Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát tại nhiều địa phương trong tỉnh, mạnh nhất là ở Biên Hòa, Trảng Bom và Xuân Lộc. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ CAO TRỌNG NGƯỠNG, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai về công tác phòng chống dịch bệnh này.
Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát tại nhiều địa phương trong tỉnh, mạnh nhất là ở Biên Hòa, Trảng Bom và Xuân Lộc. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ CAO TRỌNG NGƯỠNG, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai về công tác phòng chống dịch bệnh này. Bác sĩ Ngưỡng cho biết:
Đúng là dịch SXH đang bùng phát tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện nằm dọc quốc lộ 1A: Biên Hòa có 476 trường hợp bị mắc bệnh, Trảng Bom có 431 trường hợp và Xuân Lộc có 243 trường hợp. Tính đến ngày 23-8, toàn tỉnh ghi nhận được 1.655 trường hợp có triệu chứng SXH, trong đó số bệnh nhân điều trị SXH tại các bệnh viện khoảng 1.000 ca, 3 ca đã tử vong. 2 tuần đầu tháng 8, mỗi tuần có khoảng 100 ca mắc bệnh, nhưng 2 tuần cuối tháng tình hình tăng mạnh, số ca SXH đã tăng lên 200 ca/tuần. Nếu diễn tiến theo xu hướng này, đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 9. Nếu không được khống chế, dự báo số ca mắc bệnh sẽ cao hơn đỉnh dịch năm ngoái.
* Ngành đã thực hiện các biện pháp nào để khống chế dịch bệnh, thưa ông?
- Chúng tôi đã tổ chức giám sát dịch bệnh ở tất cả các huyện, thị, thành. Trong đó, chúng tôi khoanh vùng 3 địa phương trọng điểm là Biên Hòa, Trảng Bom và Xuân Lộc để tập trung các biện pháp dập dịch. Ngành đã tổ chức 2 đợt với 4 vòng phun hóa chất và 2 vòng chiến dịch diệt lăng quăng. Tuy nhiên, phải hạn chế phun xịt hóa chất vì cũng ít nhiều gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, mà chú trọng đến các hoạt động diệt lăng quăng, chống muỗi đốt. Dự kiến ngày 10-9, chúng tôi sẽ tổ chức vòng 3 chiến dịch diệt lăng quăng tại tất cả các địa phương, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người dân phòng ngừa dịch bệnh.
* Thưa ông, tại sao năm nào cũng có người tử vong vì bệnh này? Phải chăng ngành chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng ngừa hay người dân chưa xem dịch bệnh SXH là nguy hiểm?
- Việc phòng ngừa dịch bệnh này khá đơn giản, chỉ cần vệ sinh môi trường sống tốt, diệt lăng quăng, không để muỗi đốt... Tuy nhiên, do thói quen của người dân về giữ vệ sinh môi trường sống còn hạn chế, còn để nhiều vật làm trung gian cho muỗi đẻ trứng. Trung tâm y tế dự phòng đã làm khảo sát nhận thức của người dân đối với bệnh SXH, kết quả có đến 80% người dân hiểu về bệnh và cơ chế gây bệnh này. Nhưng số người hành động để ngăn ngừa bệnh lại rất thấp. Trong phòng ngừa, diệt lăng quăng vẫn là biện pháp quan trọng nhất. Với việc này, ngành y tế không làm xuể, mà cần có sự vào cuộc của cộng đồng.
* Vậy, những rào cản nào khiến cộng đồng không quan tâm đến chuyện diệt lăng quăng để phòng ngừa SXH?
- Đó là nhận thức của người dân còn chủ quan về bệnh SXH, coi đó bệnh thông thường không nguy hiểm, thêm nữa là tâm lý ỷ lại vào hoạt động giám sát dịch bệnh và phun xịt hóa chất phòng ngừa của ngành y tế; sự phối hợp giữa ngành y tế và các địa phương trong công tác tuyên truyền phòng chống SXH huyết chưa tốt...
Phương Liễu (thực hiện)