Báo Đồng Nai điện tử
En

Ba điểm yếu của ngành thủ công mỹ nghệ xuất khẩu

10:09, 06/09/2010

Thủ công mỹ nghệ (TCMN) là một trong những ngành xuất khẩu được xem là "thực thu" so với nhiều ngành xuất khẩu khác do nguyên liệu, nhân công... hầu hết đều ở trong nước. Tuy nhiên, ngành TCMN trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nội tại khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu - thị trường lớn nhất hiện nay.

Thủ công mỹ nghệ (TCMN) là một trong những ngành xuất khẩu được xem là "thực thu" so với nhiều ngành xuất khẩu khác do nguyên liệu, nhân công... hầu hết đều ở trong nước. Tuy nhiên, ngành TCMN trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nội tại khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu - thị trường lớn nhất hiện nay. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông LÊ BÁ NGỌC, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam về vấn đề này.

 

Sản xuất gốm sứ tại Đồng Nai ngày càng gặp khó khăn do sản phẩm ít cải tiến, không đa dạng.

* Thị trường lớn, hàng rào kỹ thuật khắt khe

 

* PV: Thưa ông, tình hình xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam sang các nước châu Âu hiện nay ra sao? Doanh nghiệp (DN) đang có những khó khăn gì khi muốn mở rộng thị trường?

 

- Ông Lê Bá Ngọc: Từ đầu năm 2010, thị trường này đã phục hồi khá mạnh so với năm 2009 với mức tăng trưởng khoảng 8 - 10%. Tuy nhiên, yêu cầu của thị trường châu Âu ngày càng khắt khe hơn với các hàng rào kỹ thuật ngày một hoàn thiện. Những đòi hỏi như: sản phẩm phải thân thiện với môi trường, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và các yêu cầu khác về trách nhiệm xã hội khiến cho nhiều DN sản xuất hàng TCMN của Việt Nam bối rối.

 

Tuy nhiên, khó khăn chủ yếu nằm ở những vấn đề nội tại của DN trong nước, trong đó nặng nề nhất là tình trạng thiếu hụt lao động. Đặc trưng của lao động ngành TCMN là thu nhập khá, song thiếu tính ổn định. Nhiều vùng TCMN nổi tiếng hiện đang thiếu lao động rất trầm trọng như: Quảng Nam, Hà Nam... Lao động thiếu nên phải đào tạo mới, đào tạo mới dẫn đến tay nghề non, do đó khi giao hàng DN hay bị khiếu nại... Đây là tình hình khá phổ biến hiện nay.

 

* Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu có ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu hàng TCMN của Việt Nam không, thưa ông?

 

- Kim ngạch hàng TCMN ở thị trường châu Âu hàng năm khoảng 300 triệu USD. Mức tăng trưởng ở thị trường này khoảng 8 - 10%. Khủng hoảng nợ châu Âu cũng ảnh hưởng khá nhiều đến DN do tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng vì hàng TCMN không phải là nhóm hàng thiết yếu nên dễ bị cắt bỏ. Chẳng hạn, thị trường Đức - vốn là thị trường lớn nhất của hàng TCMN Việt Nam - vào cuối năm 2009 bị suy giảm gần 15%, nhiều DN gặp khó khăn. Tuy nhiên, đến lúc này, thị trường đã ổn định trở lại, các đơn hàng đều đặn hơn.

 

* Hàng TCMN Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh nào, đặc biệt là đối với hàng Trung Quốc?

 

- Cạnh tranh với hàng Trung Quốc trên lĩnh vực xuất khẩu là vấn đề lớn, song hàng TCMN Việt Nam cũng có những lợi thế có tính đặc thù riêng. Chẳng hạn gốm Đồng Nai, gốm Bát Tràng có những mặt hàng mang tính địa phương và có những nét khác biệt rất nghệ thuật được nhiều thị trường ưa thích. Về cạnh tranh, Trung Quốc là nước có nền sản xuất lớn, đại trà, nếu hàng TCMN của Việt Nam cũng đi vào phân khúc giá rẻ, so kè với Trung Quốc về giá thì rất khó. Hiện tại, hàng TCMN của Trung Quốc xuất vào châu Âu thì có đến 70% là hàng giá rẻ nên nếu DN Việt Nam cũng "lao" vào hàng giá rẻ thì rất dễ "thua". Do đó, DN cần có chiến lược khác bằng cách tập trung vào phân khúc thị trường trung - cao cấp. Nhiều DN Việt Nam hiện đang theo hướng đó, và theo tôi đây là hướng tồn tại chính.

 

* 3 điểm yếu cố hữu

 

* DN phải cải thiện những vấn đề nào khi muốn mở rộng thị trường, thưa ông?

 

- Trong tương lai, nhu cầu của nhóm hàng này ở châu Âu vẫn tăng. Hiện tại, tỷ lệ hàng TCMN Việt Nam vào châu Âu chỉ chiếm khoảng 2 - 3% trong tổng số tiền người châu Âu chi tiêu cho mặt hàng này hàng năm, tức khoảng 13 tỷ USD. Từ đó, có thể thấy DN Việt Nam còn rất nhiều cơ hội phát triển thị trường. Tuy nhiên, DN cần khắc phục những điểm yếu của mình về: mẫu mã chất lượng; ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào và nâng cao trình độ quản lý. Đây là 3 điểm hạn chế chính của DN TCMN trong nước. Mặt khác, ta thiếu chiến lược về nguyên liệu, không có các vùng nguyên liệu mang tầm quốc gia mà phân bố nhỏ lẻ, khó tập trung và khó quản lý.

 

* Ông nhận xét gì về ngành TCMN Đồng Nai, đặc biệt là ngành gốm sứ, được xem là mũi nhọn của địa phương?

 

- Đồng Nai hiện là một trong 3 trung tâm gốm sứ lớn của cả nước. Xét về tiềm năng thì rất lớn. Song khó khăn cơ bản nhất vẫn là phát triển sản phẩm. Thực tế trong rất nhiều DN gốm sứ ở Đồng Nai thì những DN có sản phẩm đa dạng không nhiều. Tôi nghĩ đây là vấn đề khá khó khăn mà ngành gốm Đồng Nai cần tìm cách cải thiện. Mặt khác, nguyên liệu gốm sứ của Đồng Nai đang bị hạn chế dần và ngày một khó tìm hơn.

 

* Xin cảm ơn ông!

Vi Lâm - Vân Nam (thực hiện)

 

Tin xem nhiều