Hiện nay, dịch heo tai xanh ở Đồng Nai đã hết, Cục Thú y đang tiến hành làm văn bản đề nghị UBND tỉnh công bố hết dịch ở những xã còn lại. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, về việc tái đàn và biện pháp ngăn chặn dịch quay trở lại.
Hiện nay, dịch heo tai xanh ở Đồng Nai đã hết, Cục Thú y đang tiến hành làm văn bản đề nghị UBND tỉnh công bố hết dịch ở những xã còn lại. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, về việc tái đàn và biện pháp ngăn chặn dịch quay trở lại.
* Phóng viên: Ông có đánh giá gì về đợt dịch heo tai xanh trong tỉnh vừa qua?
- Ông Hoàng Sơn Hải: Đây là lần đầu tiên dịch heo tai xanh xảy ra ở Đồng Nai với thời gian lâu và tốc độ lây lan nhanh. Trong vòng hơn 3 tháng kể từ ngày công bố dịch (29-7), dịch đã lan ra 15 xã làm bị bệnh gần 70 ngàn con heo, trong đó có gần 29 ngàn con heo bị bệnh nặng phải tiêu hủy, gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi. Để dịch xảy ra lâu và lan rộng là do nhiều nơi nông dân còn dấu dịch, bán chạy heo bệnh và quăng xác heo bệnh bừa bãi ra cạnh đường, sông, suối và việc chăn nuôi phòng bệnh chưa đảm bảo. Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát vận chuyển, giết mổ heo chưa thực sự chặt chẽ cũng là một trong những tác nhân làm dịch bệnh lây lan nhanh. Đây sẽ là bài học để người chăn nuôi, chính quyền địa phương và các ngành chức năng có biện pháp tốt hơn trong việc phòng chống và ngăn chặn dịch heo tai xanh tái phát trong thời gian tới.
Tuy nằm trong vùng dịch, song Công ty CP chăn nuôi Phú Sơn vẫn an toàn vì áp dụng tốt phương pháp phòng dịch. |
* Dịch đã hết, song mầm bệnh vẫn còn, vậy liệu có xảy ra tình trạng tái dịch không, thưa ông?
- Tuy dịch heo tai xanh đã hết, song với thời tiết có ẩm độ cao như hiện nay thì nguy cơ tái dịch là rất cao. Vì dịch tai xanh thường phát triển theo chu kỳ 70- 75 ngày, sau khi lên đến đỉnh điểm, dịch sẽ giảm dần, nếu người chăn nuôi không có biện pháp phòng ngừa cẩn thận thì dịch rất dễ quay trở lại một chu kỳ mới với tốc độ lây lan nhanh hơn. Do đó, để ngăn chặn dịch quay lại người chăn nuôi phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch như: tiêm phòng đầy đủ các bệnh bắt buộc cho đàn heo, thường xuyên tiêu độc sát trùng, dọn dẹp vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để hạn chế mầm bệnh lây lan. Đồng thời, người chăn nuôi tăng cường chăm sóc, bổ sung các dưỡng chất để tăng sức đề kháng cho đàn heo. Bên cạnh đó, nông dân chú ý khi tăng đàn nên chọn mua heo giống có nguồn gốc rõ ràng ở những cơ sở uy tín, trước khi nhập đàn đảm bảo thời gian cách ly. Ngoài ra, các địa phương cần có biện pháp giám sát chặt chẽ đàn heo sau khi công bố hết dịch, thanh tra xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ gia súc trái phép và triển khai nhanh, đồng bộ việc tiêm phòng đợt 2-2010 các bệnh bắt buộc cho đàn gia súc.
* Đợt dịch vừa qua đã làm thiệt hại không nhỏ đàn heo nái của Đồng Nai và các tỉnh, thành lân cận, liệu tới đây có xảy ra sốt heo giống và thiếu thịt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới?
- Tới đây sẽ xảy ra tình trạng thiếu heo giống, song khan hiếm đến mức lên cơn sốt thì khó xảy ra. Vì vừa qua dịch heo tai xanh đa số xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn các trang trại, cơ sở chăn nuôi heo giống lớn của tỉnh vẫn an toàn nên lượng heo giống cung cấp ra thị trường thời gian tới vẫn khá nhiều.
Để giảm tình trạng thiếu thịt heo trong dịp Tết Nguyên đán 2011, theo tôi, các địa phương nhanh chóng triển khai Quyết định 2247 của tỉnh hỗ trợ tiền cho các gia đình có heo bệnh nặng phải tiêu hủy để họ có vốn thanh toán bớt nợ nần và tái đàn. Hiện đa số người chăn nuôi nhỏ lẻ phải vay vốn ngân hàng và lấy cám chịu tại các đại lý, nếu các địa phương kéo dài thời gian hỗ trợ cho người dân họ sẽ phải gánh thêm khoản nợ do lãi mẹ đẻ lãi con. Như vậy, khi nông dân nhận được tiền hỗ trợ khả năng tái đàn sẽ rất thấp, vì không còn vốn để đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh nên có chính sách giúp các hộ có heo bị bệnh tai xanh phải tiêu hủy đang vay vốn ngân hàng được khoanh nợ để giảm bớt khó khăn.
* Cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)