Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một:
Thực hiện các giải pháp đồng bộ để tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

10:09, 22/09/2010

Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Võ Văn Một, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh nội dung: Làm thế nào để Đồng Nai tiếp tục phát triển KT-XH nhanh, bền vững trong 5 năm tới?

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một

Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Võ Văn Một, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh nội dung: Làm thế nào để Đồng Nai tiếp tục phát triển KT-XH nhanh, bền vững trong 5 năm tới? 

 

* Phóng viên: Đồng chí có thể đánh giá về những mặt được của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ vừa qua (2006-2010)?

 

- Chủ  tịch  UBND  tỉnh Võ Văn Một: Trong 5 năm qua, thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010 trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có những biến động khó lường, riêng năm 2009 do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động đến kết quả thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ của cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng. Song, với quyết tâm nỗ lực, tập trung cao độ, phối hợp tốt trong chỉ đạo điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước và toàn thể nhân dân trong tỉnh đã tạo sự chuyển biến về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; nổi bật trong 5 vấn đề như sau:

 

Một là, đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng và từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng bình quân 5 năm (2006-2010) là 13,2%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2001-2005 (12,9%). Trong đó, ngành công nghiệp, xây dựng tăng 14,4%; dịch vụ tăng 14,9%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,5%.  

 

Hai là, sự nghiệp giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ có tiến bộ. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao phát triển. Công tác y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, giảm nghèo đạt những kết quả quan trọng. Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có tiến bộ, đạt được một số kết quả nhất định.

 Ba là, tiềm lực quốc phòng an ninh, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được tăng cường và củng cố vững chắc; kết hợp chặt chẽ quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Bốn là, quan tâm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy nhà nước các cấp, các cơ quan dân cử; đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp.

 

Năm là, công tác vận động quần chúng của Đảng bộ tiếp tục đổi mới và đi vào chiều sâu. Khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng và phát huy; nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể đổi mới theo hướng chất lượng, hiệu quả.

 

* Vậy, còn những điều gì đồng chí cảm thấy chưa thật hài lòng?

 

-  Bên cạnh những thành tựu đạt được, điều mà chúng tôi cảm thấy ở góc độ chung, không chỉ ở các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp địa phương và cả trong nhân dân mong đợi là cần phải làm  gì và làm thế nào để sớm thúc đẩy kinh tế phát triển tương xứng với tiềm năng của tỉnh và giải quyết có hiệu quả một số yếu tố làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.

 

* Theo đồng chí, cần phải tập trung đầu tư cho những vấn đề gì để tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế Đồng Nai phát triển bền vững trong 5 năm (2010-2015)?

 

- Điều mà chúng ta phải làm gì và làm thế nào trong 5 năm giai đoạn 2010-2015 và những năm tiếp theo, chúng tôi cho rằng cần phải tập trung thực hiện bước đột phá vào 6 lĩnh vực sau:

 

+ Tập trung thu hút, đãi ngộ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi đầu ngành đáp ứng yêu cầu phát triển. Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ gắn với nâng cao hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn.

 

+ Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối vào các khu vực tập trung đô thị và khu công nghiệp trong tỉnh, các tuyến giao thông kết nối các tuyến đường cao tốc. 

 

+  Phát triển mạnh các ngành dịch vụ chất lượng cao (tài chính, ngân hàng, vận tải - kho bãi, thông tin liên lạc, khách sạn nhà hàng).

 

 + Thu hút đầu tư các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao. Xây dựng thương hiệu sản phẩm công nghiệp.

 

+ Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu nông sản hàng hóa.

 

+ Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các nhân tố của nền kinh tế tri thức, ưu tiên các lĩnh vực tạo sản phẩm có hàm lượng chất xám cao.

 

Để tạo ra đột phá vào 6 lĩnh vực trên, cần phải triển khai thực hiện đồng bộ  7 nhóm giải pháp sau:

 

1. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kết hợp xây dựng kết cấu  hạ tầng kinh tế - xã hội  theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Cụ thể, tập trung bố trí vốn đầu tư, phối kết hợp với các cấp bộ ngành trung ương để sớm hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng có sức lan tỏa, làm đòn bẩy kích các lĩnh vực khác, kéo theo phát triển: các tuyến  đường giao thông liên vùng, các khu công - nông nghiệp cao, khu công nghệ sinh học, sân bay Long Thành, chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1...

 

2. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ.

 

Đây là nền tảng để tạo ra, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, điều này  phải lưu ý đến việc phát triển cân đối giữa số lượng các cấp học, cấp đào tạo và chất lượng theo yêu cầu trước mắt và lâu dài;  cân đối  giữa đào tạo nghề - tạo việc làm với đào tạo nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất - kinh doanh; cân đối giữa ngành nghề quản lý và  công tác thực tiễn..

 

3. Quản lý chặt chẽ tài nguyên, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường.

 

Trong quá trình phát triển, đặc biệt ở lĩnh vực phát triển công nghiệp nhanh và cao, cần phải luôn quan tâm ngay từ đầu các yếu tố phát sinh gây tác hại đến môi trường. Vì vậy, đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, giáo dục phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường ở các khu dân cư đô thị và nông thôn, khu công nghiệp gắn với việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm gây ảnh hưởng môi trường  là rất quan trọng. Chú ý các vấn đề chăm sóc, quản lý bảo vệ  rừng, tài nguyên khoáng sản; đầu tư xử lý các loại chất thải sinh hoạt và độc hại, xử lý nước, nguồn nước trên địa bàn.  

 

4. Phát triển văn hóa, thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. 

 

Khai thác, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc ở địa phương làm cho giá trị văn hóa Việt Nam thấm sâu vào mọi mặt trong đời sống; triển khai đồng bộ và hiệu quả đề án phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; huy động các nguồn lực xã hội để tạo điều kiện nâng cao mức hưởng thụ và sáng tạo văn hóa cho người dân ở nông thôn.   

 

Phát triển thể dục thể thao một cách đồng bộ, hài hòa giữa phong trào quần chúng và thành tích cao. Tập trung mở rộng và phát triển nhanh mạng lưới y tế, nhất là y tế tuyến cơ sở; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng các dịch vụ y tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng chống dịch bệnh; thực hiện tốt việc kết hợp điều trị bằng y học hiện đại với y học cổ truyền trong công tác khám chữa bệnh.

 

5. Đảm bảo quốc phòng an ninh.

 

Tăng cường công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng trong lực lượng vũ trang. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và bồi dưỡng  kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, cán bộ lãnh đạo quân sự, công an xã, phường, thị trấn được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn có trình độ trung cấp trở lên. Chú trọng làm tốt công tác tuyển quân hàng năm, đảm bảo đủ về số lượng và tăng về chất lượng.  

 

6. Phát triển dân chủ XHCN, xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước.

 

Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thực hiện tốt việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp; nâng cao hiệu quả việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông nhằm tạo môi trường thuận lợi, minh bạch, công khai và cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, doanh nghiệp, công dân. Công khai các chuẩn mực, quy định hành chính.

 

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường thực hiện công tác kiểm tra giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Đẩy mạnh công tác thanh tra công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước. Tiếp tục phát huy tốt sự tham gia giám sát thực hiện cải cách hành chính của nhân dân.

 

7. Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

 

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước để tập hợp, đoàn kết mọi thành phần giai cấp, mọi người dân vì mục tiêu xây dựng Đồng Nai ngày càng giàu mạnh, văn minh.

 

* Xin cảm ơn đồng chí.

Xuân Phú (thực hiện)

Tin xem nhiều