Báo Đồng Nai điện tử
En

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Minh Hoàng:
Rèn kỹ năng sống, giúp học sinh ứng xử đúng mực

08:09, 05/09/2010

Năm học 2010-2011 được xác định là "Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục". Nhân dịp khai giảng năm học mới, nói về ý nghĩa của chủ đề xuyên suốt năm học này, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Minh Hoàng cho biết:

Năm học 2010-2011 được  xác định là "Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục". Nhân dịp khai giảng năm học mới, nói về ý nghĩa của chủ đề xuyên suốt năm học này, Giám đốc Sở GD-ĐT LÊ MINH HOÀNG cho biết:

 

- Trong năm học vừa qua, Bộ GD-ĐT đã xác định chủ đề là đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục. Qua một năm triển khai, kết quả đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, công tác đổi mới quản lý giáo dục vẫn còn những hạn chế nhất định. Bộ GD-ĐT cũng nhận định: chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Vì vậy, năm học 2010-2011 được Bộ GD-ĐT tiếp tục lấy chủ đề xuyên suốt năm học là "Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục", bởi đổi mới quản lý chính là điều kiện tiên quyết trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục...

 

* Để thực hiện có hiệu quả chủ đề của năm học, ngành đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm chủ yếu nào, thưa ông?

 

- Có 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được ngành GD-ĐT Đồng Nai tập trung thực hiện trong năm học 2010-2011.

Một là, tiếp tục khắc phục, tháo gỡ khó khăn trong công tác phối hợp quản lý nhà nước về giáo dục ở các địa phương.

 

Hai là, tiếp tục thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua, như "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; triển khai nhiệm vụ đặc thù của mỗi cấp học, ngành học một cách phù hợp, hiệu quả. Trong đó, chú ý công tác triển khai thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi; triển khai dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng phù hợp với từng đối tượng học sinh phổ thông. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng dạy 2 buổi/ngày ở những nơi có điều kiện, có nhu cầu, nhất là ở bậc tiểu học; tăng cường công tác phụ đạo, ôn tập cho học sinh yếu kém; giảm số lượng học sinh bỏ học; đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật, đạo đức, tư tưởng chính trị, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, đặc biệt có biện pháp phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội...

 

Cô và các em học sinh lớp 1 Trường TH, THCS, THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) trong ngày khai giảng năm học mới.

Ba là, tiếp tục chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Biện pháp triển khai tập trung đẩy mạnh việc rà soát, phân bố lại đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng năng lực quản lý cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và tổ trưởng chuyên môn sẽ đặc biệt được quan tâm; chú ý công tác bồi dưỡng năng lực quản lý học sinh, tổ chức dạy học của giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm.

 

Bốn là, thực hiện công tác đổi mới quản lý tài chính giáo dục, ưu tiên ngân sách để triển khai phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, chống mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đảm bảo chi hoạt động thường xuyên cho các cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh việc xã hội giáo dục, tăng cường huy động các nguồn lực phát triển giáo dục, nhất là ở loại hình trường lớp 2 buổi/ngày ở những nơi có điều kiện và yêu cầu.

 

Năm là, tiếp tục phát triển mạng lưới trường lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục. Hoàn thành việc xây dựng "Quy hoạch phát triển giáo dục của địa phương giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2010"; huy động nguồn lực xã hội để mở rộng quy mô trường, lớp, học sinh; tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo nhà vệ sinh cho học sinh đầy đủ, an toàn, sạch sẽ...

 

* Thưa ông, năm học 2009-2010, dù đã có nhiều cố gắng nhưng tỷ lệ học sinh bỏ học của Đồng Nai vẫn còn cao: 0,99%. Bước vào năm học mới, ngành có đề ra giải pháp nào để giảm tỷ lệ này?

 

- Đúng là tỷ lệ học sinh bỏ học, nhất là ở bậc THPT của Đồng Nai còn cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trên cơ sở đánh giá từng nguyên nhân, chúng tôi sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm, như: tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc chăm lo giáo dục học sinh; kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ của các tập thể, cá nhân nhằm gây quỹ học bổng giúp học sinh tới trường; tăng cường trách nhiệm của nhà trường, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm nhằm giúp đỡ, kèm cặp học sinh yếu, kém. Sẽ không thể giảm được tỷ lệ học sinh bỏ học nếu như thiếu đi sự gắn kết giữa gia đình - nhà trường và xã hội. Do đó, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba yếu tố quan trọng này. Mục tiêu của ngành trong năm học 2010-2011 sẽ giảm số học sinh bỏ học xuống còn 0,5%.

 

* Còn nhiều vấn đề trong học đường như: bạo lực học đường, ứng xử thiếu văn hóa... đã xảy ra khiến việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trở nên vô cùng quan trọng. Ở Đồng Nai, nội dung giáo dục này được thực hiện ra sao, thưa ông?

 

- Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh là một trong năm nội dung của phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" mà ngành đã triển khai từ hai năm học qua. Phong trào đã và đang nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các trường. Tính đến nay, toàn tỉnh có 795 trường học thực hiện phong trào này (gồm 256 trường mầm non, 300 trường tiểu học, 169 trường THCS, 58 trường THPT, 12 trung tâm giáo dục thường xuyên). Các trường đã xây dựng được quy tắc ứng xử giữa các thành viên trong nhà trường và có biện pháp giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy tắc đó hàng ngày. Đã có 531/795 trường tổ chức được các câu lạc bộ, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với nội dung giáo dục, rèn luyện các kỹ năng sống, ý thức bảo vệ sức khỏe, phòng chống tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích cho học sinh; phổ biến Luật Giao thông và giáo dục an toàn giao thông cho học sinh; tổ chức sưu tầm, xây dựng tủ sách giáo dục kỹ năng sống; tuyên truyền học sinh không hút thuốc lá ở lớp học và nơi công cộng... Những hoạt động này đã và đang góp phần tích cực vào việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em có cách ứng xử đúng mực ở trong và ngoài nhà trường.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Nguyễn Phượng (thực hiện)

                                                                             

Tin xem nhiều