Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầu tư vào GAP để đón cơ hội

09:07, 05/07/2010

Cuối tháng 6-2010, Hợp tác xã (HTX) Suối Lớn đã được Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 trao giấy chứng nhận VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam) cho sản phẩm xoài. Đây là đơn vị đầu tiên của tỉnh được cấp giấy chứng nhận này. Phóng viên (PV) Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm HTX về chương trình GAP mà HTX thực hiện.

Anh Nguyễn Thế Bảo

Cuối tháng 6-2010, Hợp tác xã (HTX) Suối Lớn đã được Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 trao giấy chứng nhận VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam) cho sản phẩm xoài. Đây là đơn vị đầu tiên của tỉnh được cấp giấy chứng nhận này. Phóng viên (PV) Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm HTX về chương trình GAP mà HTX thực hiện.

 

* PV: Nhiều người cho rằng chỉ một năm triển khai thực hiện mà HTX Suối Lớn đã đạt được chứng nhận VietGAP là khá nhanh. Bằng cách nào HTX đã làm được điều này?

 

- Anh Nguyễn Thế Bảo: Trước khi triển khai chương trình VietGAP, HTX chúng tôi đã đầu tư khá bài bản cho sản xuất từ việc chăm sóc cây cho đến công nghệ sau thu hoạch. Khi bắt tay vào chương trình này lại được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng với UBND huyện Xuân Lộc tạo điều kiện tốt nên rút ngắn được thời gian rất nhiều.

 

* Được biết, để sản xuất theo chương trình VietGAP, việc đầu tư là khá tốn kém, vậy HTX tính toán như thế nào về lợi ích của VietGAP mang lại?

 

- Đúng là đầu tư vào VietGAP rất tốn kém. Tính đến ngày chúng tôi được nhận giấy chứng nhận, tổng số vốn đầu tư lên đến 1,2 tỷ đồng và hàng năm phải tốn một khoản phí để Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 kiểm tra nếu đạt sẽ cấp giấy chứng nhận tiếp. Là một HTX nông nghiệp vốn góp của các xã viên không nhiều nên khi thực hiện dự án đã có ý kiến của xã viên cho rằng có chắc khi có giấy chứng nhận VietGAP thì xoài bán được cao giá hơn bình thường hay không. Thị trường tiêu thụ có mở rộng hơn không? Ban chủ nhiệm chúng tôi thì tính khác, nếu chỉ đơn thuần xây dựng VietGAP với hy vọng bán được xoài giá cao ngay thì không nên thực hiện. Bởi, thực tế xoài sản xuất theo quy trình này là xoài sạch, về mẫu mã xấu hơn so với sản xuất bình thường vì phải hạn chế lượng phân hóa học cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật. Như thế khi bán ra thị trường sẽ kém sức cạnh tranh, nhưng điều chúng tôi mong đợi là ở thương hiệu và cơ hội sau này cho HTX.

Khách tham quan khu vực xử lý thuốc bảo vệ thực vật áp dụng VietGAP của HTX Suối Lớn.

* Anh có thể nói rõ hơn về thương hiệu và cơ hội mà HTX kỳ vọng vào VietGAP?

 

- Cũng như trước đây tôi từng giải thích với gia đình mình, nếu thành lập HTX chỉ để bán xoài với giá cao thì không cần thiết mà làm chủ vựa kinh doanh xoài sẽ tốt hơn. Chương trình VietGAP cũng vậy, HTX Suối Lớn đang xây dựng cho mình thương hiệu xoài thì nhất thiết phải có sản phẩm xoài sạch cung cấp cho thị trường. Hiện nay chúng tôi mới làm 15 hécta xoài theo tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng khoảng 450 tấn/năm và sẽ mở rộng khi thị trường có nhu cầu. Qua khảo sát nhu cầu về trái cây sạch trong nước mấy năm gần đây đang tăng dần, vậy thì HTX không có lý do gì không đón lấy cơ hội mặc dù trước mắt còn khá khó khăn do thói quen tiêu dùng. Không chỉ vậy, có sẵn sản phẩm đạt tiêu chuẩn khi tiếp cận được những thị trường nước ngoài là xuất khẩu được ngay, không bị lỡ cơ hội. Ngoài VietGAP hiện chúng tôi đang triển khai chương trình GlobalGAP (tiêu chuẩn của châu Âu) để nhắm vào thị trường xuất khẩu. Vừa rồi chúng tôi cũng đã gửi một số mẫu xoài đi chào hàng ở thị trường châu Âu và Mỹ, hy vọng xoài của Suối Lớn có thể xâm nhập được những thị trường này.

 

* Xin cảm ơn anh!

 

Vân Nam (thực hiện)

 

Tin xem nhiều