Hiện nay, ở Vĩnh Cửu có nhiều dự án đang được triển khai và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện các dự án là khá lớn. Bên cạnh những thuận lợi, huyện cũng gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ông TRẦN VĂN KHOAN, Ủy viên Ban TVHU, Phó chủ tịch UBND huyện đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi xoay quanh vấn đề này.
* PV: Thưa ông, huyện Vĩnh Cửu đã và đang triển khai thực hiện nhiều dự án nhằm đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Ông có thể khái quát về một số dự án lớn, tiêu biểu trên địa bàn mà huyện đang tập trung triển khai?
Thi công đường tỉnh 767. |
- Ông Trần Văn Khoan: Hiện nay, huyện Vĩnh Cửu đang triển khai rất nhiều dự án lớn. Trong đó có những dự án mà khi thực hiện hoàn thành sẽ làm thay đổi cơ bản đời sống kinh tế - xã hội của huyện, như: đầu tư nâng cấp và mở rộng đường tỉnh 767; nhóm dự án BOT đường tỉnh 768; đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tập trung Thạnh Phú, cùng 8 cụm công nghiệp địa phương; các dự án khu dân cư đô thị thuộc các xã: Thạnh Phú, Tân Bình, Bình Hòa; dự án nghĩa trang công viên Vĩnh Hằng tại xã Tân An; khu trung tâm văn hóa của huyện tại thị trấn Vĩnh An; dự án xây dựng Trung tâm văn hóa - lịch sử trong Khu bảo tồn thiên nhiên và văn hóa tỉnh...
* Trong quá trình triển khai dự án luôn kèm theo công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Vấn đề này, huyện có những thuận lợi, khó khăn, trở ngại nào không, thưa ông?
- Trong quá trình triển khai, thuận lợi nhất của người dân trong diện có đất được thu hồi để thực hiện dự án là sẽ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm. Bên cạnh đó, huyện cũng được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo UBND tỉnh cũng như của các sở, ngành cấp tỉnh để giải quyết những vướng mắc trong công tác bồi thường.
Tuy nhiên, khó khăn trở ngại nhất hiện nay đối với huyện là những sai sót trong hồ sơ kỹ thuật quản lý đất đai (như bản đồ); thiếu cập nhật biến động đất đai vào sổ bộ địa chính cấp xã; việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân không được kiểm tra, hướng dẫn lập thủ tục theo trình tự quy định; sự phối hợp trong quản lý đất đai giữa cấp huyện và cấp xã còn chưa chặt chẽ... đã làm chậm trễ và thường xuyên sai sót trong việc xác nhận nguồn gốc đất cũng như lập hồ sơ bồi thường. Bên cạnh đó, một số khu vực trên địa bàn được Nhà nước ban hành giá đất hàng năm còn chênh lệch nhiều so với giá thực tế chuyển nhượng; giá bồi thường nhà, vật kiến trúc chậm được điều chỉnh theo biến động giá thực tế, nên gây nhiều thắc mắc, khiếu nại trong công tác bồi thường cho người dân. Ngoài ra, chính sách về bồi thường của Nhà nước thường thay đổi theo hướng ngày càng có lợi cho người bị thu hồi đất nên gây tâm lý trông chờ, so bì trong nhân dân và cuối cùng là có biểu hiện sự quá tải trong công việc của tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường tại địa phương.
* Gần đây, tỉnh đã tổ chức khởi công nâng cấp, mở rộng một số đoạn của 2 tuyến đường 767, 768 đi qua huyện, nhưng vẫn còn vướng mắc ở một số địa phương. Ông có thể cho biết những vướng mắc cụ thể đó là gì?
- Ngoài những khó khăn chung, hai công trình trên bị vướng mắc do sự phối hợp quản lý xây dựng, giao đất trong hành lang lộ giới chưa được chặt chẽ; chính sách về bồi thường đất trong hành lang an toàn giao thông chưa được hướng dẫn thống nhất, cụ thể nên địa phương còn lúng túng trong tổ chức thực hiện. Trong khi đó, dự án lại liên quan đến nhiều đối tượng được bồi thường, phải lập nhiều hồ sơ nên tiến độ thực hiện có chậm hơn so với yêu cầu chỉ đạo.
* Vậy, để hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án được triển khai thực hiện đúng tiến độ, huyện đã có những giải pháp như thế nào, thưa ông?
- Huyện đã chỉ đạo các ngành cấp huyện, giữa huyện và xã có sự phối hợp chặt chẽ việc thực hiện các công đoạn bồi thường thực hiện dự án và xem nhiệm vụ bồi thường là tiền đề cho sự phát triển. Ngoài ra, huyện cũng nhanh chóng xây dựng các khu tái định cư nhằm sớm ổn định cuộc sống cho người dân trong vùng dự án.
Chúng tôi nhận thức rằng, việc bồi thường, thu hồi đất luôn gắn liền với thực hiện dự án đầu tư và khi có nhiều dự án đầu tư trên địa bàn thì kinh tế - xã hội địa phương sẽ nhanh chóng phát triển. Vì vậy, các dự án, công trình hiện nay đang rất cần sự vận động để có sự đồng thuận cao của người dân trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, chúng tôi còn phải thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn thực hiện chính sách cho cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ bồi thường để họ thực hiện công tác này ngày càng tốt hơn.
* Xin cảm ơn ông!
Lê Minh