Thực hiện ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 231/TB-VPCP ngày 31-8 của Văn phòng Chính phủ, chương trình cho học sinh, sinh viên (HS-SV) vay vốn trong năm học 2010-2011 sẽ điều chỉnh lại mức cho vay. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về quy định mới này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Công Nam, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) tỉnh...
Thực hiện ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 231/TB-VPCP ngày 31-8 của Văn phòng Chính phủ, chương trình cho học sinh, sinh viên (HS-SV) vay vốn trong năm học 2010-2011 sẽ điều chỉnh lại mức cho vay. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về quy định mới này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Công Nam, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) tỉnh...
* Phóng viên: Thưa ông, theo quy định mới, thì đối tượng HS-SV nào được vay vốn một lần trong suốt thời gian học?
- Ông Huỳnh Công Nam: Theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HS-SV, có 4 đối tượng HS-SV được vay vốn đi học là: mồ côi, hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình gặp khó khăn về tài chính. Còn việc điều chỉnh mức vay vốn trong năm học này chỉ thực hiện đối với HS-SV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh (trong thời gian theo học) có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú. Đối với đối tượng này chỉ được vay một lần với thời gian học được vay vốn tối đa không quá 12 tháng (khác với trước đây được vay vốn suốt thời gian theo học tại trường). Trong đó, mức cho vay không vượt quá số tiền quy định tối đa là 860 ngàn đồng/tháng/HS-SV. Ngân hàng CSXH nơi cho vay và người vay có thể thỏa thuận phát tiền vay một lần cho cả năm học hoặc theo kỳ học.
Cũng cần nói thêm rằng, HS-SV thuộc diện mồ côi, hộ nghèo, cận nghèo vẫn được vay vốn trong thời gian theo học tại trường như trước đây, với mức vay tối đa một năm học 860 ngàn đồng/người x 10 tháng. Ngoài ra, trong năm học này cũng có điều chỉnh mức cho vay với đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo để đảm bảo mức cho vay này thấp hơn mức cho vay đối tượng thuộc diện hộ nghèo.
* Trường hợp, HS-SV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính (hiện đang theo học tại trường) đã vay ít hơn hoặc nhiều hơn mức cho vay tối đa nêu trên thì sẽ giải quyết như thế nào? Người vay phải trả nợ gốc và lãi ra sao?
- Các trường hợp trước đây ngân hàng đã giải ngân cho vay bằng hoặc lớn hơn mức quy định (860 ngàn đồng x 12 tháng) thì chấm dứt việc giải ngân và tiến hành thỏa thuận định kỳ hạn trả nợ. Đối với các trường hợp đã được vay nhưng số tiền đã giải ngân chưa bằng mức cho vay tối đa thì tiếp tục giải ngân cho vay thêm cho đủ mức cho vay tối đa theo quy định. Việc trả nợ cũng theo quy định: người vay phải trả nợ gốc và lãi tiền vay ngay sau khi HS-SV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày HS-SV kết thúc khóa học.
Không ít học sinh, sinh viên cần được vay vốn để tiếp tục đi học. |
* Xin ông cho biết, nếu thực hiện sự điều chỉnh này thì số lượng HS-SV vay vốn có giảm nhiều không?
- Nếu thực hiện sự điều chỉnh này thì số lượng HS-SV vay vốn sẽ giảm đáng kể. Dự kiến học kỳ 1 năm học 2010-2011, tổng kinh phí cho vay khoảng 100 tỷ đồng với trên dưới 25.000 HS-SV vay, ước chừng giảm đến 10.000 HS-SV được vay vốn. Qua 3 năm triển khai cho HS-SV vay vốn cho thấy, một số cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương chưa xác nhận đúng các đối tượng khó khăn được thụ hưởng chương trình. Bởi, qua kiểm tra thực tế cho thấy, có một số trường hợp gia đình không thật sự khó khăn nhưng vẫn được giải quyết cho vay vốn đi học. Vì vậy, việc điều chỉnh lần này sẽ góp phần chấn chỉnh lại để tạo hợp lý trong chương trình tín dụng cho HS-SV.
Đến tháng 9 này, dư nợ cho vay HS-SV trên địa bàn tỉnh là 587 tỷ đồng với trên 44.161 HS-SV đang được vay vốn. Trong đó, dư nợ cho HS-SV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính là 336 tỷ đồng (chiếm 57%); hộ nghèo là 129 tỷ đồng (chiếm gần 22%); hộ cận nghèo là 121 tỷ đồng (chiếm gần 21%).
* Triển khai cho HS-SV vay vốn trong học kỳ này còn có gì mới, thưa ông?
- Một điểm mới nữa là các trường hợp hộ vay có điều kiện và tự nguyện đề nghị trả lãi trong thời gian HS-SV đang theo học thì, ngân hàng nơi cho vay thực hiện thu theo đề nghị của người vay. Trước đây, Ngân hàng CSXH tỉnh không tiến hành thu lãi đối với HS-SV còn đang đi học, ngay cả khi gia đình tự nguyện đóng. Cần nói rõ rằng, hiện nay, việc thu lãi tiền vay trước thời hạn trả nợ là do người vay tự nguyện trả; ngân hàng cho vay không bắt buộc. Ngân hàng CSXH khuyến khích người vay trả nợ trước hạn bằng việc thực hiện giảm lãi cho vay với các trường hợp trả nợ trước hạn. Người vay có thể được giảm 50% lãi suất trên số ngày trả lãi trước hạn.
*Xin cảm ơn ông!
Ngọc Thư (thực hiện)