Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bà PHẠM THỊ LÊ THỦY, Chi cục phó Chi cục Bảo trợ xã hội - bảo vệ, chăm sóc trẻ em (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội) về những hoạt động liên quan đến trẻ em.
Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bà PHẠM THỊ LÊ THỦY, Chi cục phó Chi cục Bảo trợ xã hội - bảo vệ, chăm sóc trẻ em (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội) về những hoạt động liên quan đến trẻ em.
* Tháng Hành động vì trẻ em năm nay tập trung vào nội dung tạo cơ hội bình đẳng cho trẻ em phát triển. Vậy Đồng Nai đã triển khai kế hoạch này như thế nào, thưa bà?
- Mục đích của tháng hành động vì trẻ em năm nay (từ 15-5 đến 30-6) là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các tổ chức kinh tế - xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ; giúp mọi trẻ em có cơ hội bình đẳng tiếp cận các dịch vụ xã hội để phát triển; nâng cao trách nhiệm của gia đình và trẻ em đối với việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.
Cụ thể, trên địa bàn, tỉnh đã triển khai 4 hoạt động chính là: tặng quà cho trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; xây dựng kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích (TNTT); tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em và trao học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học.
* Mọi năm, hoạt động chăm sóc trẻ em đều tập trung vào đối tượng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, còn năm nay thì sao?
- Đối tượng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ khuyết tật, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn... luôn là đối tượng được quan tâm đặc biệt. Năm nay, thực hiện chủ đề của tháng hành động, tỉnh cũng có nhiều hoạt động tập trung cho đối tượng này hơn. Ngoài 6 ngàn phần quà tặng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các địa phương, đoàn thể cũng đã vận động và tặng quà cho các em. Hoạt động trao học bổng cho đối tượng trẻ em nghèo, vượt khó học giỏi, học bổng tiếp sức đến trường cũng sẽ được trao vào đầu năm học này với 1.000 suất. Dự kiến sẽ tăng giá trị mỗi suất lên từ 600 ngàn đến 1 triệu đồng, thay vì 300 - 500 ngàn đồng/suất như trước.
* Vui chơi, giải trí là hoạt động không thể tách rời của trẻ em, năm nay hoạt động này có gì đặc biệt, thưa bà?
- Đối với trẻ em, vui chơi, giải trí là rất cần thiết, đặc biệt trong dịp hè, các em cần được tiếp cận nhiều hơn với hoạt động này, vì trong năm học, các em lo học, không có nhiều thời gian vui chơi. Ngày hội tuổi thơ tổ chức tại huyện Xuân Lộc vừa qua đã thu hút đông đảo trẻ em tham gia. Còn trại hè vào ngày 4-6 tới, sẽ tổ chức cho 600 trẻ em trong toàn tỉnh tham gia, tăng gấp 3 lần so với trại hè năm 2009, với mong muốn thêm nhiều trẻ em được tham gia vui chơi tập thể, kết hợp với tham quan các danh lam thắng cảnh để các em có thêm kiến thức và kỹ năng xã hội.
* TNTT trong mùa hè luôn là nỗi lo của mỗi gia đình. Được biết, hè nào tỉnh cũng xây dựng kế hoạch phòng chống TNTT, nhưng năm nào cũng có trẻ chết vì đuối nước. Mới ngày 29-5 vừa qua, 2 học sinh lớp 8 ở xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) đã bị chết đuối. Phải chăng công tác tuyên truyền về phòng tránh TNTT chưa thực sự hiệu quả?
- Đó là mất mát không chỉ riêng gia đình các em mà với cả những người làm công tác bảo vệ trẻ em. Năm nay, Sở Lao động - thương binh và xã hội vừa mới tổ chức triển khai công tác này tại hai huyện điểm là Xuân Lộc và Định Quán - địa bàn có tỷ lệ trẻ em chết đuối hàng năm cao. Với nhiệm vụ của mình, chúng tôi tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ làm công tác trẻ em, cho gia đình, nhà trường và cho cả các em để phòng ngừa. Song, để hoạt động phòng tránh TNTT hiệu quả, cần có sự cộng tác của mỗi gia đình trong việc giáo dục và bảo vệ con em mình, không để các em đi tắm sông, suối, ao, hồ ngoài tầm kiểm soát của người lớn.
* Xin cảm ơn bà.
Phương Liễu (thực hiện)