Báo Đồng Nai điện tử
En

Các địa phương chủ động phòng dịch

09:08, 02/08/2010

Trong những ngày gần đây, dịch heo tai xanh đã bắt đầu có dấu hiệu xuất hiện ở xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu). Đây là địa bàn tiếp giáp với nhiều địa phương, nên có nguy cơ lây lan rất cao. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về những biện pháp ngăn chặn không để dịch lây lan ra diện rộng, ông TRẦN VĂN QUANG, Phó Chi cục trưởng Chi cục thú y Đồng Nai cho biết...

Ông Trần Văn Quang

Trong những ngày gần đây, dịch heo tai xanh đã bắt đầu có dấu hiệu xuất hiện ở xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu). Đây là địa bàn tiếp giáp với nhiều địa phương, nên có nguy cơ lây lan rất cao. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về những biện pháp ngăn chặn không để dịch lây lan ra diện rộng, ông TRẦN VĂN QUANG, Phó Chi cục trưởng Chi cục thú y Đồng Nai cho biết:

- Từ ngày 24-7, khi nhận được thông tin xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) có heo chết, Chi cục thú y đã phối hợp với huyện, xã xuống tận nơi kiểm tra và lấy mẫu đem đi xét nghiệm. Tuy nhiên, theo kiểm tra ban đầu chúng tôi nhận thấy heo có triệu chứng bị bệnh tai xanh, nên không đợi kết quả xét nghiệm, Chi cục cùng với địa phương đã đưa heo bị bệnh đi tiêu hủy. Ngày 28-7, khi nhận kết quả 4 mẫu thịt đem đi xét nghiệm đều dương tính với bệnh tai xanh nên ngày 29-7, tỉnh đã công bố dịch; đồng thời lập 4 chốt kiểm dịch tại xã Vĩnh Tân và 2 chốt kiểm dịch ở đường chính vào huyện Vĩnh Cửu để ngăn chặn không cho heo từ vùng dịch ra ngoài địa bàn. Các chốt này có lực lượng công an, thú y, dân quân trực cả ngày lẫn đêm. Ngoài ra, chi cục đã cấp gần 500 lọ thuốc cho người chăn nuôi ở xã Vĩnh Tân để tiêu độc sát trùng chuồng trại.

 

* Dịch heo tai xanh xảy ra ở Vĩnh Tân, theo ông nguyên nhân là do đâu?

- Để xảy ra dịch lần này là do người chăn nuôi nhỏ lẻ còn lơ là, chưa chủ động trong công tác phòng dịch. Cụ thể, chuồng trại chăn nuôi của các hộ nuôi nhỏ lẻ đa số không được tiêu độc, sát trùng thường xuyên và tiêm phòng các bệnh bắt buộc chưa đầy đủ. Khi mua giống về nuôi, các hộ thường không đảm bảo thời gian cách ly trước khi nhập đàn. Vì vậy, đến thời điểm này, dịch chỉ bùng phát ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong xã, còn 25 trang trại nuôi heo được cách ly, sát trùng tiêu độc đúng quy trình của thú y hiện vẫn chưa xuất hiện heo bị bệnh tai xanh.

Bên cạnh lỗi của người dân, địa phương cũng chưa chủ động trong công tác phòng dịch, đặc biệt là công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện các phương pháp chăn nuôi an toàn. Hiện nay, dịch diễn biến rất phức tạp, thời tiết nóng ẩm sẽ làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh. Do đó, nếu các xã chủ quan trong công tác phòng dịch sẽ rất dễ xảy ra dịch bệnh.

Phát thuốc sát trùng miễn phí cho người dân xã Vĩnh Tân để xử lý chuồng trại.

* Ở một số huyện hiện cũng đang xảy ra tình trạng heo bị chết. Đó có phải do bệnh tai xanh không, thưa ông?

- Heo bị chết 1-2 con trong một đàn là chuyện vẫn xảy ra thường xuyên. Nếu không được chăm sóc, phòng bệnh tốt heo có thể chết vì nhiều bệnh khác chứ không riêng bệnh tai xanh. Hiện tỉnh đã có văn bản đề nghị các huyện, thị, thành chỉ đạo Ban phòng chống dịch hại vật nuôi và cây trồng các xã, phường rà soát kỹ các hộ chăn nuôi heo, phát hiện heo có dấu hiệu tai xanh cho tiêu hủy ngay không cần đợi lấy mẫu kiểm tra để dập ổ dịch. Công tác phòng dịch tốt hay không là do sự chủ động của từng địa phương, còn cơ quan thú y chỉ hỗ trợ kỹ thuật trong phương pháp phòng chống dịch.

* Xin cảm ơn ông!

H.Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều