Báo Đồng Nai điện tử
En

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu Trần Văn Mùi:
Phải quyết liệt hơn nữa trong công tác bảo vệ đàn voi

07:05, 31/05/2010

Như tin đã đưa, hôm 27-5 vừa qua, thêm 1 con voi rừng bị chết tại ấp 7, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu). Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu (KBT) cho biết, qua kết quả giám định, bước đầu có thể nói rằng con voi này chết do bị ngộ độc chứ không phải là chết tự nhiên.

Ông Trần Văn Mùi

Như tin đã đưa, hôm 27-5 vừa qua, thêm 1 con voi rừng bị chết tại ấp 7, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu). Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu (KBT) cho biết, qua kết quả giám định, bước đầu có thể nói rằng con voi này chết do bị ngộ độc chứ không phải là chết tự nhiên.

* Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề "ngộ độc" của con voi rừng bị chết mới đây?

- Ông Trần Văn Mùi: Không phải đến bây giờ, mà trước đây khi 6 con voi trong khu vực này bị chết, chúng tôi đã cảm thấy có dấu hiệu không bình thường. Vì vậy, khi phát hiện voi chết vào sáng 27-5 vừa qua, chúng tôi đã chủ động báo cáo và đề nghị các cơ quan chức năng, cụ thể là phía cơ quan Công an vào cuộc, tiến hành giám định để xác định làm rõ nguyên nhân voi chết.

Lực lượng công an đã điều tra, lấy mẫu vật phẩm từ bao tử voi gửi đi xét nghiệm. Đây là con voi còn trẻ, sung sức, chết trong tình trạng miệng thè lưỡi, tim và gan đều bị xuất huyết, nhưng lại không có dấu hiệu tác động từ bên ngoài. Xét nghiệm cho thấy, lượng thuốc trong bao tử voi rất lớn, chứng tỏ voi chết là do ngộ độc. Hoặc nói rõ hơn, đã có người, hoặc một nhóm người cố tình đầu độc cho voi chết. Và không riêng gì con voi này, mà có thể nói cả 6 con voi chết trước đó cũng vậy. Chúng tôi cảm thấy rất bức xúc trước hành vi này. Nhưng bước đầu chỉ mới có thể nhận định như vậy, còn xác định là loại thuốc gì, và ai, người nào đã thực hiện "tội ác" trên thì phải chờ công tác điều tra của lực lượng công an.

* Như ông nói, voi có thể là do người cố tình đầu độc. Vậy, có phải nguyên nhân là do voi thường về phá rẫy, gây thiệt hại tài sản cho người dân, gây bức xúc dẫn đến hành động như trên?

- Việc voi phá rẫy là có, nhưng tôi xin khẳng định rằng: rừng là có trước, voi là có trước, và đây là khu vực sinh sống tự nhiên của voi. Voi là loài rất thông minh, biết chọn thức ăn ngon để ăn. Trên đường đi, chúng thấy thức ăn trên rẫy như chuối, mít thì ăn thôi, chứ không phải voi phá phách rẫy như người dân vẫn nói. Chính người dân mới đang xâm chiếm "lãnh địa", làm ảnh hưởng đến môi trường sống của voi.

Khảo sát mới đây cho thấy, ngoài số voi trưởng thành, trong đàn voi có xuất hiện một con voi con. Điều này chứng tỏ KBT đang làm tốt công tác bảo tồn voi, điều kiện sống của voi ổn định nên trong đàn đã có sinh sản. Tuy nhiên, không gian sống và phạm vi di chuyển của đàn voi rất rộng lớn, chúng có thể chuyển dịch từ Vĩnh Cửu sang Định Quán, sang cả khu vực rừng Nam Cát Tiên nên KBT không thể nào theo sát để bảo vệ voi.

Các nhân viên Khu BTTN&DTVC đang tiến hành lấy mẫu phân tích để phục vụ công tác điều tra

* Vậy theo ông, cần phải có những biện pháp nào
để bảo vệ đàn voi?

- Việc bảo vệ đàn voi cần đến sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và quyết liệt hơn nữa của các ngành, các cấp, của nhiều cơ quan, đơn vị và của cả người dân, chứ chỉ riêng KBT thì khó thực hiện hiệu quả.

Để đàn voi có thể phát triển bình thường trong môi trường tự nhiên của mình, cần phải tiến hành di dời các hộ dân hiện đang sống trong vùng lõi của KBT. Nhưng khi di dời dân, cũng phải tính đến việc ổn định đời sống sinh hoạt, sản xuất, công ăn việc làm, nghề nghiệp của người dân. Vì vậy, ngoài việc lo tái định cư cho người dân, còn phải có các biện pháp hỗ trợ người dân, như chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ dạy nghề... để người dân có thể rời rừng, yên tâm sinh sống trên vùng đất mới, không còn phải bám vào rừng mà sống như trước đây. Dự án này đã được đề xuất từ lâu nay, nhưng chủ đầu tư dự án là UBND huyện Vĩnh Cửu chứ không phải KBT. Hiện địa phương cũng đang tiến hành quy hoạch bố trí tái định cư cho các hộ di dời.

Riêng về dự án bảo vệ voi, đơn vị xây dựng dự án và thực hiện là Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đây là dự án rất thiết thực, nếu được thực hiện sớm, sẽ góp phần bảo vệ đàn voi hiệu quả.

Trước mắt, để bảo vệ số voi trong đàn hiện vẫn còn sinh sống ở khu vực này, KBT sẽ tăng cường công tác tuần tra bảo vệ, đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ voi nói riêng và các loài động, thực vật ở KBT nói chung đến người dân. Song song đó, đề nghị lực lượng công an nhanh chóng điều tra làm rõ những kẻ đã có hành vi đầu độc voi để đưa ra xử lý trước pháp luật. Phải mạnh tay mới đủ sức răn đe, vì giết voi là tội rất nặng cần phải xử lý hình sự.

* Xin cảm ơn ông!

Thanh Thúy

Tin xem nhiều