Báo Đồng Nai điện tử
En

Một số khu vực bị tác động bởi khai thác khoáng sản

08:06, 24/06/2010

Báo Đồng Nai (từ số 1796 ra ngày 1-6 đến số 1805 ra ngày 17-6) có loạt bài viết về "Tình trạng khai thác đất và khoáng sản tại Đồng Nai". Xung quanh vấn đề này, ông Võ Văn Chánh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường (ảnh) đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo Đồng Nai.

Báo Đồng Nai (từ số 1796 ra ngày 1-6 đến số 1805 ra ngày 17-6) có loạt bài viết về "Tình trạng khai thác đất và khoáng sản tại Đồng Nai". Xung quanh vấn đề này, ông Võ Văn Chánh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường (ảnh) đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo Đồng Nai.

 

* Đồng Nai là địa phương có nhiều mỏ khoáng sản với trữ lượng lớn. Nếu không khai thác thì lãng phí tài nguyên, còn cho khai thác thì sẽ cạn kiệt và gây xung đột với người dân địa phương do mức độ kém an toàn, ô nhiễm môi trường… của hoạt động khai thác khoáng sản gây ra. Vậy, định hướng của tỉnh đối với việc khai thác khoáng sản trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Hoạt động khai thác, vận chuyển vật liệu xây dựng gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng.
 

- Khoáng sản trên địa bàn Đồng Nai chủ yếu là vật liệu xây dựng thông thường. Trong những năm gần đây, hoạt động xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu dân cư, nhà ở trên địa bàn tỉnh trở nên sôi động, nên nhu cầu vật liệu xây dựng ngày càng tăng cao. Để sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tránh lãng phí, UBND tỉnh đã chỉ đạo lập quy hoạch khoáng sản định hướng đến năm 2020. Việc khai thác khoáng sản đã được quản lý theo đúng quy hoạch, góp phần tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Chủ trương của tỉnh Đồng Nai là vừa khai thác để phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn trước mắt với các biện pháp bảo vệ môi trường hợp lý, hạn chế các tác động môi trường. Đồng thời, khoanh định những khu vực dự trữ đảm bảo để có thể đưa vào khai thác phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

 

* Có một thực tế đang diễn ra là hoạt động khai thác khoáng sản chủ yếu làm lợi cho doanh nghiệp, Nhà nước thu được một khoản thuế rất thấp, còn người dân trong vùng mỏ thì hầu như chẳng được gì, thậm chí còn bị thiệt hại. Ông nghĩ sao về thực trạng này và cần làm gì trong công tác quản lý nhà nước để điều chỉnh lợi ích "3 bên" phù hợp với quy định của pháp luật?

 

- Ngoài nộp các loại thuế theo quy định, doanh nghiệp còn phải nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.

 

Đối với người dân có đất và tài sản gắn liền trên đất trong vùng mỏ sẽ được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định khi thực hiện dự án khai thác. Tuy nhiên, trên thực tế thì giữa doanh nghiệp và người dân thường thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để người dân chủ động chuyển đổi nghề nghiệp. Ngoài ra, hàng năm Nhà nước đều dành một khoản từ ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương có khoáng sản được khai thác, chế biến; tạo điều kiện ổn định sản xuất và đời sống cho bộ phận nhân dân địa phương; doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ, phục hồi môi trường, đất đai...

 

Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, một số khu vực gần các mỏ khai thác khoáng sản đã ít nhiều bị tác động bởi hoạt động khai thác và vận chuyển. Trước thực trạng này, các sở, ngành, địa phương đã và đang tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

 

Tỉnh cũng đã kiến nghị trung ương xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách theo hướng tăng nguồn thu để lại cho địa phương từ hoạt động khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa bàn có tài nguyên khoáng sản bị khai thác.

 

* Tình trạng khai thác, chế biến, vận chuyển vật liệu xây dựng gây bụi bẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân diễn ra rất phổ biến. Sở Tài nguyên - môi trường có giải pháp nào để bảo vệ môi trường sống ở vùng mỏ?

 

- Các dự án khai thác khoáng sản trước khi được cấp giấy phép đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và đưa ra các giải pháp khắc phục của các tác động ấy. Do đó, để bảo vệ môi trường sống ở vùng mỏ, Sở Tài nguyên - môi trường liên tục yêu cầu (thông qua hoạt động thanh tra) doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường. Theo đó, để hạn chế bụi phát tán trong quá trình khai thác, doanh nghiệp phải trồng cây xanh xung quanh khu vực mỏ khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án. Trong quá trình chế biến và xúc bốc, phải sử dụng hệ thống phun nước tại những khâu phát sinh bụi. Và khi vận chuyển, phương tiện phải chở đúng tải trọng và có bạt che theo đúng quy định; đường vận chuyển phải thường xuyên dọn vệ sinh...

 

Sắp tới, chúng tôi sẽ cho tăng cường kiểm tra để xử lý nghiêm các hoạt động làm ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác, chế biến và vận chuyển khoáng sản.

 

* Thực tế, nhiều mỏ khoáng sản sau khi khai thác xong, chủ mỏ không phục hồi môi trường, san lấp đất trả lại hiện trạng ban đầu theo quy định của pháp luật. Ngành tài nguyên - môi trường có kiểm tra, xử lý và làm gì để khắc phục tình trạng này?

 

- Các mỏ khi kết thúc khai thác, để được đóng cửa mỏ, phải phục hồi môi trường và đất đai đúng theo nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án ký quỹ phục hồi môi trường đã được thẩm định và phê duyệt. Sau đó, các sở, ngành và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra xem xét kiến nghị cho đóng cửa mỏ. Trong thời gian qua, các mỏ đã kết thúc khai thác trên địa bàn tỉnh đều được cho phép đóng cửa đúng quy định. Bên cạnh đó, hiện nay còn một số mỏ ngưng khai thác nhưng chưa thực hiện việc đóng cửa. Sở Tài nguyên - môi trường sẽ kiểm tra, xử lý các trường hợp này.

 

Đối với các mỏ đá, Luật Khoáng sản không quy định phải san lấp trả lại hiện trạng ban đầu sau khi ngừng khai thác! Do đó, sau năm 2010, các mỏ đá trong TP.Biên Hòa và các mỏ đá hết hạn khai thác sẽ phải đóng cửa và các doanh nghiệp có trách nhiệm phục hồi môi trường và đất đai đúng theo nội dung cam kết. Riêng các mỏ đá trong TP.Biên Hòa sẽ được cải tạo thành các hồ nước gắn liền với công viên cây xanh.

 

* Xin cảm ơn ông.

Phong vũ – Phạm Mai (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều