Báo Đồng Nai điện tử
En

Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng:
Hoạt động của HĐND ở Đồng Nai đã đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra

08:04, 02/04/2010

Trong 2 ngày 30 và 31-3, Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã về làm việc tại Đồng Nai. Trong chương trình làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội đã đánh giá cao các mô hình thí điểm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp ở Đồng Nai. Dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Phó chủ tịch Quốc hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tặng quà gia đình chính sách ở thị trấn Gia Ray (Xuân Lộc).

Trong 2 ngày 30 và 31-3, Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã về làm việc tại Đồng Nai. Trong chương trình làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội đã đánh giá cao các mô hình thí điểm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp ở Đồng Nai. Dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Phó chủ tịch Quốc hội.

 

* Thưa Phó chủ tịch Quốc hội, bà đánh giá thế nào về hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua?

 

- Ngay từ năm 1989, Đồng Nai đã là một trong hai tỉnh trong cả nước được chọn làm thí điểm xây dựng cơ quan thường trực HĐND ở địa phương. Qua một thời gian thực hiện, vai trò hoạt động của HĐND ở Đồng Nai đã đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra. Đến nay Đồng Nai lại tiếp tục có thêm hai mô hình thí điểm nữa là "Ban HĐND cấp xã" và "Hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh". Việc đề ra các mô hình này là việc làm sáng tạo của tỉnh, thể hiện sự năng động, trách nhiệm vì dân của cơ quan dân cử. Đó cũng là việc đổi mới phương thức hoạt động của HĐND một cách sinh động nhất và thực tế nhất của tỉnh, đúng như tư tưởng của Bác Hồ: "Việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì có hại cho dân thì nên tránh".

 

* Qua tìm hiểu thực tế tại huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh, Phó chủ tịch Quốc hội đánh giá thế nào về những ưu điểm của hai mô hình này?

 

- Có ý kiến cho rằng, hoạt động của HĐND cấp xã chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức và gặp khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát của mình. Song, tại TX.Long Khánh, điều tôi ấn tượng nhất về 7 xã, phường đang thí điểm mô hình hoạt động HĐND cấp xã là đã tăng cường vai trò giám sát của HĐND. Bởi khi nói đến cơ quan dân cử là Quốc hội và HĐND thì phải nói đến tính đại diện, cơ quan quyền lực, quyền quyết định những vấn đề quan trọng. Để các chức năng này được đảm bảo thì một trong những điều quan trọng là phải thực hiện được công tác giám sát. Giám sát là một trong những điều kiện để khẳng định thực quyền của HĐND. Ở đây nội dung giám sát của Ban HĐND cấp xã của TX.Long Khánh đã bao quát được nhiều lĩnh vực, đi vào các vấn đề thiết thực của đời sống nhân dân, từ đó có những ý kiến, kiến nghị giúp bộ máy Nhà nước thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình tốt hơn trước dân, trước Đảng. Đồng thời, Ban HĐND cấp xã còn thể hiện tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và trình độ năng lực công tác của cán bộ cơ sở; khẳng định được việc hoạt động của HĐND cấp xã tại đây đang rất hiệu quả.

Đối với việc thành lập thí điểm mô hình giám sát ở tổ đại biểu HĐND tỉnh cũng không nằm ngoài mục đích hướng tới việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh. Đây là việc làm rất cần thiết khi đang tiến hành chủ trương không thực hiện HĐND ở cấp quận, huyện, phường. Với mô hình này, Đồng Nai lại đi trước một bước, chuẩn bị tư thế khi chủ trương không thực hiện HĐND cấp quận, huyện, phường thì vai trò đại biểu HĐND tỉnh phải là cánh tay nối dài xuống cơ sở, giúp thường trực HĐND tỉnh kịp thời nắm bắt được những vấn đề ở cơ sở, từ đó có những quyết sách đúng đắn, kịp thời trong quá trình phát triển của địa phương. Việc thực hiện giám sát còn là cơ hội để mỗi đại biểu phát huy cao độ vai trò, nhiệm vụ của mình, xứng đáng với sự tin cậy của cử tri ở những khu vực đã bầu ra mình.

 

* Ngoài những ưu điểm từ hai mô hình nêu trên, theo Phó chủ tịch Quốc hội, còn những hoạt động nào góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của HĐND tỉnh Đồng Nai?

 

- Đó là ở Đồng Nai đã quan tâm bố trí những cán bộ chuyên trách làm trưởng, phó các ban HĐND tỉnh; ở huyện cũng đã thành lập được hai ban HĐND cấp huyện. Ngay cả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động HĐND tỉnh cũng là thể hiện tinh thần trách nhiệm với công việc của cơ quan dân cử ở Đồng Nai. Qua đó, trình độ chuyên môn, năng lực công tác của đại biểu đã được khẳng định. Tỉnh cũng đã quan tâm tới việc hỗ trợ phụ cấp trách nhiệm cho các thành viên, chi kinh phí cho các hoạt động thẩm tra, giám sát, khảo sát, hội nghị... của Ban HĐND cấp xã.

 

* Theo Phó chủ tịch Quốc hội, thời gian tới hoạt động của HĐND ở Đồng Nai cần tiếp tục tập trung vào những vấn đề gì?

 

- Mặc dù những kết quả đem lại từ việc thực hiện thí điểm các mô hình nêu trên có nhiều ưu điểm trong việc tác động tích cực đến quản lý, điều hành Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh, nhưng đây là mô hình mới nên cũng cần được đánh giá. Có thể trong thời gian tới, Trung ương sẽ phối hợp cùng tỉnh sơ kết các mô hình này, từ đó sẽ có nghiên cứu để có thể nhân rộng. Riêng bản thân tôi đã học tập được ở HĐND tỉnh Đồng Nai tính chủ động, năng động, dám nghĩ, dám làm vì những việc có lợi cho dân. Tôi mong HĐND tỉnh Đồng Nai có nhiều sáng tạo hơn nữa trong hoạt động của mình!

 

* Xin cảm ơn Phó chủ tịch Quốc hội!

Phương Hằng (thực hiện)

   

Tin xem nhiều