Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 *21-6-2010)
PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Phó trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền: Mỗi nhà báo nên tự nhìn lại chính mình

09:06, 18/06/2010

Ngày 18-6, UBND tỉnh tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng người phát ngôn. PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Phó trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền là một trong những giảng viên tham gia chương trình bồi dưỡng. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Văn Dững.

Ngày 18-6, UBND tỉnh tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng người phát ngôn. PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Phó trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền là một trong những giảng viên tham gia chương trình bồi dưỡng. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Văn Dững.

 

* Cả nước vừa kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), giờ đây lại đến dịp kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà báo bậc thầy, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Theo PGS.TS, điều cốt lõi nhất mà các nhà báo luôn phải học Bác để làm tốt nghề nghiệp của mình là gì?

PGS. TS. Nguyễn Văn Dững trả lời phỏng vấn của Báo Đồng Nai.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo vĩ đại. Đối với Bác, viết báo, làm báo là làm cách mạng. Năm nay, kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng đúng vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, trong đó có các nhà báo kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Người và bước sang năm thứ 4 thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

 

Để thực hiện cuộc vận động này, chúng ta cần nhận thức rằng, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh là viết báo vì lý tưởng cách mạng, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Kỷ niệm Ngày Báo chí là dịp để mỗi nhà báo nhìn nhận lại chính mình, cả về năng lực lẫn phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp. Mỗi nhà báo cần học Bác ở phong cách viết, mục đích viết, mục đích hành nghề. Trong đó, mục đích hành nghề của Bác rất rõ ràng, đó là vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì cuộc sống nhân dân. Người cũng luôn khẳng định, nhà báo là phải tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng; luôn gần gũi với nhân dân; hết lòng phục vụ nhân dân; hành nghề phải trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật; không được lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi cá nhân và làm trái pháp luật. Nhà báo cần phải học những điều chỉ dạy này của Người, đặc biệt là luôn phải rèn luyện phong cách hành nghề trong sáng, vì dân, vì nước, có ý thức phục vụ lợi ích chính đáng cho nhân dân, cho công chúng.

 

* Cụ thể, theo PGS.TS, đội ngũ báo chí Đồng Nai đã thực hiện lời dạy của Bác về nghề nghiệp của mình như thế nào?

 

- Đồng Nai là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, mạnh, thu hút đầu tư dẫn đầu cả nước. Đóng góp vào sự thành công của tỉnh có vai trò quan trọng của báo chí trong tỉnh. Và để đồng hành trên con đường phát triển của tỉnh, Đồng Nai đã có một đội ngũ nhà báo mạnh, xông xáo, dũng cảm; trong đó có những cây viết tốt, có những tác phẩm báo chí hay, gây ấn tượng, góp phần vào việc khơi nguồn, cổ vũ nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Điều đó được khẳng định khi liên tục nhiều năm qua, tỉnh đều có những nhà báo đạt giải báo chí quốc gia. Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí của tỉnh không ngừng chia sẻ, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng tác nghiệp cho đội ngũ báo chí của mình để những thành công ngày càng nhân rộng. Song, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, thành công là chiếc cầu để ta bước tiếp, chứ không nên dừng lại ở những gì mình có.

 

Riêng Báo Đồng Nai, hiện nay tôi được biết báo đã có uy tín lớn với độc giả. Tuy nhiên, theo tôi, trong thời gian tới, để báo gần gũi hơn với bạn đọc thì cũng cần phải có mô thức thông tin, tức là thông tin phải được định hình, ngay cả những vấn đề gần gũi với bạn đọc như thông tin chỉ dẫn, tư vấn, quảng cáo...

 

Nhân ngày 21-6 năm nay, tôi xin chia sẻ với đội ngũ nhà báo Đồng Nai nói chung và các nhà báo trẻ nói riêng, muốn làm tốt nghề nghiệp của mình hơn nữa, trước tiên phải được trang bị kiến thức nền và kiến thức cơ bản. Nếu yếu tố này không được thực hiện thì dễ đổ vỡ trong quá trình vận động, phát triển đi lên của xã hội. Đồng thời, nhà báo phải có sự thích ứng nhanh và có kinh nghiệm trong cuộc sống; không ngừng dung nạp kiến thức. Học trong trường là một phần, phần quan trọng là phải tự học, học trong cuộc sống. Đặc biệt, nhà báo phải xây dựng cho được một tác phong xông xáo; có chiều sâu tri thức; đảm bảo được việc tham gia giám sát và phản biện xã hội tốt, nhất là việc phân tích lý giải có tính thuyết phục cao những vấn đề của cuộc sống xã hội.

 

* Xin cảm ơn PGS.TS.

Phương Hằng (thực hiện)

 

Tin xem nhiều