Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần các giải pháp "chiến lược" để kéo giảm tai nạn giao thông

09:08, 06/08/2010

7 tháng đầu năm 2010 tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, nhất là đường bộ và đường thủy. Tuy nhiên, theo đại tá VÕ VĂN SÁNG, Phó giám đốc Công an tỉnh kiêm Phó trưởng ban An toàn giao thông tỉnh, TNGT vẫn còn đe dọa nhiều mối nguy cơ tiềm ẩn.

7 tháng đầu năm 2010 tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, nhất là đường bộ và đường thủy. Tuy nhiên, theo đại tá VÕ VĂN SÁNG, Phó giám đốc Công an tỉnh kiêm Phó trưởng ban An toàn giao thông tỉnh, TNGT vẫn còn đe dọa nhiều mối nguy cơ tiềm ẩn.

 

* PV: Tại một cuộc họp mới đây, đại tá cho rằng, cùng với các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ, hiện nay tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn các khu công nghiệp và tại các điểm trường học đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường…

 

- Đại tá Võ Văn Sáng: Đúng là như vậy. Hiện nay, trật tự ATGT xảy ra tại các khu vực có khu công nghiệp (KCN) và cổng trường học là rất đáng báo động.

 

Trên địa bàn tỉnh có 21 KCN đã đi vào hoạt động, với khoảng 600 ngàn lao động đang làm việc. Đa số các KCN tập trung dọc theo các tuyến quốc lộ hoặc đấu nối trực tiếp với quốc lộ nhưng lại không có đường gom, cầu vượt. Mặt khác, hầu hết các công ty, xí nghiệp chưa đáp ứng được việc đưa đón bằng xe công cộng nên công nhân phải tự túc về phương tiện đi lại. Các trường học trên địa bàn thì chủ yếu tập trung tại các đô thị. Đại đa số học sinh tiểu học khi đến trường đều được phụ huynh đưa đón. Do vậy, vào những giờ cao điểm thì mật độ người và phương tiện tham gia giao thông rất lớn, gây áp lực cho việc đảm bảo trật tự ATGT.

 

* Vậy ngành công an cần làm gì để ngăn chặn, kéo giảm TNGT, thưa đại tá?

 

- Trước tình hình trên, Ban giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, giải tỏa lòng lề đường, bố trí lực lượng phù hợp tại các chốt có đường đấu nối với các KCN, ở những cổng trường học phức tạp về trật tự ATGT vào các giờ cao điểm để giữ gìn trật tự, điều tiết, hướng dẫn, hạn chế ùn tắc giao thông. Mặt khác, cảnh sát giao thông (CSGT) phối hợp với ngành Giáo dục - đào tạo tổ chức thí điểm tổ chức đưa đón học sinh và phối hợp với Ban Quản lý các KCN phát động công nhân cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

 

* Bên cạnh đó, TNGT đường sắt cũng gia tăng đáng báo động trong những tháng qua. Lực lượng CSGT, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần làm gì để hạn chế?

 

- Trong 7 tháng đầu năm 2010, tình hình TNGT trên tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, xảy ra 13 vụ, làm 12 người chết, 3 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường sắt của người dân chưa cao. Có 8/13 vụ do người dân đi lại, nằm ngồi trên đường ray trái quy định; có 4 vụ do người điều khiển xe máy băng qua đường sắt không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên cũng phải thấy, việc tuyên truyền Luật Đường sắt chưa được tiến hành thường xuyên; tình hình vi phạm hành lang đường sắt làm hạn chế tầm nhìn của lái tàu và việc người dân tự mở đường dân sinh cắt ngang đường sắt còn phổ biến, chưa có đường gom, cầu vượt qua các điểm dân cư đông đúc...

 

Để đảm bảo ATGT, người đi đò ngang cần mặc áo phao như thế này.

Để hạn chế tai nạn, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật và ý thức chấp hành về trật tự ATGT đường sắt cho mọi người dân, trọng tâm là quy tắc giao thông tại đường ngang và các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt; kiến nghị khắc phục hoặc bố trí phòng vệ an toàn, nâng cấp các đường ngang dân sinh có mật độ tham gia giao thông cao...

 

* Hiện nay đã bắt đầu vào mùa mưa bão, thì ATGT đường thủy cũng rất đáng quan ngại. Theo đại tá cần phải đảm bảo an toàn cho tuyến giao thông này bằng cách nào?

 

- Nhằm góp phần đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, thời gian qua, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát đường thủy thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành, xử lý các trường hợp vi phạm. Những bến khách, người lái và phương tiện không đảm bảo điều kiện hoạt động đều bị lập biên bản đình chỉ, bàn giao chính quyền địa phương giám sát, quản lý. Hiện nay, còn 10 bến đò ngang sông (ở huyện Tân Phú) hoạt động không có giấy phép, không đảm bảo an toàn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên diễn ra trong thời gian dài là do ở một số nơi, đây là loại hình vận chuyển duy nhất; ý thức chấp hành pháp luật của chủ bến, chủ đò còn thấp; UBND các xã, phường chưa thực sự quan tâm đến ATGT đường thủy...

 

Để xử lý các bến đò ngang hoạt động không phép, không đảm bảo các điều kiện ATGT thì chính quyền địa phương quan tâm tuyên truyền pháp luật cho chủ bến, người dân. Về lâu dài, cần có quy định bổ sung việc cấp phép hoạt động của bến đò ngang theo hướng giao thẩm quyền cho UBND cấp huyện...

 

* Xin cảm ơn đại tá.

 

Đại tá VÕ VĂN SÁNG đề nghị: Để giải quyết tình hình trật tự ATGT tại các KCN và điểm trường học một cách triệt để thì cần phải có biện pháp cơ bản, chẳng hạn như xây dựng các KCN phải làm đường gom, cầu vượt trước khi cấp phép đi vào hoạt động; có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, trường học đưa đón công nhân, học sinh bằng phương tiện công cộng. Đối với giao thông đường thủy, cần tạo điều kiện cho chủ bến về thời gian khai thác đủ để họ có thể đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo an toàn; Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện đò ngang đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cho những xã khó khăn...

Phong Vũ  (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều