Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo tồn động vật hoang dã - Không thể chậm trễ!

07:06, 25/06/2010

6 tháng đầu năm 2010, trên địa bàn Đồng Nai phát hiện hơn 100 vụ săn bắt, vận chuyển và buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD). Ngoài ra, chỉ trong 1 năm đã có 7 con voi và 1 con tê giác bị chết. Đây là tình trạng rất đáng báo động về bảo tồn đa dạng sinh học.

Tiến sĩ Scott Roberton

6 tháng đầu năm 2010, trên địa bàn Đồng Nai phát hiện hơn 100 vụ săn bắt, vận chuyển và buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD). Ngoài ra, chỉ trong 1 năm đã có 7 con voi và 1 con tê giác bị chết. Đây là tình trạng rất đáng báo động về bảo tồn đa dạng sinh học. Phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Scott Roberton, Trưởng đại diện WCS (Hiệp hội Bảo tồn ĐVHD) Chương trình Việt Nam:

 

* Phóng viên: Trong bảo tồn đa dạng sinh học thì bảo vệ ĐVHD chiếm vai trò khá quan trọng. Tiến sĩ có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

 

- Tiến sĩ Scott Roberton: Nạn chặt phá rừng, săn bắt, buôn bán trái phép ĐVHD... dẫn đến những biến động về môi trường và trở thành mối đe dọa lớn cho hệ sinh thái, cuộc sống của các loài động thực vật khiến cho nhiều loài trở nên nguy cấp, nhiều loài gần như hoặc đã tuyệt chủng. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của con người hiện tại và trong tương lai. Bởi hệ sinh thái cung cấp cho cuộc sống của con người nước sạch, không khí trong lành, vật liệu xây dựng, thức ăn, thuốc uống và giảm thiểu các tác động tiêu cực của khí hậu. Nếu thiếu đi các loài ĐVHD thì hệ sinh thái sẽ bị khủng hoảng, môi trường sống bị đe dọa và đối tượng chịu tác động nhiều là con người. Vì vậy, chúng ta cần nỗ lực bảo vệ ĐVHD chính là giữ gìn sự sống của chính mình.

 

*  Ngoài bảo vệ ĐVHD vì sự sống, còn có ý nghĩa gì khác liên quan đến cuộc sống của con người?

 

Hổ nuôi ở Khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương).

- Từ hàng ngàn năm, văn hóa và xã hội loài người phát triển song song với sự tồn tại đa dạng của các loài ĐVHD. Hình ảnh các loài ĐVHD đã tạo nguồn cảm hứng lớn cho tín ngưỡng, nghệ thuật, kiến trúc và trong cả âm nhạc lẫn thơ ca. Nếu không bảo vệ ĐVHD thì thế hệ sau của chúng ta sẽ không còn nhìn thấy những con hổ, voi, gấu... trong rừng, mà chỉ có thể nhìn thấy hình ảnh chúng trong sách vở, phim ảnh và không thể cảm nhận hết được giá trị của nó. Vì vậy, có thể nói nếu ĐVHD tuyệt chủng thì nền văn hóa của chúng ta cũng sẽ dần dần bị nghèo nàn đi.

 

* Theo Tiến sĩ, việc bảo tồn ĐVHD hiện nay đang gặp những khó khăn, thách thức lớn nhất nào?

 

-  Mặc dù Việt Nam có khung pháp luật khá toàn diện và kinh phí hỗ trợ cao, song quần thể ĐVHD ở Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang suy giảm nghiêm trọng trong hai thập kỷ qua. Trong đó, phát triển ồ ạt các trang trại nuôi ĐVHD; thói quen dùng thịt rừng; nạn chặt phá rừng; săn bắt, buôn bán thú rừng là một trong những nguy cơ đe dọa rất lớn đến bảo tồn ĐVHD trong tự nhiên. Gần đây, cái chết của con tê giác một sừng ở Vườn quốc gia Cát Tiên có thể là con cuối cùng còn ở Việt Nam trong tự nhiên là ví dụ sinh động và điển hình. Con tê giác sống trong Vườn quốc gia Cát Tiên được coi là đầu tư tốt nhất tại Việt Nam với số tiền được tài trợ cho công tác bảo tồn hàng triệu USD, song vẫn chưa đủ để bảo vệ nó. Do đó, giá trị của bảo tồn ĐVHD cần phải được xem xét ở tất cả các cấp ra quyết định và trong tất cả các thành phần kinh tế. Ngay từ bây giờ, chúng ta phải có những hành động bảo vệ ĐVHD và sự đa dạng sinh học còn lại của Việt Nam, nếu không sẽ là quá muộn.

 

* Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Hương Giang (THỰC HIÊN)

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
  • Bệnh viện thú cưng Funpet