Báo Đồng Nai điện tử
En

Thành lập Đội Thanh tra xây dựng cấp huyện là cần thiết!

09:10, 18/10/2010

Đồng Nai vừa thành lập thí điểm các đội thanh tra xây dựng thuộc cấp huyện, thành phố, thị xã. Để thông tin thêm cho bạn đọc về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của lực lượng này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN QUỐC TẦN, Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng...

Đồng Nai vừa thành lập thí điểm các đội thanh tra xây dựng thuộc cấp huyện, thành phố, thị xã. Để thông tin thêm cho bạn đọc về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của lực lượng này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN QUỐC TẦN, Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng...

 

* PV: Thưa ông, việc thành lập các đội thanh tra xây dựng (TTXD) có thực sự là nhu cầu cần thiết trong tình hình hiện nay không?

 

- Ông Nguyễn Quốc Tần: Ở các huyện, lực lượng làm công tác quản lý trật tự xây dựng hiện vẫn còn đang thiếu và chưa có một tổ chức chính quy, đồng bộ mà hầu hết là kiêm nhiệm lồng ghép trong các phòng quản lý đô thị, công thương. Do không có lực lượng chuyên trách nên các địa phương cũng không thể kiểm tra thường xuyên và xử lý kịp thời các vi phạm. Trong khi đó, ở Đồng Nai, do tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, cộng với quá trình đô thị hóa nhanh nên phát sinh nhiều vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Phổ biến là việc xây dựng tự phát, không xin phép đã gây nên tình trạng lộn xộn, mất trật tự, không đồng bộ về kiến trúc và lộ giới, gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Vì vậy, để thực hiện tốt công tác quản lý và điều hành, cũng như tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, việc UBND tỉnh cho thành lập Đội TTXD thuộc UBND cấp huyện là hết sức cần thiết.

 

Đội TTXD huyện Nhơn Trạch đang kiểm tra một công trình xây dựng trên địa bàn.

* Ông có thể cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra bao nhiêu vụ vi phạm về xây dựng và những lỗi vi phạm nào là phổ biến?

 

- Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2.000 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, chủ yếu là các trường hợp xây dựng trên đất đã được phê duyệt dự án và vi phạm trình tự thủ tục cấp phép xây dựng (chiếm khoảng 88%), xây dựng sai phép (chiếm khoảng 10%), còn khoảng 2% là những sai phạm khác. Nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm xây dựng hiện nay là do người dân chưa am hiểu về các trình tự thủ tục quy định trong lĩnh vực xây dựng.

 

* Vậy, đội TTXD cấp huyện có chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền như thế nào?

 

-  Đội TTXD thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, kiểm tra các chủ đầu tư xây dựng trên địa bàn trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng; phát hiện và kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, như: xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ của công trình hạ tầng kỹ thuật; vi phạm lấn chiếm vỉa hè, đường phố, cơi nới, lấn chiếm không gian; vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng đất đai... Ngoài ra, Đội còn có nhiệm vụ theo dõi công tác quản lý trật tự xây dựng và việc xử lý trật tự xây dựng của UBND cấp xã, phường, thị trấn; tổng hợp tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn; kiến nghị Chủ tịch UBND cùng cấp ban hành biện pháp cần thiết, phù hợp thực tế, nhằm quản lý trật tự xây dựng có hiệu quả.

 

* Khi phát hiện vi phạm thì trình tự xử lý của đội TTXD như thế nào, thưa ông?

 

- Quy trình xử lý của đội được thực hiện theo các Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở... Theo đó, khi phát hiện sai phạm, đội TTXD sẽ phải lập biên bản, yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công và tự phá dỡ bộ phận công trình hoặc công trình vi phạm. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, nếu chủ đầu tư không chấp hành thì người lập biên bản phải trình Chủ tịch UBND cấp xã, phường ra quyết định đình chỉ thi công. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ban hành quyết định đình chỉ thi công, Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn chỉ đạo cấm vận chuyển vật tư, vật liệu và công nhân vào công trình. Trường hợp chủ đầu tư vắng mặt, hoặc cố ý tránh mặt thì quyết định đình chỉ thi công xây dựng vẫn có hiệu lực. Trong thời hạn ba ngày kể từ khi có quyết định đình chỉ thi công xây dựng, nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ công trình vi phạm, thì Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn ra quyết định cưỡng chế và tổ chức phá dỡ.

 

Đối với công trình xây dựng do UBND huyện, thành phố, thị xã và Sở Xây dựng cấp phép, sau khi ra quyết định đình chỉ thi công, Chủ tịch UBND cấp phường phải gửi hồ sơ đến TTXD huyện, thành phố, thị xã. Trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, đội TTXD phải trình Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm...

 

* Xin cảm ơn ông!

Kim Liễu

 

 

Tin xem nhiều