Đồng Nai đang ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết khô hạn, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với hai Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về khả năng cung cấp nước tưới tiêu và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trong thời gian tới...
Mới bước vào những ngày đầu tháng 3, nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp bắt đầu thiếu nước, toàn bộ rừng ở Đồng Nai đang ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết khô hạn, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với hai Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về khả năng cung cấp nước tưới tiêu và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trong thời gian tới...
* Chủ động ứng phó với nắng hạn!
* Thưa ông, mới vào cao điểm của mùa khô nhưng khả năng không đủ nước sản xuất nông nghiệp đã xảy ra, ngành nông nghiệp có tiên liệu được tình hình khô hạn năm nay và có cảnh báo gì để nông dân xuống giống cho phù hợp?
- Phó giám đốc Trần Bình Minh: Đúng là những ngày gần đây, nước để sản xuất nông nghiệp đã trở nên căng thẳng, đặc biệt là hai khu vực Tân Phú và Xuân Lộc. Nguyên nhân là do thời tiết năm nay khắc nghiệt hơn nhiều năm trước. Thêm vào đó, lượng mưa cuối vụ năm 2009 cũng ít hơn trung bình nhiều năm nên nước từ thượng nguồn đổ về và nước ngầm đã giảm rõ rệt. Điều này ảnh hưởng đến lưu lượng nước trên các công trình thủy lợi. Thực tế, ngay khi kết thúc mùa mưa năm 2009, chúng tôi đã sớm cảnh báo về tình hình nắng hạn của mùa khô năm 2010, đồng thời đề nghị chính quyền các địa phương hướng dẫn nông dân trong việc xuống giống cây trồng phải phù hợp với thời tiết. Tuy nhiên, nhiều nơi đã tự phát trồng tăng diện tích sản xuất, nên đã vượt quá khả năng tưới tiêu. Ví dụ, công trình thủy lợi Vàm Hô (huyện Tân Phú) chỉ phục vụ cho 50 hécta lúa, nhưng nếu làm trong vụ hè - thu thì có thể phát triển tốt. Còn nay, toàn bộ diện tích này đã được xuống giống, trong khi công trình thủy lợi hiện đã kiệt quệ, không thể cung cấp nước cho cây lúa phát triển. Hay như ở Lang Minh (Xuân Lộc), các hệ thống cấp nước chỉ có thể cung cấp 210 hécta, nhưng bà con lại trồng hơn 300 hécta nên số diện tích còn lại không đủ nước phục vụ là điều đương nhiên.
* Như vậy, nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp là khó tránh khỏi. Vậy để khắc phục khó khăn trong giai đoạn nắng hạn còn lại, ngành nông nghiệp có giải pháp gì để "cứu nguy" tình hình?
- Từ nay cho đến hết tháng 4 tới, tình hình khô hạn sẽ tiếp tục diễn biến xấu. Song, do có sự chuẩn bị từ trước nên chúng tôi sẽ chủ động ứng phó với tình hình thực tế, đồng thời kêu gọi nông dân hưởng ứng việc sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý. Đối với hệ thống thủy lợi đang hoạt động, chỉ có thể cung cấp đủ nước cho khoảng 18 ngàn hécta cây trồng trong vụ này, nhưng phải có lịch trình phân bổ của ngành thủy lợi. Riêng những vùng có diện tích cây trồng tăng hơn năng lực phục vụ của công trình tưới tiêu, chúng tôi sẽ huy động toàn bộ máy bơm có sẵn để hạn chế thiệt hại cho nông dân.
* Không lơ là, mất cảnh giác trước nguy cơ cháy rừng
* Thưa Phó giám đốc, nguy cơ cháy rừng ở Đồng Nai đang nằm trong cảnh báo hết sức nguy hiểm, việc kịp thời phát hiện và ngăn chặn cháy rừng đã được tính toán ra sao ?
- Ông Tô Thành Buông:
Có thể nói, năm nay là năm khô hạn nhất trong vài năm trở lại đây, gần như đó là một chu kỳ cứ 4 năm hạn hán một lần. Toàn bộ rừng ở Đồng Nai đang ở cấp cuối, tức cực kỳ nguy hiểm. Song, do chủ động nắm bắt tình hình thời tiết, nên công tác chuẩn bị phương án PCCCR cho đến nay đã hoàn tất. Qua kiểm tra một số Ban quản lý rừng phòng hộ tại những khu vực xung yếu, chúng tôi thấy năm nay công tác PCCCR được các địa phương, các ngành quan tâm hơn. Chỉ tính tổng kinh phí mua sắm thiết bị chuyên dùng và sử dụng thi công các hạng mục phòng chống cháy cho Ban quản lý rừng phòng hộ, Khu bảo tồn và các địa phương đã lên đến gần 11 tỷ đồng. Đáng kể là toàn bộ các đơn vị chủ rừng đều tập trung lực lượng cho công tác PCCCR mùa khô năm nay; lên phương án tác chiến chữa cháy; phân công trực chỉ huy, phân công cán bộ địa bàn trực 24/24. Ngoài lực lượng PCCCR tại chỗ, các đơn vị có rừng còn hợp đồng thuê thêm lao động để tăng cường công tác tuần tra PCCCR...Tôi tin rằng, nếu có sự cố xảy ra, lực lượng chuyên trách sẽ nhanh chóng phát hiện và huy động mọi thành phần tham gia giải quyết. Tất nhiên, chúng ta không được chủ quan, lơ là và mất cảnh giác trong mọi tình huống. Bởi, chỉ cần sơ suất nhỏ, thì hậu quả sẽ rất khó lường.
T.N (thực hiện)