Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai Mai Sông Bé:
Cần cái tâm trong sáng và cái đầu tỉnh táo

09:06, 20/06/2010

Kỷ niệm 85 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Mai Sông Bé, Chủ tịch Hội Nhà báo (HNB) tỉnh về những vấn đề liên quan đến giới báo chí trong tỉnh.

Kỷ niệm 85 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Mai Sông Bé, Chủ tịch Hội Nhà báo (HNB) tỉnh về những vấn đề liên quan đến giới báo chí trong tỉnh.

 

* Thưa ông, trong nhiệm kỳ qua, HNB tỉnh đã có những hoạt động, định hướng như thế nào đối với sự phát triển của báo chí Đồng Nai?

 

- Trong vòng vài năm gần đây, báo chí Đồng Nai có sự phát triển mạnh về số lượng lẫn chất lượng. Báo Đồng Nai tăng trang, tăng kỳ, thêm ấn phẩm; truyền hình Đồng Nai tăng từ 2 kênh lên 4 kênh, tăng thời lượng phát sóng; phát thanh cũng tăng từ 1 lên 2 kênh. Đồng thời với sự phát triển về số lượng đó, các tác phẩm báo chí tỉnh nhà cũng phát triển về chất lượng, bám sát cuộc sống, hòa với dòng chảy của công cuộc đổi mới. Đội ngũ làm báo cũng được chuẩn hóa và trẻ hóa, có kiến thức cơ bản về nghề nghiệp, gắn bó và mang hơi thở cuộc sống. Chính lực lượng này đã thay đổi diện mạo báo chí, là động lực cho quá trình đổi mới.

 

Người dân xã Hàng Gòn (TX. Long Khánh) đọc Báo Đồng Nai.

HNB tỉnh là ngôi nhà chung của giới báo chí Đồng Nai, đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về các thể tài báo chí cho các nhà báo, nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí lẫn hoạt động nghiệp vụ. Trong vòng 2 năm liền, báo chí Đồng Nai đã vượt qua hơn 700 cơ quan báo chí trong cả nước, đoạt những giải cao tại Giải Báo chí quốc gia: 2 giải A, trong đó đặc biệt có 1 giải A duy nhất của cả nước của các nhà báo thuộc thế hệ 8X, 3 giải C, 1 giải khuyến khích. Đây là điều hết sức tự hào, và cho thấy vai trò của ban biên tập trong việc bồi dưỡng đã có ý nghĩa hết sức quan trọng.

 

* Bên cạnh việc hỗ trợ, bồi dưỡng nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí và nghiệp vụ, HNB còn có những hoạt động nào trong việc rèn luyện và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức của người làm báo?

 

- Dù đạt thứ hạng cao tại các giải báo chí quốc gia, nhưng không có nghĩa là các nhà báo được quyền tự mãn, mà phải hết sức và vạn lần khiêm tốn phấn đấu rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức chính trị để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm báo chí chất lượng cao, đưa lên các phương tiện truyền thông những bài báo làm lay động lòng người, tiếp tục khẳng định báo chí Đồng Nai là một phần trí tuệ của Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai.

 

Trong lao động nghề nghiệp, các nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ, phải hết sức cẩn trọng trong tác nghiệp, không chỉ phản ánh mà phải phát hiện, dự báo, đưa ra những nhận định, kiến giải các vấn đề trong cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, cần phải có nhiều thể tài báo chí hơn nữa, như bình luận, phóng sự, phóng sự điều tra... Để làm được việc này, vai trò của HNB cũng như các Chi hội hết sức quan trọng.

 

HNB thông qua ban kiểm tra và các chi hội giám sát vấn đề đạo đức, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của hội viên. Tuy nhiên, HNB cũng như các chi hội không thể nào kiểm tra, giám sát được hết các nhà báo khi tác nghiệp. Các nhà báo thường bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, vì vậy, các nhà báo phải tự mình rèn luyện bản lĩnh vững vàng, biết tự vấn lương tâm và phải biết nói không trước những cám dỗ vật chất, với phong bì, với những tiêu cực khác nhau trong xã hội. HNB và các chi hội ngoài trách nhiệm kiểm tra, giám sát, còn phải nhắc nhở, uốn nắn anh em giữ gìn cái tâm trong sáng của người cầm bút.

 

* Ông nhận định như thế nào về thu nhập của giới báo chí trong tỉnh? Trong việc cạnh tranh về nguồn nhân lực báo chí như hiện nay, theo ông, cần phải làm gì để hạn chế được việc "chảy máu chất xám"?

 

- So với báo chí TP. Hồ Chí Minh hay một số địa phương khác, thì thu nhập của anh em cầm bút ở Đồng Nai chưa phải là cao, nhưng nếu so với các ban, ngành trong tỉnh, thì vẫn đạt mức tương đối, có thể tái sản xuất lao động trí tuệ. Vì vậy, tôi mong các nhà báo đã dấn thân vào nghiệp cầm bút thì đừng nghĩ đến chuyện làm giàu bất chính, hãy tiếp tục làm con tằm nhả tơ, giữ cho tấm lòng trong sáng và cái đầu tỉnh táo, đừng mơ màng đến chuyện "phong bì".

 

Là địa phương nằm sát một trung tâm văn hóa - kinh tế sôi động như TP. Hồ Chí Minh, chuyện "chảy máu chất xám", một số  anh em báo chí Đồng Nai "đầu quân" về các cơ quan báo chí khác là điều không thể tránh khỏi theo quy luật "nước chảy chỗ trũng". Vì vậy, tôi cho rằng báo chí Đồng Nai bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng cần phải biết làm kinh tế, từ đó có nguồn thu chính đáng để nâng cao thu nhập cho anh em...

 

* Xin cảm ơn ông!

Thanh Thúy (thực hiện)

 

Tin xem nhiều