Vừa qua, Báo Đồng Nai nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc hỏi về trình tự, thủ tục nơi nhận giải quyết khiếu nại của người dân về việc công trình xây dựng kế cận gây ảnh hưởng đến nhà mình... Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa và được ông cho biết:
Vừa qua, Báo Đồng Nai nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc hỏi về trình tự, thủ tục nơi nhận giải quyết khiếu nại của người dân về việc công trình xây dựng kế cận gây ảnh hưởng đến nhà mình... Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông DOÃN VĂN ĐỒNG, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa và được ông cho biết:
- Hiện nay ở TP. Biên Hòa, phần lớn nhà đều xây dựng sát nhau, vì vậy sự cố về xây dựng như làm lún, nứt nhà hàng xóm, công trình kế cận là chuyện thường xảy. Đây chính là nguyên nhân nảy sinh ra việc tranh chấp, khiếu kiện. Do nhiều người dân chưa biết thủ tục nên gửi đơn đến nhiều nơi, việc này không chỉ tốn thời gian, công sức, kinh phí mà còn làm ảnh hưởng đến việc giải quyết khiếu kiện.
* PV: Vậy theo ông, khi phát hiện công trình xây dựng nhà kế cận ảnh hưởng đến nhà mình, người dân có thể gửi đơn ở đâu để được giải quyết?
- Theo quy định thì công trình xây dựng thuộc cấp nào cấp phép, thì cấp đó có trách nhiệm quản lý và xử lý những vi phạm phát sinh. Do vậy, khi phát hiện vi phạm, trước tiên người dân phải báo ngay cho chính quyền địa phương và yêu cầu chính quyền địa phương lập biên bản hiện trạng. Thường thì chính quyền địa phương sẽ mời hai bên lên hòa giải, đề ra biện pháp khắc phục. Nếu không thống nhất được, lúc đó sẽ chuyển đơn đến Phòng Quản lý đô thị và Đội trật tự đô thị để tiếp tục giải quyết. Tuy nhiên, nếu cảm thấy vụ việc mang tính "cấp bách" người dân cũng có thể trực tiếp gửi đơn đến các cơ quan trên. Thực tế có nhiều vụ nếu được giải quyết rốt ráo ngay từ đầu sẽ đơn giản hơn rất nhiều chứ chờ đến khi công trình xây dựng hoàn thành thì rất khó xác định nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng...
* Mức độ ảnh hưởng như thế nào thì mới bị đình chỉ xây dựng và những hành vi vi phạm nào sẽ bị xử lý, thưa ông?
- Việc giải quyết khiếu nại sẽ được căn cứ theo quy định tại Điều 15, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7-12-2007 quy định xử lý công trình xây dựng ảnh hưởng đến chất lượng công trình lân cận; ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư như sau:
+ Trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công xây dựng để thực hiện bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì bên thiệt hại có quyền khởi kiện đòi bồi thường tại tòa án. Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại.
+ Trường hợp công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận, để vật tư, vật liệu và thiết bị thi công gây cản trở giao thông công cộng thì phải ngừng thi công xây dựng; chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng phải có biện pháp khắc phục hậu quả; việc thi công xây dựng chỉ được phép tiếp tục khi chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng đã hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và bảo đảm không làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực lân cận.
+ Trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu thi công không thực hiện các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này phải bị đình chỉ thi công xây dựng, đồng thời áp dụng biện pháp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định này cho đến khi chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.
* Thực tế có nhiều trường hợp nhiều người cố tình gây khó khăn bằng cách kiện thưa để buộc hàng xóm sửa nhà miễn phí cho mình, trường hợp đó xử lý thế nào?
- Thực tế cũng có rất nhiều trường hợp nhà đã bị hư hỏng từ trước, nhưng khi nhà kế bên sửa chữa, xây dựng chủ nhà lại đổ hết trách nhiệm cho nhà đang xây hoặc không cho đứng nhờ lên mái nhà để tô tường, cố tình kiện thưa gây khó khăn cho nhà bên cạnh... Việc này phải nhờ chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng vận động giải thích. Hiện chưa có quy định để xử lý cho những trường hợp này. Chúng tôi đang nghiên cứu tìm biện pháp xử lý, nhằm tránh những mâu thuẫn cá nhân ảnh hưởng đến giá trị tài sản của từng phía. Tuy nhiên, để hạn chế những tranh chấp có thể phát sinh; trước khi sửa chữa hay xây dựng nhà ở, chủ hộ xây dựng phải kiểm tra hiện trạng các công trình liền kề, lân cận. Biên bản do cán bộ Phòng Quản lý đô thị thành phố lập có sự xác nhận của đôi bên. Đây sẽ là căn cứ để giải quyết các tranh chấp sau này, bảo vệ quyền lợi của cả hai phía. Khi kiểm tra, chủ công trình xây dựng sẽ đưa ra giải pháp thi công thích hợp để tránh gây thiệt hại cho đôi bên. Bên cạnh đó, việc tạo mối quan hệ xóm giềng để tìm sự cảm thông giữa các chủ hộ kế cận là rất quan trọng.
* Xin cảm ơn ông.
Kim Liễu