Đất đai luôn là vấn đề được nhiều người dân Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành quan tâm. Hàng năm, trong các vụ khiếu kiện vượt cấp ra Trung ương thì đất đai chiếm đến 70%. Để quy hoạch, sử dụng đất đai hiệu quả, thời gian tới Quốc hội, HĐND các cấp sẽ tăng cường công tác giám sát trên lĩnh vực này và tỉnh Đồng Nai đã được Trung ương chọn làm điểm. Phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông TRầN ĐÌNH ĐÀN, Ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Đất đai luôn là vấn đề được nhiều người dân Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành quan tâm. Hàng năm, trong các vụ khiếu kiện vượt cấp ra Trung ương thì đất đai chiếm đến 70%. Để quy hoạch, sử dụng đất đai hiệu quả, thời gian tới Quốc hội, HĐND các cấp sẽ tăng cường công tác giám sát trên lĩnh vực này và tỉnh Đồng Nai đã được Trung ương chọn làm điểm. Phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông TRầN ĐÌNH ĐÀN, Ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
* Phóng viên: Thưa ông, hiện nay có nhiều vấn đề, nhưng Văn phòng Quốc hội lại chọn vấn đề đất đai - một lĩnh vực khá rộng để tăng cường giám sát, liệu có đạt được kết quả như mong muốn?
- Ông Trần Đình Đàn: Đất đai liên quan đến tất cả mọi người, vì vậy việc quy hoạch sử dụng đất nếu không phù hợp, hài hòa các lợi ích sẽ gây bức xúc cho người dân. Cụ thể, thời gian qua, trong tất cả các vụ khiếu kiện ra Trung ương có 70% là khiếu kiện về đất đai, đồng thời khiếu kiện đông người vượt cấp có phần gia tăng. Do đó, Quốc hội chọn tăng cường giám sát trên lĩnh vực đất đai ở các cấp HĐND là để kịp thời phát hiện ra những vướng mắc, chưa hợp lý trong quy hoạch, sử dụng đất đai ở địa phương, từ đó có kiến nghị với UBND các cấp kịp thời điều chỉnh, xử lý cho phù hợp.
* Vì sao Văn phòng Quốc hội lại chọn Đồng Nai làm mô hình điểm trong giám sát của HĐND tỉnh về lĩnh vực đất đai, thưa ông?
- Văn phòng Quốc hội chọn Đồng Nai làm điểm trong tăng cường giám sát của HĐND tỉnh về lĩnh vực đất là vì hoạt động của HĐND tỉnh ở đây khá tốt. Bên cạnh đó, Đồng Nai là tỉnh sử dụng đất tương đối hiệu quả, vì thế tôi nghĩ làm điểm ở đây sẽ thuận lợi hơn.
* Ông có nghĩ là Luật Đất đai ban hành năm 2003 đã cũ và có một số điều không còn phù hợp với điều kiện phát triển của xã hội hiện nay?
- Như tôi đã nói, năm 2010, khiếu kiện về đất đai tăng, điều đó bộc lộ việc quản lý sử dụng còn nhiều hạn chế. Ở một số địa phương, chính quyền cấp huyện, xã và người dân chưa hiểu đúng các quy định về đất đai, nên để xảy ra tình trạng bị một nhóm người lợi dụng buôn bán bất động sản gây ra những bất ổn, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, có nhiều văn bản dưới luật về lĩnh vực đất đai được ban hành, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hiện các cơ quan chuyên môn đang nghiên cứu, tiến hành sửa đổi và làm lại Luật Đất đai mới để năm 2011, nếu luật được Quốc hội thông qua phù hợp với thực tế và lập lại được trật tự về đất đai, sẽ góp phần làm giảm bớt những khó khăn cho cơ quan quản lý, cũng như bức xúc của người dân.
* Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)